Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Hướng phát triển bền vững của “nhà nông”

16:09 | 24/09/2022
TTTĐ - Nông nghiệp tuần hoàn dường như là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người. Thực tế, đây là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.
Hiệu quả từ chiến lược đổi mới tư duy ngành nông nghiệp Kết nối chuỗi giá trị hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững Hà Nội thúc đẩy phát triển 3 vùng chăn nuôi hữu cơ Đẩy mạnh liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Nâng cao hiệu quả kinh tế, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên

Nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường... Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững.

Tại tỉnh Hà Nam, những năm qua, nhiều người dân tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân đã triển khai thành công mô hình chăn nuôi bò - trồng cây ăn quả - cây dược liệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao vì đã tận dụng tốt nguồn chất thải, phế phụ phẩm để tái sử dụng nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hướng phát triển bền vững của “nhà nông”

Mô hình chăn nuôi khép kín không nước thải nhờ hệ thống đệm sinh học

Với diện tích gần 30ha vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, trang trại của anh Đặng Xuân Nam, ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân đang vận dụng sáng tạo nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo đó, chất thải của hơn 30 con bò sữa, thân cây sau thu hoạch, bã ép tinh dầu… được đưa vào ngâm ủ làm phân bón để trồng húng quế, ngô, cỏ voi. Khi được thu hoạch những cây trồng này quay trở lại thành thức ăn chính cho đàn bò.

Theo anh Nam đánh giá, từ khi áp dụng mô hình, hiệu quả kinh tế gia đình thu được nâng lên rõ rệt. Mỗi năm, gia đình tiết kiệm được khoảng 40% chi phí mua phân bón cho sản xuất và xử lý gần như triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Tại Hà Nội, người dân xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã áp dụng hệ thống canh tác: Vườn - ao - chuồng (VAC), xen canh, gối vụ... Trong đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt; phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Hướng phát triển bền vững của “nhà nông”

Tận dụng nguồn phế phẩm từ sản xuất của người dân để làm nguyên liệu cho phân bón hữu cơ

Gặp bà Phạm Thị Mỗ ở xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) trên cánh đồng thôn Thượng Quất khi bà đang thu hoạch mẻ cua, chạch đồng trong ruộng lúa xuân, bà chia sẻ, nhờ sản xuất tuần hoàn mà mấy năm nay thu nhập từ nông nghiệp tăng lên rõ rệt.

"Trong quá trình sản xuất, gia đình tôi áp dụng biện pháp cấy cải tiến, cấy thưa với giống lúa chất lượng cao kết hợp điều tiết nước hợp lý. Sau khi gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp, toàn bộ rơm, rạ được để lại trên ruộng làm phân bón cho vụ kế tiếp, nhờ đó giảm tới 70% lượng phân bón hóa học, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Qua hơn 10 năm canh tác tuần hoàn, gia đình tôi tạo được hệ sinh thái bền vững: Phụ phẩm từ cây lúa thành phân bón cho vụ kế tiếp; Tôm, cua, chạch, cá rô đồng... phần lớn sinh sản tự nhiên trong ruộng lúa. Với cách này, chúng tôi vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa, vừa góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng", bà Mỗ phân tích.

Xu thế tất yếu của nền nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ gắn kết các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, mỗi một đối tượng là một mắt xích trong chuỗi tuần hoàn, mục tiêu là giảm nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình hoạt động, chuỗi mắt xích này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp là nguyên liệu đầu vào cho mắt xích khác. Người nông dân tùy vào điều kiện sản xuất để lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi với quy mô phù hợp chuỗi vận hành.

Hướng phát triển bền vững của “nhà nông”

Mô hình nuôi trồng tôm - lúa góp phần tạo dựng hệ sinh thái bền vững

Hiện nay, nhiều hộ dân tại địa phương áp dụng mô hình cấy lúa tuần hoàn gắn với khai thác, nuôi cua, chạch, cá rô đồng... đạt giá trị cao, thậm chí, thu hoạch từ lúa không lãi cao bằng việc thu từ các giá trị gia tăng tự nhiên. Nếu hộ dân gieo cấy khoảng vài sào ruộng thì một vụ lúa thu được ít nhất 10-20kg cua, 5-10kg cá rô đồng, 10kg chạch đồng với giá bán dưới dạng "đặc sản" như hiện nay (hơn 100.000 đồng/kg) đã đem tới hiệu quả kinh tế khá cao và qua đó, nông dân có thể sống tốt từ ruộng đồng.

Tuy nhiên, để canh tác tuần hoàn đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều hộ dân và cán bộ nông nghiệp tại các địa phương có diện tích đất nông nghiệp đề nghị, trước hết, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo, hình thành các điều kiện cụ thể để người dân tham gia mang tính bắt buộc, bởi để tạo được môi trường sản xuất sạch cho tôm, cá, cua sinh sôi, phát triển, rất cần quy mô vùng.

Để kinh tế nông nghiệp tuần hoàn được nhân rộng một cách bền vững, phát huy những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho rằng: Phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa; Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về kinh tế tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

THANH TÙNG

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/