Vai trò của LIRC trong việc thúc đẩy sự gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam

21:26 | 25/11/2022
TTTĐ - Sáng 25/11, tại TP HCM, Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức Hội thảo “Vai trò của Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics (LIRC) trong việc thúc đẩy sự gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) - Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Australia (AARF).
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II: Môi trường học tập năng động và sáng tạo Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II đào tạo ngành Công nghệ ô tô theo xu hướng mới Đa dạng các hình thức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

Theo đó, hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn để đại diện các cơ quan, cá nhân, những người có tâm huyết với sự nghiệp phát triển giáo dục nghề nghiệp đóng góp ý kiến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp nói chung và vai trò của LIRC nói riêng trong đào tạo và sử dụng lao động.

Phát biểu mở đầu tại sự kiện, PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II, cho biết: Trong hội thảo này, chúng tôi mong muốn tất cả các đại biểu cùng nhau thẳng thắn trao đổi, thảo luận, cùng chia sẻ những mặt được, những vấn đề còn tồn tại; Những mô hình hay, cách làm hiệu quả; Những cơ hội, thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt trong các hoạt động gắn kết nhà trường - doanh nghiệp, cũng như vai trò của LIRC trong đào tạo và sử dụng lao động, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II thông tin về Hội thảo
PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II thông tin về hội thảo

Được biết, Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics (LIRC) được thành lập vào tháng 12/2017, nhằm tập hợp các bên liên quan đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics với mục đích tạo ra cơ chế tham vấn nhằm đóng góp các ý kiến đến cơ quan chức năng của Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tiềm năng, xu hướng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Báo cáo về kết quả khảo sát, đánh giá thực tiễn về vai trò và tầm quan trọng của LIRC tại một số doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành về Logistics, ông Hoàng Thái Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu về LIRC cho biết: Mô hình Hội đồng kỹ năng ngành đã được áp dụng thành công ở nhiều nước công nghiệp, phát triển trên thế giới với cách tiếp cận chung là hướng đến mục tiêu đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của bên sử dụng lao động một cách tốt nhất. Tuy nhiên, mô hình này hiện đang còn rất mới ở Việt Nam, về mặt pháp lý chỉ mới được đề cập trong Bộ luật Lao động năm 2019 và chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm dưới Luật.

Ông Hoàng Thái Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu về LIRC phát biểu tại Hội thảo
Ông Hoàng Thái Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu về LIRC phát biểu tại hội thảo

“LIRC là một hoạt động thí điểm nhưng được đánh giá là khá hiệu quả về phát triển kỹ năng nghề với sự dẫn dắt của doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động về tham vấn chính sách, dự báo kỹ năng, khuyến cáo điều chỉnh chương trình đào tạo, xem xét và xác nhận các tiêu chuẩn nghề để làm cơ sở phát triển, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động. Kết quả hoạt động của LIRC trong thời gian 5 năm vừa qua là một minh chứng cho thấy mô hình hội đồng kỹ năng ngành ở các nước công nghiệp phát triển có thể điều chỉnh phù hợp và vận dụng hiệu quả với bối cảnh và điều kiện hiện tại của Việt Nam”, ông Sơn chia sẻ.

Đánh giá về mô hình hoạt động của LIRC, bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Tổng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP HCM (VCCI-HCM) cho biết: VCCI-HCM rất vui khi được đồng hành cùng với Aus4skills và các đối tác trong quá trình thành lập, vận hành và phát triển LIRC. Có thể nói, các kết quả mà LIRC mang lại trong hoạt động phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cho ngành Logistics đã góp phần rất đáng kể cho việc tạo ra những thực hành tốt trong mô hình gắn kết doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp với những hoạt động mang tầm chiến lược.

Có thể kể đến như: Đề xuất danh mục ngành, nghề đào tạo logisitics trình độ trung cấp, cao đẳng đã được Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu và ban hành; Tham gia xây dựng các chuẩn đầu ra quốc gia logistics; Đã xem xét, góp ý và xác nhận các tiêu chuẩn 5 nghề đạt chuẩn quốc tế, gồm: Nhân viên nhà kho, giám sát nhà kho, nhân viên hành chính logistics, nhân viên giao nhận và nhân viên xếp dỡ hàng tổng hợp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham khảo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Đặc biệt năm 2021, LIRC đã xây dựng được dự báo kỹ năng nghề logistics, đây là dự báo kỹ năng nghề đầu tiên ở Việt Nam.

Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Tổng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP HCM (VCCI-HCM) đánh giá về mô hình hoạt động của LIRC tại Hội nghị
Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Tổng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP HCM (VCCI-HCM) đánh giá về mô hình hoạt động của LIRC tại hội nghị

Cũng theo bà Ninh, LIRC là mô hình thí điểm nên cần phải tiếp tục vừa hoạt động vừa phải từng bước tự điều chỉnh, hoàn thiện mô hình để phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Còn theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội TP HCM (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng: Phần lớn thành viên của LIRC là đại diện từ các đơn vị, doanh nghiệp, các trường có đào tạo logisiitcs trên địa bàn thành phố, qua công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy các hoạt động của LIRC là phù hợp với định hướng chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH TP HCM về thúc đẩy gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, gắn đào tạo và việc làm bền vững, kết quả hoạt động của LIRC bước đầu rất khả quan.

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP HCM chia sẻ thông tin tại buổi Hội thảo
Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP HCM chia sẻ thông tin tại buổi hội thảo

Để LIRC hoạt động hiệu quả, bền vững hơn và có thể nhân rộng mô hình LIRC sang các ngành, lĩnh vực khác, ông Sự cho rằng cần phải có đủ hành lang pháp lý, có nguồn và cơ chế kinh phí bảo đảm cho các hoạt động. Đồng thời, các hội đồng khác khi thành lập cũng cần có đơn vị hỗ trợ giúp việc với vai trò Ban Thư ký hội đồng.

Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho biết: Các hoạt động của LIRC về nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động, xu hướng về phát triển của ngành logistics rất hữu ích cho cả doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, cơ quan chức năng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cần có các chính sách cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm chính sách khuyến khích thành lập các hội đồng kỹ năng ngành để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo ra nhân lực có tay nghề đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM chia sẻ thông tin tại Hội thảo
Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM chia sẻ thông tin tại hội thảo

Là một trong những trường cao đẳng có đào tạo ngành logistics, đồng thời là một đối tác của Aus4Skills và đã tham gia vào nhiều hoạt động của LIRC, PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II cho rằng, việc xem xét thông qua các tiêu chuẩn nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và dự báo kỹ năng nghề logisictics của LIRC là rất có giá trị để các trường tham khảo xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với doanh nghiệp.

PGS-TS Bùi Văn Hưng phát biểu ý kiến và nêu kết luận về buổi Hội thảo
PGS-TS Bùi Văn Hưng phát biểu ý kiến và nêu kết luận về buổi hội thảo

Cũng theo PGS-TS Bùi Văn Hưng, LIRC cần có các khuyến nghị nhiều hơn nữa các thông tin về nhu cầu, kỹ năng, thách thức, cơ hội, xu hướng và yêu cầu của ngành logistics trên thế giới và ở Việt Nam để cho cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham khảo để có thể có định hướng đúng trong đào tạo và sử dụng nhân lực.

Trọng Vũ

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/