Đà Nẵng: Lời giải nào cho bài toán thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao

10:51 | 01/12/2022
TTTĐ - Đà Nẵng xác định công nghiệp ICT là nền tảng vững chắc đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới.
Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và Đông Nam Á Đà Nẵng: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng lừa đảo với thủ đoạn mới rất tinh vi Đà Nẵng: Cục Mỹ thuật triển lãm tác phẩm quảng bá nghệ thuật sơn mài Việt Nam
Phối cảnh dự án Công viên phần mềm số 2, nam châm thu hút đầu tư CNTT tại Đà Nẵng (Nguồn UPI)
Phối cảnh dự án Công viên phần mềm số 2, nam châm thu hút đầu tư CNTT tại Đà Nẵng (Nguồn UPI)

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng vừa tổ chức tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng”, nhằm thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và triển khai Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Nhu cầu nhân lực CNTT tối thiểu 7.500 nhân lực/năm

Theo thống kê, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng năm 2022 ước gần 34.300 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 110 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng gần 12% so cùng kỳ 2021.

Đặc biệt, theo Báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% GRDP (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 9,6%).

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, thành phố nhận thức rõ nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng nhất, chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quyết định sự tăng trưởng bền vững của kinh tế thành phố.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Đà Nẵng xác định bên cạnh môi trường chính trị - xã hội ổn định, môi trường pháp lý thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là lợi thế trong thu hút đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng nhất để tiếp cận CMCN 4.0 (Ảnh Đ.Minh)
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng nhất để tiếp cận CMCN 4.0 (Ảnh Đ.Minh)

Trong những năm vừa qua, sự phát triển CNTT của Đà Nẵng đã được tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận: 12 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng, phát triển CNTT; 3 năm liền đạt giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” (2020-2022); Đà Nẵng cũng được bình chọn là 1 trong 5 TP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trong 30 TP thông minh mới nổi độc đáo và sáng tạo do Viện Nghiên cứu chiến lược Eden công bố…

Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, cho biết, đến cuối năm 2021 trên địa bàn ước tính có khoảng 44.000 nhân lực CNTT, trong đó phần lớn tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số.

Theo tính toán, nhu cầu thực tế nhân lực CNTT tại Đà Nẵng cần khoảng 77.000 người. Dựa trên số liệu dự báo của “Đề án Quy hoạch chung TP Đà Nẵng, giai đoạn 2022 – 2025” cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm; giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm.

Ông Vy Văn Việt - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho biết thêm, tại Đà Nẵng, lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao như AI, Big Data, IoT, Blockchain chưa được đào tạo nhiều và chưa có môi trường phát triển. Thiếu nhân lực cấp độ quản lý, đặc biệt là cấp quản lý cấp trung và cấp cao, nhân lực có khả năng làm việc quốc tế…

Đại biểu tham dự tọa đàm đã nêu ra các giải pháp và chính sách giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại Đà Nẵng   (Ảnh Đ.Minh)
Đại biểu tham dự tọa đàm đã nêu ra các giải pháp và chính sách giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh)

Thời gian qua, với tốc độ tăng trưởng cao CNTT là một trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. UBND thành phố Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội và cơ sở đào tạo; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thu hút sinh viên học ngành công nghệ thông tin đến Đà Nẵng học tập

Theo PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, khảo sát hiện nay 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm, chỉ khoảng 15% SV mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, thời gian tới các cơ sở đào tạo thuộc và trực thuộc ĐH Đà Nẵng cần đổi mới chương trình, mở rộng quy mô, bổ sung ngành nghề đào tạo về chuyển đổi số như: Điện toán đám mây, Trí tuệ Nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, Blockchain… tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành CNTT, công nghệ số.

Để giải bài toán nhân lực CNTT chất lượng cao, ông Vy Văn Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện, chính sách để các trường mở rộng quy mô đào tạo, thu hút sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin đến Đà Nẵng để học tập, sinh sống và làm việc, tạo điều kiện cho các chính sách an sinh như cho vay mua nhà để an cư lạc nghiệp.

Nhu cầu thực tế nhân lực CNTT tại Đà Nẵng cần khoảng 77.000 người, trong ảnh một góc Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (Ảnh PV)
Nhu cầu thực tế nhân lực CNTT tại Đà Nẵng cần khoảng 77.000 người, trong ảnh một góc Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (Ảnh PV)

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng đề xuất, Đại học Đà Nẵng sớm hoàn thiện “Đề án phát triển trở thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng”, đổi mới chương trình đào tạo, mở rộng quy mô, bổ sung ngành nghề đào tạo chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp CNTT nên hợp tác với các cơ sở đào tạo để tài trợ hoặc cấp học bổng, tham gia chặt chẽ cùng với nhà trường trong đào tạo. Đặt hàng, đưa các yêu cầu chất lượng đào tạo, nghiên cứu phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Tương tự, ông Lee Jong Wook - Giám đốc TT Phát triển giải pháp về Linh kiện xe hơi của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Đà Nẵng chia sẻ, các trường đại học nên tạo điều kiện cho sinh viên có năng lực, kỹ năng làm việc tốt hợp cho doanh nghiệp.

Đồng thời, chỉ riêng môi trường và cơ sở hạ tầng không đủ sức hấp dẫn với lao động trẻ tuổi, với quy mô phát triển hiện tại có thể chấp nhận được, nhưng khi quy mô tăng lên, đây là vấn đề rất quan trọng. Do đó, cần tạo mô hình sinh thái hợp tác với bên liên quan bao gồm chính quyền, nhà trường và doanh nghiệp.

"Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin là ở sở hữu trí tuệ chứ không phải là phần cứng, nên trong lĩnh vực này, con người chính là chìa khóa tạo ra thành công. Nếu chúng ta không giữ chân được nhân lực thì chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến toàn cầu hóa” ông Wook nói.

LG hợp tác cùng trường Đại học CNTT và Truyền thông Việt - Hàn Đà Nẵng đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng quốc tế (nguồn vku.udn.vn)
LG hợp tác cùng trường Đại học CNTT và Truyền thông Việt - Hàn Đà Nẵng đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng quốc tế (nguồn vku.udn.vn)

PGS.TS Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng trường Đại học CNTT và TT Việt - Hàn cho rằng, cần liên kết chặt chẽ giữa nhà doanh nghiệp, trường học, chính quyền theo hướng đơn đặt hàng; một mặt đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ việc học tập và làm việc của các đối tượng thu hút, nhân lực chất lượng cao trong ngành CNTT, có chính sách giúp đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên bổ sung cập nhật các kiến thức mới.

Mặt khác doanh nghiệp kết hợp cùng nhà trưởng để triển khai các chương trình on-job-training, cùng tham gia công tác giảng dạy để tiếp cận và đào tạo sinh viên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, rút ngắn khoảng cách chất lượng đầu ra với nhu cầu đầu vào của doanh nghiệp; chuyển từ tư duy “săn đầu người“ sang ươm mầm, nuôi dưỡng tạo nguồn, chủ động đào tạo.

Trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nguồn nhân lực CNTT đang phải đối diện với nhiều thách thức đáng kể, không chỉ về kỹ năng chuyên môn mà còn là sự sẵn sàng của ngành công nghiệp nội địa. Chính vì vậy, yêu cầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu CMCN 4.0 hiện nay rất quan trọng và là nhu cầu cấp thiết.

Đoàn Minh - Út Vũ

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/