Quảng Nam: Trao quyền cho doanh nghiệp đánh giá năng lực cơ quan công quyền

12:44 | 19/11/2022
TTTĐ - Quảng Nam sẽ trao quyền cho doanh nghiệp đánh giá sự điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương.
Quảng Nam: Khởi tố công chức địa chính xã lừa đảo chiếm đoạt tài sản Phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Công trình công cộng Hội An chuyển giao về UBND tỉnh quản lý Cảnh báo đợt mưa lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam
Bản đồ thực thi thể chế giúp lãnh đạo tỉnh, người dân và doanh nghiệp giám sát triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính hiển thị công khai (Nguồn quangnam.gov)
Bản đồ thực thi thể chế giúp lãnh đạo tỉnh, người dân và doanh nghiệp giám sát triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính hiển thị công khai (Nguồn quangnam.gov)

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Đề án đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về cải thiện Chỉ số PCI, DDCI tỉnh Quảng Nam (giai đoạn 2022-2025).

Doanh nghiệp giám sát cơ quan công quyền

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đề án nhằm "cụ thể trách nhiệm" từ Chỉ số PCI (đối với tỉnh) sang Chỉ số DDCI (đối với các Sở, Ban, ngành và địa phương), nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cải thiện chỉ số PCI gắn với đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, cải thiện vị trí thứ hạng PCI của tỉnh.

Dựa trên quan điểm nền tảng là doanh nghiệp, DDCI chính là “chiếc gương” phản chiếu chính xác cảm nhận của cộng đồng DN, doanh nhân về các mặt quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền các cấp.

Theo đó, Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Quảng Nam gồm có 9 chỉ số thành phần gồm: Tính minh bạch, tính năng động, vai trò người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và tiếp cận đất đai.

Việc đánh giá và xếp hạng sẽ chia làm 2 nhóm: Nhóm các Sở, ban, ngành (8 chỉ số thành phần từ 1-8) và nhóm địa phương (9 chỉ số thành phần từ 1-9). Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh có thể lựa chọn điều chỉnh, bổ sung thêm/bớt các chỉ số thành phần và các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện và yêu cầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.

Nhằm tạo thuận lợi trong việc quản lý, điều hành bằng ứng dụng CNTT, Quảng Nam vừa thành lập Trung tâm Điều hành thông minh
Nhằm tạo thuận lợi trong việc quản lý, điều hành bằng ứng dụng CNTT, Quảng Nam vừa thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (Ảnh: CTV)

Các thông tin khảo sát thu thập sẽ được mã hóa thống nhất trên phần mềm chuyên dụng, cho phép nhóm nghiên cứu có thể phân tích dữ liệu độc lập, kiểm chứng, đối chiếu kết quả để bảo đảm tính chính xác của kết quả tính toán.

Đối với nhóm Sở, Ban, ngành tỷ lệ chọn mẫu được thiết lập thông qua số lượng doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục hành chính hoặc tương tác với Sở, Ban, ngành; nhóm các địa phương, tỷ lệ chọn mẫu được đưa ra dựa trên tỷ lệ số doanh nghiệp ở địa phương đó trên tổng số doanh nghiệp của tỉnh; nhóm các đơn vị có cung cấp danh sách doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hoặc tương tác trong năm, mẫu sẽ được chọn tổng hợp từ các nguồn mẫu được cung cấp.

Về tính xác thực và độ tin cậy?

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, những cuộc khảo sát, thống kê mới đây cho thấy chỉ có lãnh đạo tỉnh quan tâm đến PCI và Sở KH&ĐT chủ động tham mưu các chủ trương, giải pháp về cải thiện PCI. Đối với các sở, ngành còn lại và địa phương hầu như rất ít quan tâm, chưa chú trọng đến chỉ số này.

Cảng biển Chu Lai - Quảng Nam
Cảng biển Chu Lai - Quảng Nam

Trong báo cáo tổng hợp của Sở KH&ĐT, đến nay chỉ có 24/39 đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện cải thiện PCI, có 2/39 đơn vị xây dựng kế hoạch nhưng không báo cáo kết quả triển khai thực hiện, 7/39 đơn vị, địa phương không xây dựng kế hoạch nhưng báo cáo kết quả triển khai thực hiện và 6/39 đơn vị, địa phương không xây dựng kế hoạch và không báo cáo kết quả triển khai thực hiện.

Do đó, DDCI Quảng Nam chỉ dùng kết quả khảo sát ý kiến doanh nghiệp để tính điểm, không sử dụng dữ liệu từ nguồn khác để tính điểm. Các nguồn mẫu khảo sát sẽ được dựa vào Cục Thuế, Liên minh Hợp tác xã, Sở KH&ĐT, sở, ban, ngành, địa phương và Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam cung cấp.

Ông Hồ Quang Bửu - Phõ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: CTV)
Ông Hồ Quang Bửu - Phõ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: CTV)

"Việc thu thập dữ liệu khảo sát được thực hiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và chính xác. Thông tin khảo sát thu thập được mã hóa để thống nhất trên phần mềm chuyên dụng, cho phép nhóm nghiên cứu có thể phân tích dữ liệu. Quá trình phân tích dữ liệu được thực hiện qua 2 phương thức độc lập, nhằm mục đích kiểm chứng, đối chiếu kết quả để đảm bảo tính chính xác của kết quả tính toán".

Cùng với đó, danh sách các đối tượng được khảo sát có thể thay đổi hàng năm phụ thuộc vào tình hình thực tế, mức độ tương tác của các đơn vị đối với doanh nghiệp trong năm và quyết định của UBND tỉnh. Số lượng doanh nghiệp cần thiết khảo sát để bảo đảm kết quả đánh giá có ý nghĩa dự kiến đến 3.000, số phiếu dự kiến thu về khoảng 1.000 cho nhóm các huyện, thị, thành phố.

Ngoài ra, chỉ số DDCI sẽ được khảo sát bằng trực tuyến qua hệ thống khảo sát online do đơn vị tư vấn xây dựng. Doanh nghiệp có thể đánh giá trực tuyến thông qua các ứng dụng Smart Quảng Nam, 1022, Zalo và Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc gửi, nhận phiếu khảo sát qua đường bưu chính.

Công cụ này sẽ cụ thể hóa, thông tin hữu ích cho việc đánh giá lại một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để đưa ra những quyết sách hợp lý. Ngoài ra, sẽ tạo cơ sở cho chính quyền cấp tỉnh đưa ra những chỉ đạo, giám sát việc thực thi chủ trương, chính sách của các sở, ngành, địa phương.

Được biết, kết quả công bố sẽ là cơ sở để tham vấn những giải pháp cần tiếp tục triển khai để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương những năm sau này.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: CTV)
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: CTV)

Trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại Hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có chỉ số cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào Top 5 cả nước.

Hồng Quảng

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/