Tấm lòng của người thầy 13 năm gắn bó và yêu thương trẻ khuyết tật

14:07 | 14/11/2022
TTTĐ - Phải làm gì để trẻ biết những việc không nên làm, làm sao để trẻ biết nói những điều mình muốn, biết tự vệ sinh cá nhân... Những đứa trẻ khuyết tật cần nhiều hơn nữa tình thương của gia đình, thầy cô, bạn bè và sự quan tâm của toàn xã hội.
Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng Chàng trai khuyết tật “truyền cảm hứng” bằng tấm gương của chính mình Vedan Việt Nam trao học bổng "tiếp sức" học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường
Thầy Nguyễn Xuân Việt, chia sẻ những khoảnh khắc một thầy - một trò vừa là thầy dạy chữ, vừa là “người lao công” dọn vệ sinh cho các em chậm phát triển (Ảnh Đ.Minh)
Thầy Nguyễn Xuân Việt, chia sẻ những khoảnh khắc một thầy - một trò vừa là thầy dạy chữ, vừa là “người lao công” dọn vệ sinh cho các em chậm phát triển (Ảnh Đ.Minh)

"Ngày còn sinh viên, nhiều lần tham gia tình nguyện dạy học cho trẻ tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, nhìn những đứa trẻ khuyết tật tôi đã rất xúc động và dặn lòng phải làm được điều gì đó giúp đỡ các em", thầy Nguyễn Xuân Việt tâm sự.

Từ những trăn trở…

Năm 2004, thầy Nguyễn Xuân Việt theo học ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp năm 2008, thầy học tiếp hai khóa học ngắn hạn về công tác xã hội ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và vào TP Hồ Chí Minh xin thực tập tại Bệnh viện Nhi đồng 1 về chăm sóc, trị liệu cho trẻ khuyết tật. Nhờ đó, thầy có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế để làm tốt công việc của một giáo viên trong môi trường giáo dục đặc biệt dạy cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.

“Đến năm 2009, tôi được về công tác tại Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng), khi tôi được phân công vào lớp có trẻ khuyết tật trí tuệ, tất cả các trẻ đều có tình trạng khuyết tật khá nặng”, thầy Việt kể.

Nhớ lại những ngày đầu chập chững bước vào nghề giáo, thầy Việt bộc bạch, một lớp có hai giáo viên, tôi có nhiệm vụ hỗ trợ cho giáo viên chính trong việc giúp đỡ các em tham gia vào các hoạt động của lớp. Ngày đầu đến lớp khi thấy các em hay la hét, tự cắn tay mình, tăng động... thậm chí ngay cả việc các em cũng không tự chủ được mà đi bậy ra lớp học, khi đó tôi dọn vệ sinh cho các em cũng không thể không tránh khỏi cảm giác buồn nôn...

Những lúc đó tôi chỉ nghĩ mình phải làm gì để trẻ biết những việc đó không nên làm, làm sao để trẻ biết nói những điều mình muốn, làm sao để các em biết tự vệ sinh cá nhân... Những đứa trẻ ấy, hơn ai hết cần tình thương của gia đình, thầy cô, bạn bè và của toàn xã hội.

Tiếp xúc với các em nhỏ tật nguyền, hằng ngày tận mắt chứng kiến những khó khăn của các em trong việc học tập và hòa nhập cộng đồng, tôi thấy thương cảm và tâm niệm phải làm điều gì đó để giúp đỡ các em vơi bớt thiệt thòi.

Với trẻ khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, nhiều tuần, tháng các em mới làm được (Ảnh Út Vũ)

Niềm vui của các thầy cô TT Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng từ những điều đơn giản, các em nắm được các kỹ năng cơ bản và trong sinh hoạt hàng ngày (Ảnh Út Vũ)

Đến những hành động tử tế

Theo thầy Việt, thời gian đầu trực tiếp dạy, thầy gặp rất nhiều khó khăn vì các em tiếp thu bài rất chậm, cần phải có phương pháp dạy đặc biệt phù hợp với từng đối tượng học sinh. Do đó, thầy cố gắng tìm hiểu thêm những tài liệu về cách dạy trẻ khuyết tật, gần gũi với học trò để hiểu tâm lý và khả năng của từng em.

Mỗi em mang các dạng tật khác nhau là một điều rất vất vả, bên cạnh lòng yêu nghề còn phải có sự kiên nhẫn, tình thương và sự chia sẻ rất lớn dành các em mới không làm thầy giáo trẻ nản lòng. Niềm vui lớn nhất của thầy là bù đắp phần nào thiệt thòi cho những học trò thiếu may mắn khi thấy các em tiến bộ từng ngày.

Khác với trẻ bình thường dễ nhận thấy sự tiến bộ, trẻ khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, nhiều tuần, tháng các em mới làm được. Các em dễ bị ức chế, kích động khi không thể biểu đạt cho người khác biết, hiểu ý muốn, tâm tư tình cảm của mình. Do đó, dạy các em phải kiên trì, hòa đồng, thấu hiểu tâm tư tình cảm của các em để không làm các em bị tổn thương, giảm ức chế, khuyến khích các em học tập.

