Thí sinh khóc, cười với điểm chuẩn

19:12 | 17/09/2022
TTTĐ - Từ ngày 15/9 đến nay, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022. Bên cạnh niềm vui mừng, sung sướng của các bạn thí sinh đỗ đạt, “chắc suất” trúng tuyển nguyện vọng 1,2 thì đâu đó vẫn còn những bạn buồn bã, hụt hẫng vì trượt đại học.
Thấp thỏm đợi điểm chuẩn Điểm chuẩn trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội cao nhất là 28,29 Điểm chuẩn vào Đại học Ngoại thương cao nhất là 28,4

Điểm chuẩn tăng cao

Theo công bố điểm chuẩn của nhiều trường top đầu, một số ngành thuộc khối Khoa học xã hội, với các ngành Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, Báo chí... có mức điểm cao gây "choáng" cho thí sinh và phụ huynh. Cụ thể trong số các trường đã công bố điểm trúng tuyển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, cùng lấy 29,95 điểm. Dù không có ngành có điểm chuẩn cao 10 điểm/1 môn như năm ngoái nhưng vẫn nằm trong top trường có nhiều ngành điểm chuẩn ở mức rất cao của năm nay.

Năm nay, nhiều nhóm ngành có điểm chuẩn cao
Năm nay, nhiều nhóm ngành có điểm chuẩn cao

Các ngành thuộc khối Kinh tế vẫn thu hút được đông đảo thí sinh, ghi nhận có mức điểm chuẩn cao và có dấu hiệu tăng nhẹ. Một số trường top khối ngành Kinh tế như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn trên 28.

Trên thang điểm 30, các trường top đầu về kỹ thuật, có đào tạo ngành công nghệ thông tin như Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TPHCM cũng có mức điểm chuẩn cao. Ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn cao, với 29,15 điểm, ngành Công nghệ thông tin (Việt-Nhật) tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là 27,25 điểm, như vậy, thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn mới có cơ hội đỗ.

Vỡ oà trong cảm xúc vui mừng

Ngay từ ngày đầu tiên công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 của các trường đại học, nhiều bạn thí sinh đã không giấu được sự vui sướng khi biết kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1.

Nhiều sĩ tử nhanh chóng cập nhật profile của mình
Nhiều sĩ tử nhanh chóng cập nhật profile của mình

Nhiều bạn đã hào hứng chia sẻ thành tích của mình trên các nền tảng mạng xã hội cùng với đó, không ít bạn đã cập nhật profile sau khi đã “chắc suất” đậu đại học với điểm số của mình. Trào lưu này luôn mới mẻ với nhiều bạn tân sinh viên bởi nó mang lại cảm giác tự hào vì đỗ được vào ngôi trường mà các bạn hằng mong ước.

Bạn Nguyễn Thu Hà ở Hà Nội chia sẻ, “Ngay khi biết điểm chuẩn của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cả gia đình mình đều cảm thấy vui mừng với kết quả này. Bản thân mình cũng bất ngờ và mãn nguyện khi trúng tuyển nguyện vọng 1 dù dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn năm ngoái”. Cô bạn còn cho biết thêm, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội là ngôi trường mơ ước từ suốt những năm tháng cấp 3 nên nữ sinh này rất kỳ vọng vào cuộc sống sinh viên trong tương lai.

Hụt hẫng vì điểm chuẩn gây sốc

Cánh cửa đại học vẫn luôn là niềm khát khao và mong ước của bấy nhiêu học sinh. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng rằng cánh cổng trường đại học không thể đủ chỗ cho bất cứ ai, bởi vậy có không ít thí sinh “tạch” nguyện vọng bởi điểm chuẩn tăng cao.

“Là một người được hơn 25 điểm khối D01, đăng kí hơn 10 nguyện vọng, mình đã tưởng đại học đã chắc suất trong tầm tay. Nhưng ai ngờ ngành mình đăng kí tăng vọt, điểm chuẩn cao hơn cả năm ngoái. Mình trượt hết thảy 14 nguyện vọng, trong đó có vài nguyện vọng chỉ thiếu 0,35-0,5 điểm. Bây giờ mình phải làm sao ạ…?” là dòng trạng thái của một bạn thí sinh đăng tải trong nhóm Đại học đừng học đại tối ngày 16/9.

Chia sẻ của bạn thí sinh trong nhóm Đại học đừng học đại
Chia sẻ của bạn thí sinh trong nhóm Đại học đừng học đại

Sau khi dòng trạng thái được đăng tải đã nhận được nhiều sự tương tác và những bình luận chia sẻ, cảm thông với bạn thí sinh. Dưới phần bình luận của bài viết, không ít bạn cũng cảm thấy buồn bã và tiếc nuối khi bản thân không có tên trong “bảng vàng” trúng tuyển đại học tại ngôi trường mà mình mơ ước. Cùng với đó là những lời động viên “có cánh” dành cho bạn thí sinh, “Mình cũng giống bạn. Nhưng mà bố mẹ luôn ủng hộ quyết định của mình, động viên nữa nên mình quyết định “bế quan” ở nhà vừa kiếm tiền vừa ôn tập lại. Vì cánh cửa này đóng lại thì luôn có cánh cửa khác mở ra. Cố lên bạn nhé!”.

Đại học có thể là con đường ngắn nhất, nhưng không phải là duy nhất dẫn bạn đi tới sự thành công, đặc biệt là những con người có ý chí, hoài bão và tinh thần dũng cảm dám nghĩ, dám làm. Chính vì vậy dù bạn không trúng tuyển nguyện vọng như mong muốn, nếu một ngôi trường nào đó từ chối bạn, thì cũng đừng quá thất vọng bởi “khi một cánh cửa khép lại, thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra”.

Đình Trung

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/