Cô giáo - người mẹ - người bạn của trẻ down, tự kỷ…

18:15 | 25/10/2022
TTTĐ - “Nếu chọn lại tôi sẽ vẫn chọn ngành giáo dục đặc biệt, vì đó là lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời của tôi”, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1990) đến từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Khai Trí, tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ.
Cô giáo Thái, Tày không sờn lòng “tiếp sức” những đôi chân trần Cô giáo Thái, Tày không sờn lòng “tiếp sức” những đôi chân trần

Cô giáo 9X này là một trong 68 tấm gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Quyết tâm theo ngành giáo dục đặc biệt

Chị Nguyễn Thị Thu Phương kể, từ ngày bé, cứ mỗi kỳ nghỉ hè về quê ngoại, chị lại chạy sang đưa quà cho chị họ. Cô gái ấy lúc khóc, lúc cười, lúc ú ớ la hét, đói hay khát cũng chỉ biết khóc. “Khi đó tôi tự hỏi: Chị bị làm sao mà cười khóc như vậy? Phải làm sao để chị nói được và không khóc, không cười vô cớ nữa? Câu hỏi đó cứ day dứt, thôi thúc tôi mãi đến sau này và cũng chính là động lực để thúc đẩy tôi tìm hiểu, đến với nghành giáo dục đặc biệt”, chị Phương chia sẻ.

Năm 2008, khi chị Phương đăng ký thi đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt, nhiều người khác nói rằng “Học ngành đấy ra trường để dạy mấy đứa câm điếc à? Người câm ở đâu mà nhiều thế? Rồi ra trường biết xin việc ở đâu?...”. Rồi còn rất nhiều khó khăn vì lúc đó ngành giáo dục đặc biệt hoàn toàn mới và còn xa lạ với mọi người.

Cô giáo 9X Nguyễn Thị Thu Phương
Cô giáo 9X Nguyễn Thị Thu Phương

Tuy nhiên, hơn ai hết, chị đã tìm hiểu về giáo dục đặc biệt, biết rất cần thiết, quan trọng và có ích cho xã hội và quyết tâm cố gắng thi đỗ chuyên ngành này. Có mục tiêu để phấn đấu vì chị Phương biết rằng khi học ngành này, việc đầu tiên có thể hỗ trợ được cho chị họ và mong muốn được hỗ trợ cộng đồng khuyết tật thật nhiều.

“Cầm trên tay giấy báo nhập học của Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, tôi hào hứng vô cùng và bắt đầu đi trên con đường ước mơ mà mình đã chọn”, chị Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ.

Khi đang là sinh viên năm thứ hai, với tinh thần ham học hỏi, sự năng động, chị được thầy giáo bộ môn hướng dẫn và bắt đầu đi dạy những em bé tự kỷ, chậm nói. Thời gian đó, chị đã học hỏi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Nhất là năm đầu tiên, chị Phương đăng ký vào nhóm sinh viên tình nguyện, đi tình nguyện ở một trung tâm tại Hà Nội. Ở đó có rất nhiều em 17 - 18 tuổi nhưng trí tuệ của chỉ như các em nhỏ 4 - 5 tuổi. Cô sinh viên khi ấy chỉ mong học và biết được phương pháp hỗ trợ các em sớm hòa nhập, phát triển đúng với lứa tuổi.

Cũng là nghề sư phạm nhưng không giống như giáo viên hàng ngày lên lớp với bảng đen, phấn trắng và giáo án, những giáo viên dạy trẻ khuyết tật vất vả hơn rất nhiều. Để đổi lấy một tiếng gọi mẹ, gọi ba, thậm chí là một cái giao tiếp mắt của các em là biết bao giọt mồ hôi của thầy cô âm thầm rơi.

Sau 3 năm theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, như các bạn bè khác, chị Phương cũng muốn bay nhảy ở khung trời rộng lớn, vùng đất hứa Thủ đô Hà Nội nhưng cô gái trẻ biết rằng ở quê Vĩnh Phúc cũng có rất nhiều những em nhỏ gặp khó khăn với các dạng tật. Thế rồi, chị chọn Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí để gắn bó. Ở đây, cô giáo trẻ đã hỗ trợ được nhiều học sinh khuyết tật với các dạng tật: Tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, bại não, tăng động, khiếm thính và hội chứng down…

Động lực từ những ánh mắt ngây thơ

Sau thời gian làm việc, phấn đấu ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, năm 2014, cô giáo Phương được làm quản lý cơ sở 2 của trung tâm có trụ sở tại thị xã Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Thời gian đầu khi tới Phúc Yên cơ sở vật chất chưa có, không có mối quan hệ nào, cô giáo trẻ phải thuê nhà làm nơi ở và nơi giảng dạy. Khó khăn là thế nhưng cô giáo 9X cùng đồng nghiệp quyết tâm theo đuổi ước mơ “các em, các con, các gia đình được hạnh phúc”.

Cô giáo - người mẹ - người bạn của trẻ down, tự kỷ…
Cô giáo Phương dạy học trò

Năm 2016, cô giáo Phương tiếp tục theo học tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội. “Lúc ấy, tôi nhớ như in đúng ngày nhập học thì biết mình mang bầu em bé thứ hai. Gia đình khó khăn, cả hai vợ chồng đều đi học. Chồng tôi làm trong lực lượng vũ trang nên ngặt giờ chăm sóc gia đình”, cô giáo trẻ tâm sự.

Thấm thoát thời gian trôi qua, với sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đặc biệt là phụ huynh đã động viên, nên năm 2021 cô và trò tại Trung tâm Khai Trí cơ sở Phúc Yên đã có một ngôi nhà 4 tầng trang trang sạch đẹp với diện tích 500 m2. Hiện, Khai Trí cơ sở Phúc Yên đang chăm sóc, giáo dục 40 trẻ có các dạng tật khác nhau.

Năm học 2022 – 2023, Khai Trí cơ sở Phúc Yên đưa chương trình hướng nghiệp vào bắt đầu giảng dạy cho những học sinh khuyết tật ở lứa tuổi lớn. Với tinh thần hỗ trợ các con hết sức có thể trong khả năng của mình. Hằng năm, Khai Trí cơ sở Phúc Yên đã hỗ trợ giảm, miễn học phí cho các em thuộc hộ gia đình khó khăn và đưa đón giúp phụ huynh làm công nhân, làm ca.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương là một quản lý nhưng vẫn thường xuyên trực tiếp giảng dạy những tiết học, đặc biệt là trường hợp khó, cần sự nghiên cứu, tìm tòi cách tiếp cận phù hợp với những rối loạn phát triển của trẻ.

“Chuyện bị học sinh cắn, đánh, ném đồ vật, phá phách, chạy nhảy… xảy ra hết sức bình thường với một cô giáo dạy trẻ đặc biệt. Có những lúc mệt mỏi và chán nản nhưng khi nhìn ánh mắt ngây thơ, non nớt tôi lại càng thấy mình cần cố gắng nỗ lực hơn nữa để không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ, người bạn của các con”, chị Phương bày tỏ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ mong muốn, xã hội mở rộng tấm lòng, bao dung và có cái nhìn thiện cảm với trẻ em khuyết tật. Bởi các em đã không may mắn, không được lựa chọn số phận của mình. “Tôi mong các em khuyết tật nói chung và các em khuyết tật đang theo học tại Trung tâm Khai Trí nói riêng có một hiện tại và tương lai như mong muốn. Đó là được xã hội quan tâm, hỗ trợ để các em có được tương lai tươi sáng hơn”.

Lê Dung

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/