Phát triển đảng viên trong trường học, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài

10:58 | 11/08/2022
TTTĐ - Công tác phát triển Đảng trong học sinh đang có những thuận lợi, khó khăn gì? Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng và tạo môi trường cho học sinh rèn luyện, phấn đấu vào Đảng ra sao?
Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên

Đây là nội dung được thảo luận tại Hội nghị tọa đàm công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở Đảng bộ thành phố Hà Nội do Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT thành phố tổ chức ngày 10/8.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo và Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương chủ trì hội nghị.

Chỉ có 17 học sinh được kết nạp Đảng trong 5 năm

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã luôn quan tâm đặc biệt đến công tác này, nhất là phát triển Đảng trong đội ngũ trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn Thủ đô. Nhờ đó, công tác kết nạp đảng viên trong lực lượng giáo viên, sinh viên đạt được kết quả tích cực, số lượng đảng viên không ngừng lớn mạnh. Cơ cấu đảng viên có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Chất lượng đảng viên được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn…

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, số lượng đảng viên mới kết nạp chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô khi Hà Nội là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng hàng đầu của cả nước.

Toàn ngành Giáo dục thành phố có 2.835 trường học ở các cấp học, với 138.090 giáo viên, trên 2,2 triệu học sinh, cùng với đó là gần 1 triệu sinh viên, học viên. Trong khi đó, 5 năm qua, toàn Đảng bộ thành phố mới kết nạp được 17 học sinh, trong đó, có 6 học sinh ở các trường trung học phổ thông.

Phát triển đảng viên trong trường học, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm trên 10% trong tổng số cơ cấu kết nạp đảng viên của thành phố. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là giáo viên trong khối các trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, dạy nghề...) cũng mới đạt 3,56%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ đảng viên là giáo viên trong khối trường mới đạt 46,59%...

Để khắc phục những hạn chế, đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong khối trường học, Ban Tổ chức Thành ủy đã nêu đề xuất mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đảng viên là giáo viên khối các trường công lập đạt từ 50% trở lên, khối các trường ngoài công lập đạt từ 20% trở lên.

Đối với lực lượng giáo viên, hằng năm, mỗi tổ chức Đảng khối trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), trung học chuyên nghiệp, dạy nghề kết nạp ít nhất 2 đảng viên mới; các trường đại học, cao đẳng từ 5-10 đảng viên trở lên cũng có thể thực hiện được. Phấn đấu mỗi trường trung học phổ thông kết nạp ít nhất 1 đảng viên là học sinh/năm; Các trường trung học chuyên nghiệp, kết nạp từ 5-10 đảng viên là học viên; Các trường đại học, cao đẳng, kết nạp từ 20 đảng viên là sinh viên trở lên...

Từ thực tế nêu trên, tại hội thảo, các đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố đã sôi nổi trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ vị trí, vai trò của đảng viên trong các nhà trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; Đánh giá thực trạng công tác kết nạp đảng viên trong các trường học của thành phố, những vấn đề đặt ra.

Các tham luận tại tọa đàm đã tập trung làm rõ những vấn đề như: Công tác phát triển Đảng trong học sinh có những thuận lợi, khó khăn và giải pháp gì; Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng và tạo môi trường cho học sinh rèn luyện, phấn đấu vào Đảng; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các trường THPT hiện nay...

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo phát biểu.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo phát biểu

Các ý kiến nhấn mạnh, để thực hiện được các chỉ tiêu đề xuất nêu trên, quan trọng là phải phát huy được vai trò, trách nhiệm cao của cấp ủy, tổ chức Đảng trong nhà trường cũng như của tổ chức Đoàn Thanh niên.

Phải đảm bảo quy trình, không hạ thấp tiêu chuẩn

Trao đổi tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, công tác phát triển đảng viên trong khối trường trung học phổ thông hiện nay của Hà Nội còn thấp, dư địa và tiềm năng rất lớn nhưng hạn chế chủ yếu là ở khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, thời gian tới, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chủ trì phối hợp, tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để ban hành hướng dẫn, tiêu chuẩn về kết nạp đảng viên trong học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao ý nghĩa, nội dung của hội nghị tọa đàm đối với công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố. Đồng chí nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phải khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của dân tộc; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Muốn vậy phải có đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu, do đó, phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên là rất quan trọng.

Phát triển đảng viên trong trường học, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài
Các đại biểu chia sẻ ý kiến tham luận tại hội thảo

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất được các đại biểu nêu ra tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị cần thống nhất về nhận thức: “Việc phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh trung học phổ thông và sinh viên rất quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo. Đó là giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục về chính trị”.

Để triển khai nhiệm vụ này, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, không chỉ ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, mà phải từ cấp ủy các cấp, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Thành đoàn Hà Nội... Trong đó, các đồng chí Bí thư cấp ủy, hiệu trưởng các nhà trường cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, trong quá trình triển khai, cần thực hiện song hành 2 mục tiêu về số lượng đảng viên kết nạp mới và tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo. Quá trình phát triển đảng viên mới trong trường phổ thông, một mặt phải bảo đảm các quy trình, quy định, không hạ thấp tiêu chuẩn song cần linh động, tạo cơ hội cho các học sinh có điều kiện và mong muốn được tham gia, trên cơ sở đó, lựa chọn, bồi dưỡng và đi đến kết nạp những học sinh xứng đáng, có sức hút, có sự lan tỏa.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã mỗi năm mở ít nhất 2 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh, theo yêu cầu của các trường trung học phổ thông. Chương trình bồi dưỡng phải cấu trúc lại để phù hợp với các em. Các trường cũng cần có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh; thông qua công tác phát triển Đảng, kết nạp đảng viên trong học sinh, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

Ngọc Minh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/