Thực phẩm "bẩn" tàn phá cơ thể ra sao?

15:50 | 24/11/2022
TTTĐ - Nhiều loại hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình trồng, chăn nuôi, chế biến, sản xuất và bảo quản thực phẩm "bẩn" là tác nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Bài 2: Thói quen dễ dãi của người tiêu dùng đã "nuôi dưỡng" thực phẩm bẩn Bài 3: Chung tay để thực phẩm bẩn không còn “đất sống” Cuối năm lại lo chuyện... thực phẩm Tết “Nóng” tình trạng thực phẩm bẩn dịp cuối năm

Tác hại của thực phẩm bẩn

Thực phẩm bẩn là tên gọi chung chỉ những thực phẩm chứa các chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Chúng thường là những chất hóa học và thuốc kháng sinh vượt quá mức an toàn mà Bộ Y tế cho phép trong quá trình nuôi trồng hiện nay.

Ngoài ra, thực phẩm bẩn còn có thể chứa những hợp chất gây hại từ việc xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí là vi rút trong quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng cách.

Món tiết canh lợn ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh và mất an toàn thực phẩm
Nhiều món ăn đường phố "khoái khẩu" chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh và mất an toàn thực phẩm

Hệ quả khi con người ăn phải những loại thực phẩm này sẽ có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm từ nhẹ cho đến nặng như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy.

Không những thế, chất độc có xu hướng tích tụ dần trong cơ thể theo thời gian và gây ra một số bệnh mãn tính, nhất là bệnh ung thư - là một trong những bệnh nguy hiểm nhất, ảnh hưởng đến tính mạng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Nói không với thực phẩm bẩn

Với thực trạng nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của con người thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm càng trở nên báo động hơn bao giờ hết. Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng người mắc bệnh ung thư cao và một trong nhiều nguyên nhân chính là thực phẩm ăn hàng ngày của con người.

Một bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Một bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề con người luôn phải đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên trong thực tế, thế hệ trẻ vẫn bàng quang, thậm chí quay lưng lại với nhu cầu thiết yếu này.

Khi tiêu dùng các loại thực phẩm không an toàn, con người đã phải trả giá quá đắt bằng sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của mình do bị ngộ độc thực phẩm.

Các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, trừ bệnh và thuốc trừ cỏ dại...), kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh có trong các loại rau quả hoặc các chất kháng sinh, chất tăng trọng có trong thịt cá sẽ tích lũy dần trong các mô mỡ, tủy sống... của con người là tiền đề để phát sinh các loại bệnh tật như ung thư, loãng xương, suy giảm trí nhớ và thoái hóa xương khớp.

Trong thực tế hàng ngày vẫn diễn ra các vụ ngộ độc thực phẩm: Nhẹ thì buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài, đau đầu... khi bị nặng mới vào viện cấp cứu. Vì vậy các bệnh viện mới chỉ thống kê được các vụ ngộ độc thực phẩm nặng (cấp tính), ngoài ra còn vô vàn các vụ ngộ độc thực phẩm nhẹ hoặc mãn tính diễn ra hàng ngày thì không cơ quan, đơn vị nào thống kê được.

Bên cạnh đó, một số cửa hàng ăn uống sử dụng các loại gia vị, phẩm mầu không được phép của Bộ Y tế để chế biến các món ăn rất "hấp dẫn" người tiêu dùng. Đó là nguyên nhân phát sinh và lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng.

Ngoài ra, các loại thực phẩm thiết yếu khác cũng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Các loại rượu dùng hàng ngày do các gia đình tự nấu và pha chế, rượu giả ở các cửa hàng ăn uống chứa độc tố methanol ở liều lượng cao gấp hàng chục lần cho phép (độc tố này chứa nhiều trong rượu sắn và cồn công nghiệp, khi uống bị đau đầu và suy giảm thị lực) mà các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo.

Các loại hải sản, bánh kẹo, nước mắm, bún, bánh phở... chứa Foormol mà người chế biến và buôn bán đã dùng để bảo quản thực phẩm để tránh ôi thiu và nấm mốc. Đây là một hoá chất cực kỳ độc hại, có thể gây ung thư dạ dày và ung thư phế quản.

Ngoài ra, các loại sữa tươi, sữa bột được nhập lậu từ Trung Quốc chứa một lượng lớn melamine (mà các phương tiện thông tin đại chúng đã có một thời nên tiếng) là nguyên nhân gây sỏi thận và ung thư, hàng ngày vẫn được tiêu dùng với số lượng lớn, chủ yếu dùng cho trẻ em và người bị bệnh.

Trong những năm qua, nhà nước và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tạo hành lang pháp lý để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Song vấn đề kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập cả về con người lẫn phương tiện giám định đồng bộ thực phẩm.

Vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa của an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sức khoẻ con người.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/