Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước - Bài học từ Nghị quyết 09

10:55 | 27/11/2022
TTTĐ - Thực hiện công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, thành phố Hà Nội đang là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề (09-NQ/TU). Từ việc hiện thực hoá, đưa nghị quyết vào thực tế, thành phố Hà Nội đã có những kết quả nhất định khi triển khai, cùng những bài học kinh nghiệm sâu sắc, thiết thực, phục vụ cho công tác này, nhằm nhân rộng các tổ chức Đảng ở khu vực ngoài quốc doanh.
Hà Nội thành lập Ban ban chỉ đạo xây dựng Đảng, đoàn thể trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước Hà Nội thành lập Ban ban chỉ đạo xây dựng Đảng, đoàn thể trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước

Cùng chung tay, góp sức với hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ “khô, khó” nhưng quan trọng này, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng tải loạt bài: "Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước – Bài học từ Nghị quyết 09"

Bài 1: Tổ chức Đảng - Điểm tựa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Thực tế hiện nay cho thấy, ở các doanh nghiệp có tổ chức Đảng, nhận thức chính trị của người đứng đầu và công nhân lao động thường cao hơn. Công tác định hướng tư tưởng cũng thuận lợi hơn. Việc thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị - xã hội của người lao động mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.

Càng khó càng phải làm tốt

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong từng nhấn mạnh: “Phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ rất khó. Tuy nhiên, càng khó thì chúng ta càng phải làm tốt hơn, thực hiện hiệu quả hơn, đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên, liên tục của các địa phương”. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố Hà Nội hiện thực hoá Nghị quyết số 09-NQ/TU đã đề ra.

Tháng 2/2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”.

Bằng cách làm bài bản, quyết liệt, đến nay, sau 10 năm, thành phố đã thành lập được 1.711 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, chúng ta không phải bằng mọi giá thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, mà phải chú trọng đến chất lượng tổ chức Đảng ở loại hình doanh nghiệp này, cũng chính là để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Do những đặc thù riêng nên phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có nhiều khó khăn. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục là biện pháp then chốt nhưng đòi hỏi sự sáng tạo, trách nhiệm và tận tụy của mỗi thành viên cấp ủy Đảng. Phát triển Đảng để tăng cường sức mạnh của tổ chức đảng cả về chất lẫn về lượng. Từ thực tiễn đó, việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước cần phải được thực hiện nhất quán, lâu dài bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.

Chi bộ Đảng ngoài Nhà nước được thành lập
Bí thư Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long trao quyết định thành lập Đảng bộ Khu công nghiệp Quang Minh

Theo tìm hiểu của PV tại một số doanh nghiệp chưa có tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn Hà Nội, lý do mà chủ doanh nghiệp này đưa ra là những khó khăn về trình độ lao động, người lao động ít gắn bó, cơ sở sản xuất phân tán ở nhiều địa phương, quá trình sản xuất chiếm phần lớn thời gian nên khó thành lập, phát triển Đảng. Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, thị trường biến động, lo lắng lớn nhất của họ là duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm công việc thường xuyên để người lao động có thu nhập.

Tuy nhiên, với xu hướng phát triển và chuyển dịch nguồn lao động từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài Nhà nước, cộng với việc thành lập nhiều doanh nghiệp mới, nâng số lượng người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước ngày càng cao hơn. Việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh là yêu cầu cấp thiết nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực kinh tế này.

Bà Nguyễn Thị Mộng Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng, hiện nay việc duy trì, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình toàn khóa của Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Thực tế trong công tác phát triển Đảng cho thấy, nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là người nước ngoài “ngại” tổ chức Đảng. Họ không muốn thành lập chi bộ, phát triển đảng viên.

“Hiện nay, công tác phát triển đảng viên của Đảng ủy Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đi vào bài bản. Chúng tôi có hệ thống văn bản mẫu, triển khai xuống cơ sở và luôn hỗ trợ cơ sở trong công tác phát triển Đảng; Đồng thời áp chỉ tiêu để tạo sự quyết tâm cho từng chi bộ”, bà Hoa cho hay.

Đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Thực hiện chủ trương của thành phố, năm 2012, Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất Việt Cường (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã được Huyện ủy Thường Tín vận động thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Từ lúc chỉ có 3 đảng viên, đến nay chi bộ đã có 17 đảng viên, là một trong 3 chi bộ có số lượng đảng viên đông nhất thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp huyện Thường Tín.

Đảng ngoài Nhà nước
Việc xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hùng Cường, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất Việt Cường cho biết, chi bộ giao nhiệm vụ mỗi đảng viên phụ trách bộ phận đang làm việc, báo cáo kết quả với chi bộ. Đồng thời, cũng giao cho các đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú để xem xét, kết nạp vào Đảng.

Công ty trích một phần lợi nhuận từ kết quả sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ chi bộ có thêm kinh phí tổ chức các hoạt động. Bằng những việc làm cụ thể, truyền cảm hứng để cán bộ, công nhân viên trong công ty tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hằng năm chi bộ công ty đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp Đảng.

Từ thực tiễn bản thân, ông Nguyễn Hùng Cường cho biết, trở thành đảng viên sẽ thuận lợi hơn trong việc nắm bắt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là những chủ trương liên quan đến doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp là đảng viên thì hoạt động của chi bộ sẽ được quan tâm, tạo điều kiện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.

Từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành uỷ Hà Nội ban hành. Tính đến nay, 30 quận huyện, thị uỷ trên địa bàn thành phố Hà Nội đều thành lập Đảng bộ khối Doanh nghiệp trực thuộc. Từ năm 2012, các Đảng bộ khối Doanh nghiệp có 564 chi bộ và 5.727 đảng viên; Đến tháng 6/2022, các Đảng bộ khối có 1.355 chi bộ trực thuộc và 13.498 đảng viên.

Công ty Cổ phần Vật tư, thiết bị dầu khí Việt Nam (quận Long Biên, Hà Nội) thành lập chi bộ năm 2007 với 3 đảng viên. Đến nay, chi bộ đã có 26 đảng viên chính thức, một đảng viên dự bị, trong đó ông Thái Văn Chức là Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Công tác phát triển Đảng luôn được chi bộ công ty chú trọng. Bên cạnh việc phát triển đảng viên tại công ty, doanh nghiệp còn được giao nhiệm vụ phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng ở Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư. Đến nay đã kết nạp được tám đảng viên trong bốn doanh nghiệp trong khu công nghiệp này.

Ông Thái Văn Chức cho hay: “Các đảng viên có năng lực được bổ nhiệm vào những vị trí chủ chốt quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể. Hiện nay 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đều là đảng viên, Bí thư chi bộ là người đứng đầu Hội đồng quản trị”.

Từ những tổ chức tiên phong, nhiều tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước tại Hà Nội được thành lập và nhân rộng; Qua đó góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, vượt qua những khó khăn thách thức. Ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Sơn Ðông Á bày tỏ: "Việc xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên còn là một sự đầu tư có chiều sâu, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững".

Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất đã thành lập mới 5 tổ chức Đảng (đạt 167% chỉ tiêu Thành ủy Hà Nội giao năm 2022), kết nạp mới 92 đảng viên (đạt 115% chỉ tiêu Thành ủy giao năm 2022).

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu hằng năm có 70% trở lên tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ; Phát triển mới 6 tổ chức Đảng/năm; Kết nạp 110 đảng viên mới/năm, cả nhiệm kỳ kết nạp 500 đảng viên mới.

(Còn nữa)

Lê Dung

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/