Áp lực khan hiếm nhiên liệu, giảm phát thải đè nặng thị trường hàng không

13:41 | 09/12/2022
TTTĐ - Thị trường hàng không đã khởi sắc trở lại sau ảnh hưởng đặc biệt lớn từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia thực hiện chính sách phong tỏa tạm thời. Mặc dù đã qua cơn bĩ cực nhưng các hãng hàng không lại gặp một rào cản mới đó là sự khan hiếm nguồn nhiên liệu sạch và áp lực giảm lượng khí phát thải xuống mức 0 vào năm 2050…
Thảm họa thiên tai gây thiệt hại trên 353 tỷ USD trong năm 2022 Siêu thị được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ Khoảng 3/4 dân số toàn cầu sở hữu điện thoại di động Chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD GDP của ASEAN Đàn ông trung niên học làm nội trợ

IATA cảnh báo giá vé máy bay tăng cao

Theo Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ông Willie Walsh, hành khách đi máy bay phải đối mặt với giá vé tăng cao khi ngành hàng không hướng tới mục tiêu giảm lượng khí phát thải xuống mức 0 vào năm 2050.

Ông Willie Walsh kêu gọi hành động nhanh hơn ở Châu Âu để thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Giá vé máy bay đã tăng vọt trong năm nay do giá nhiên liệu máy bay từ hóa thạch thông thường tăng.

Hàng không được coi là một trong những lĩnh vực khó khử carbon nhất vì nhiên liệu cho các chuyến bay không thể dễ dàng thay thế bằng các loại năng lượng khác.

Áp lực khan hiếm nhiên liệu, giảm phát thải đè nặng thị trường hàng không

Chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) cho một động cơ máy bay Boeing 737 MAX 8 của United Airlines khởi hành từ sân bay O’Hare, Chicago đến sân bay Ronald Reagan, Washington D.C (Mỹ)

Mới đây, Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó có nội dung trợ cấp đáng kể cho ngành sản xuất SAF để đạt được mục tiêu đến năm 2030 cung cấp 3 tỷ gallon SAF/năm (1 gallon =3,78 lít). Ông Willie Walsh hoan nghênh những động thái của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo công nghiệp Châu Âu, bao gồm cả người đứng đầu hãng sản xuất máy bay Airbus, cho rằng đạo luật của Hoa Kỳ không công bằng.

Hồi tháng 7/2022, Nghị viện Châu Âu đã ủng hộ các quy tắc về nhiên liệu hàng không, trong đó đưa ra các mục tiêu ràng buộc về việc thay thế nhiên liệu máy bay ít ô nhiễm hơn, mở rộng định nghĩa về nhiên liệu xanh để các hãng hàng không nắm bắt và căn cứ vào đó để thực hiện chuyển hướng năng lượng sạch.

Hiện tại, chi phí nhiên liệu mới đã được thể hiện trong giá vé máy bay. Vào tháng 1/2022, Air France đã thông báo tăng tới 12 euro (12,62 USD) trên các chuyến bay khởi hành từ Pháp vì có sử dụng nhiên liệu bền vững. Hãng Corsair cũng tăng thêm từ 2-12 euro trong giá vé để bù tiền chuyển đổi nhiên liệu.

Trước tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu hóa thạch và áp lực hướng tới mục tiêu giảm lượng khí phát thải xuống mức 0 vào năm 2050 của ngành, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đang đổ xô tìm kiếm nguồn cung cấp nhiên liệu bền vững, hiện đang bị thiếu hụt do nhu cầu ngày càng lớn trên thị trường.

Bài toán nhiên liệu xanh

Nhật báo Le Figaro của Pháp cho biết hãng hàng không Air France - KLM (tập đoàn hàng không Pháp - Hà Lan được thành lập theo luật của Pháp có trụ sở tại sân bay Paris-Charles de Gaulle ở Tremblay-en-France, gần Paris, Pháp) vừa công bố đạt được một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng TotalEnergies để mua 800.000 tấn nhiên liệu xanh trong vòng 10 năm tới.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, hãng Air France - KLM cũng đã đạt được cam kết với hai công ty năng lượng là Neste của Phần Lan và DG Fuel của Mỹ để mua 1,6 triệu tấn nhiên liệu bền vững vào năm 2036 cho liên doanh hàng không Pháp - Hà Lan này.

