Những “ông đồ” sinh viên đam mê thư pháp Hán Nôm

14:37 | 11/08/2022
TTTĐ - Các bạn ấy là những chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, yêu thích viết chữ Hán Nôm. Họ vừa cùng nhau tham gia chương trình nghệ thuật vô cùng đặc sắc Ơn nghĩa sinh thành do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các đơn vị tổ chức tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội).
Triển lãm và liên hoan thư pháp “Thăng Long - Hà Nội” Triển lãm và liên hoan thư pháp “Thăng Long - Hà Nội”
Vĩnh Phúc: Tổ chức triển lãm thư pháp mừng Đảng, mừng xuân Vĩnh Phúc: Tổ chức triển lãm thư pháp mừng Đảng, mừng xuân

Trải nghiệm cho thời sinh viên thật sự ý nghĩa

Bốn chàng trai: Trần Văn Khánh, Nguyễn Văn Sâm (trường Đại học Mở Hà Nội) và Trương Đại Thắng, Đỗ Trần Minh Hiếu (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội) là những “ông đồ” cho chữ trong bối cảnh chợ quê tại chương trình. Những “ông đồ” trẻ trung, giàu năng lượng đã tiếp thêm nguồn lực cho sự thành công của Ơn nghĩa sinh thành.

Đây là lần đầu tiên, Trần Văn Khánh (19 tuổi), sinh viên năm thứ hai, chuyên ngành tiếng Trung Quốc của trường Đại học Mở Hà Nội tham gia một chương trình nghệ thuật lớn như vậy. Sau khi được thông tin về chương trình, chàng trai Gen Z tham gia ngay để thực hiện nhiệm vụ viết thư pháp, cho chữ.

Những “ông đồ” sinh viên đam mê thư pháp Hán Nôm
Các "ông đồ" sinh viên

Chàng trai 19 tuổi chia sẻ: “Tham gia hoạt động này giúp em tăng khả năng làm việc nhóm, sắp xếp thời gian một cách khoa học, bồi đắp thêm tinh thần mình vì mọi người. Những trải nghiệm cho em chỉ nâng cấp về kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm để phục vụ cho công việc, cuộc sống sau này mà nó còn là những kỷ niệm vô giá của thời sinh viên không thể quên. Rồi khi sau này ngoảnh lại thấy cuộc sống sinh viên của mình quả thật đẹp, đầy ý nghĩa”.

Theo Khánh, trước ngưỡng cửa cuộc đời, ai nấy đều phải đưa ra quyết định quan trọng cho con đường tương lai. Có người thì chọn học cao đẳng, hoặc học xong chương trình phổ thông rồi đi làm, còn với cậu, học đại học vẫn là con đường đúng đắn nhất. Khánh đã chọn theo ngành ngôn ngữ tiếng Trung Quốc.

Sau thời gian gắn bó, trải qua quá trình học tập, thực hành, tuy có chút khó khăn nhưng cậu nhận thấy tiếng Trung không chỉ là một trong những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới hiện nay, mà còn là kim chỉ nam sẽ giúp Khánh tìm được một công việc tốt và thăng tiến trong sự nghiệp sau này.

Những “ông đồ” sinh viên đam mê thư pháp Hán Nôm
Đông người đến xin chữ "ông đồ" tại không gian bên lề chương trình nghệ thuật Ơn nghĩa sinh thành

Chàng sinh viên cho rằng, mỗi loại ngôn ngữ đều mang trong mình vẻ đẹp, một ý nghĩa thâm thúy riêng nhưng tiếng Trung là ngôn ngữ hay nhất mà cậu từng được học, vì mặt chữ cũng nói lên ý nghĩa về nhân sinh, cuộc sống, triết lý, văn hóa... của người Trung Quốc. Bên cạnh đó, âm nhạc Trung Quốc là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống bận rộn, căng thẳng của Khánh.

Học tiếng Trung Quốc nên Khánh đã học thêm nghệ thuật viết thư pháp. Chàng trai viết thư pháp bằng cả chữ Hán và chữ Việt theo yêu cầu của người xin chữ.

Cùng học trường Đại học Mở Hà Nội, Nguyễn Văn Sâm (sinh năm 2003), khoa Tiếng Trung Quốc là lớp trưởng lớp K28T2. Học giỏi, rèn luyện tốt, Sâm còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Cậu cũng vừa tham gia chương trình Ơn nghĩa sinh thành. Chàng trai 2K3 chia sẻ: “Tham gia các hoạt động xã hội bởi em muốn bản thân mình thay đổi, trau dồi được kĩ năng sống, tạo được nhiều mối quan hệ, từ đó phát triển hơn”.