Với trẻ khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, nhiều tuần, tháng các em mới làm được (Ảnh Út Vũ)
Với trẻ khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, nhiều tuần, tháng các em mới làm được (Ảnh Út Vũ)

Thầy Việt chia sẻ, dạy trẻ em đã khó, dạy trẻ em khuyết tật, khiếm thính khó gấp bội, bởi mỗi em là một hoàn cảnh, mỗi câu chuyện khác nhau. Qua từng năm, các giáo viên sẽ truyền tải kiến thức giúp học sinh từ không biết viết, biết đọc, chưa biết tính toán đến có thể viết, đọc một đoạn câu văn ngắn.

Sau đó biết làm các phép tính, biết giao tiếp với bạn bè bằng ngôn ngữ ký hiệu, bằng cách nhắn tin qua điện thoại các câu hỏi đơn giản và trao đổi thông tin bằng cách viết ra giấy. Quan trọng nhất là các em nắm được các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày, kỹ năng tự lập của bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống khi ra ngoài xã hội sau khi học hết chương trình học..

Bên cạnh đó, học sinh của thầy đã biết tự làm được những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng là khó khăn đối với trẻ khuyết tật, như: chào hỏi, tự chăm sóc bản thân, hiểu khẩu lệnh của giáo viên… Hầu hết các trẻ khuyết tật học tại Trung tâm, hoà nhập tốt với cuộc sống, đây chính là động lực giúp thầy Việt cùng các thầy cô giáo vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục đồng hành cùng trẻ khuyết tật.

Ngoài giờ dạy học ở trung tâm, lúc rảnh rỗi hoặc ngày cuối tuần, thầy Việt còn tình nguyện đến các Trung tâm bảo trợ xã hội để dạy miễn phí cho các em khuyết tật. Thầy còn kết nối với các đơn vị giới thiệu việc làm, phát triển định hướng tương lai cho trẻ; vận động nguồn kinh phí hỗ trợ trẻ khuyết tật vượt qua khó khăn.

Tấm lòng của người thầy 13 năm gắn bó và yêu thương trẻ khuyết tật
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao ảnh Bác Hồ cho thầy Việt trong lễ vinh danh "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 (Ảnh NVCC)

Xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ khuyết tật

Có con trai đang theo học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng - phụ huynh Trịnh Thị Thu chia sẻ “ Cháu bị tự kỷ và tăng động, lúc ở nhà hay la hét, tự cắn vào tay mình, không nói…. Đến nay, cháu có nhiều tiến bộ hơn, đã biết đọc, biết hát. Trước đây gia đình phát hiện cháu rất chậm nói, tăng động nhưng từ khi học ở thầy Việt cháu tiến triển hơn rất nhiều, bây giờ gia đình nói cháu có thể nghe theo và làm theo được yêu cầu của mình”.

Theo thầy Việt, đã 13 năm trôi qua khi tôi chính thức trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt tôi cảm thấy mình chưa bao giờ hối tiếc khi đã chọn nghề này mà cảm thấy mình may mắn khi đã chọn đúng hướng đi. Không phải tôi đã mang đến cho các em những gì lớn lao mà chính các em đã mang đến cho tôi rất nhiều điều quý giá về tình yêu thương, sự kiên trì, về sự linh hoạt trong công việc, sự sáng tạo dạy và học...

Thầy Việt chia sẻ, những người giáo viên chúng tôi luôn trăn trở một điều, xã hội cần quan tâm nhiều hơn nữa, tạo môi trường học tập hòa nhập, tạo cơ hội cho trẻ em khuyết tật được đến trường, được tiếp cận nền giáo dục có chất lượng mà không phân biệt thể chất, trí tuệ, cảm xúc hay ngôn ngữ... được phát triển trong môi trường bình đẳng, giúp các em xóa bỏ sự mặc cảm, tự ti vươn lên và hòa nhập trong cuộc sống.

Với những kết quả đáng ghi nhận trong công việc, thầy Nguyễn Xuân Việt được Sở GD&ĐT, UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cho thầy Nguyễn Xuân Việt (Ảnh NVCC)
Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cho thầy Nguyễn Xuân Việt (Ảnh NVCC)

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho hay, hiện tại Trung tâm có 245 học sinh, 5 lớp kỹ năng (trong đó có 185 em ở bán trú), về giáo viên có 45 giáo viên, đặc biệt trong đó có 4 giáo viên khiếm thị (chuyên ngành về Âm nhạc, Văn học và Toán học).

“Thầy Việt là một giáo viên trẻ, có năng lực và tinh thần vượt khó vươn lên. Bên cạnh đó, thầy thường xuyên hỗ trợ các phụ huynh cũng như giáo viên về phương pháp dạy trẻ khuyết tật. Từ đó, nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp dạy các em đạt kết quả tốt. Thầy Việt được bình chọn tấm gương tiêu biểu của TP Đà Nẵng, được Bộ GD&ĐT vinh danh”, Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên cho biết.

Cũng theo cô Quyên, số trẻ kiếm thính cũng như tỉ lệ trẻ bị rối loạn phát triển hằng năm ở Việt Nam khá cao. Vì vậy, mong mỏi sẽ sớm có những chính sách đặc thù đối với đối tượng mắc chứng tự kỷ nói riêng và người khuyết tật nói chung để giảm áp lực cho gia đình và xã hội.

Được biết, Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại gia đình, cộng đồng (giai đoạn 2018-2025), đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng để được hòa nhập và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật.

Đoàn Minh - Út Vũ

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/