Sâm có niềm đam mê với thư pháp. Mỗi khi căng thẳng, stress, cậu lại muốn hướng đến nghệ thuật này. “Ông đồ” sinh viên cho rằng, thư pháp là nghệ thuật tạo hình chữ viết. Thông qua thư pháp thể hiện những suy nghĩ nội tâm của người viết, giúp người viết rèn sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống và hòa trong mạch sống nghệ thuật dân tộc, có ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Những “ông đồ” sinh viên đam mê thư pháp Hán Nôm
Các em nhỏ hào hứng chụp ảnh cùng "ông đồ"

Thư pháp có nghĩa ban đầu là phương pháp viết chữ chuẩn xác, cho đẹp nhưng cùng với thời gian, đã vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu và trở thành nghệ thuật viết chữ cách điệu, tạo ra những hình tượng nghệ thuật thể hiện ý tứ sâu xa của tác giả. Từ khi học thêm thư pháp, Nguyễn Văn Sâm càng đam mê rèn chữ hơn nữa. Rèn viết thư pháp giúp Sâm điềm tĩnh, tác phong chỉn chu, cẩn thận hơn. Cậu cho biết, người viết khéo sẽ cho ra các tác phẩm mềm mại như rồng múa phượng bay, ngược lại sẽ cho ra tác phẩm thô cứng không có hồn.

Tâm hồn trẻ hướng đến chân - thiện - mỹ

Với Trương Đại Thắng (sinh năm 2002), học Hán – Nôm, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, viết thư pháp đã trở nên chuyên nghiệp. Thắng chia sẻ, theo suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, bên cạnh tiếng Việt, chữ Hán đã từng được sử dụng làm văn tự chính thức - đảm nhận vai trò là công cụ cho sự thống nhất thông tin ở dạng viết, dùng trong các chức năng chính thức như hoạt động hành chính, ngoại giao, giáo dục...

Những “ông đồ” sinh viên đam mê thư pháp Hán Nôm
Những nét chữ "rồng bay phượng múa" của các "ông đồ" sinh viên

Ngoài ra, một hệ thống văn tự tồn tại song song tuy không chính thức, nhưng được dùng để ghi chép lại tiếng Việt dựa trên cơ sở những chất liệu chủ yếu của chữ Hán đã ra đời, đó là chữ Nôm. Vì vậy học Hán - Nôm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu và lưu giữ lịch sử, văn hoá, phong tục Việt Nam xưa.

Với số lượng chữ Hán nhiều vô kể, những chữ có hình dạng, âm đọc, nghĩa giống và gần giống nhau là một thử thách lớn đối với người học. Những ẩn ý, trích dẫn điển cố, điển tích, hàm chứa tri thức trong từng câu, từng chữ là những mật mã cần người học phải có sự tích luỹ, nhạy bén để có thể "phá giải" được ý nghĩa...

Hiện nay, từ Hán - Việt chiếm tỷ lệ rất lớn trong vốn từ vựng tiếng Việt. Vì vậy, việc học Hán - Nôm còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, qua đó giúp chúng ta hiểu rõ nghĩa của từ và vận dụng từ một cách chính xác. Chính điều đó đã thôi thúc chàng sinh viên theo đuổi ngành học của mình và nghệ thuật thư pháp. Thắng cho hay: “Từ thư pháp chúng ta có thể tiếp cận thông qua văn tự chữ Hán, qua đó mở ra cánh cửa tri thức vừa mới lạ, vừa thân quen”.

Những “ông đồ” sinh viên đam mê thư pháp Hán Nôm
Người được cho chữ rất hài lòng với sản phẩm của "ông đồ"

“Ông đồ” Đỗ Trần Minh Hiếu cũng là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Chàng trai Gen Z có cá tính đặc biệt. Nói về tham gia hoạt động phong trào, tình nguyện, Hiếu cho hay: “Vương Dương Minh (thời Minh) từng nói “Tri hành hợp nhất”. "Tri" là khởi đầu của "hành", "hành" là thành tựu của "tri". "Hành" là ấn chứng của "tri", bản thân có thể kiểm chứng lại những điều đã học thông qua việc thi hành vào đời sống thực tế. Như vậy, những hoạt động thiện nguyện, phong trào cũng đều là "hành", đều có thể kiểm chứng cho "tri" của em. Đó là "Tri hành hợp nhất" như lời của Vương Dương Minh vậy”.

Minh Hiếu có tài năng thư pháp. Chàng trai trẻ có thể hàng giờ “hùng biện” với các bậc cao nhân về thư pháp, chữ Hán - Nôm… Niềm vui, ý nghĩa từ ngành học, từ đam mê và cả những hoạt động phong trào, thiện nguyện giúp Hiếu trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng sống, mở ra những mối quan hệ mới và năng lượng sống tích cực.

Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, việc những người trẻ tuổi như họ tìm về với nét văn hóa đặc sắc là điều rất đáng trân quý. Đam mê thư pháp, không chỉ khiến Hiếu và các bạn trẻ mang đến cái nhìn khác về hình ảnh ông đồ già với mực tàu giấy đỏ ngồi cho chữ, mà đó là một tâm hồn trẻ, một niềm đam mê văn hóa thực sự hướng đến chân - thiện - mỹ, thể hiện những giá trị cao đẹp trong cuộc sống.

Lê Dung

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/