Không chỉ Air France - KLM mà Ryanair (hãng hàng không giá rẻ của Ireland) và nhiều hãng hàng không lớn khác cũng đang đổ xô tìm kiếm nguồn cung cấp nhiên liệu bền vững, hiện đang bị thiếu hụt do nhu cầu ngày càng lớn trên thị trường.

Áp lực khan hiếm nhiên liệu, giảm phát thải đè nặng thị trường hàng không
Theo Air France-KLM, việc hãng hướng tới nhiên liệu hàng không bền vững nhằm hỗ trợ việc xây dựng ngành vận tải hàng không ngày càng có trách nhiệm với môi trường (Nguồn: Air France-KLM Group)

Trong những tháng gần đây, rất nhiều công ty lớn đưa ra những thông báo tương tự. Ngày 1/12, tập đoàn dầu mỏ Shell hứa sẽ giao 360.000 tấn nhiên liệu xanh cho Ryanair - tương đương với hơn 70.000 chuyến bay từ Dublin - Milan.

Mùa hè năm 2021, Shell cũng đảm bảo cung cấp cho hãng hàng không quốc gia và lớn nhất của nước Đức Lufthansa tới 1,8 triệu tấn nhiên liệu xanh trong giai đoạn 2024 - 2030. Đối với EasyJet (hãng hàng không Anh đặt trụ sở chính tại sân bay Luton London), vào tháng 9/2021, Shell cũng cam kết rằng công ty Q8 Aviation tại Kuwait sẽ cung cấp nhiên liệu bền vững nhiều nhất có thể cho hãng hàng không giá rẻ này từ nay cho đến năm 2027.

Sở dĩ các hãng hàng không tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu sạch vì đó là một nguồn tài nguyên chiến lược. Không có nhiên liệu sạch, họ sẽ không thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như đã cam kết.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), sử dụng nhiên liệu bền vững sẽ giảm 65% lượng khí thải nhà kính vào năm 2050. Trong khi chờ đợi các dòng máy bay thế hệ mới chạy bằng điện hoặc khí hydro hóa lỏng ra đời thì việc sử dụng nguồn nhiên liệu bền vững này là sự lựa chọn tối ưu để bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, nhiên liệu xanh từ dầu chiên hoặc sinh khối (chất thải nông nghiệp) là một nguồn tài nguyên quý hiếm. Ông Laurent Timsit, tổng đại diện của Liên đoàn hàng không thương mại quốc gia (Fnam) nhấn mạnh: "Nguồn nhiên liệu này đang khan hiếm bởi hiện chưa có một ngành sản xuất thực sự".

Tập đoàn TotalEnergies và những “gã khổng lồ” năng lượng khác mới chỉ bắt đầu phát triển lĩnh vực này. Do đó, các hãng đi đầu trong lĩnh vực hàng không buộc phải đảm bảo nguồn cung của họ. Những hãng non trẻ hơn chưa thể tiếp cận được nguồn nhiên liệu này.

Để giải quyết sự thiếu hụt này, Pháp đã yêu cầu các công ty sản xuất nhiên liệu duy trì tỷ lệ pha trộn 1% nhiên liệu xanh vào nhiên liệu truyền thống trong năm tới; Sau đó tăng lên 2% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030.

Không dừng lại ở đó, để đảm bảo đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, một văn bản đang được đưa ra tranh luận tại Nghị viện Châu Âu quy định nghĩa vụ kết hợp 2% nhiên liệu sinh học vào nhiên liệu máy bay thông thường vào năm 2025, 37% vào năm 2040 và 85% vào năm 2050. Việc tăng tỷ lệ nhiên liệu xanh này sẽ khiến các hãng vận tải phải chi rất nhiều tiền vì giá đắt gấp 4-5 lần so với nhiên liệu thông thường. Như vậy, đơn hàng do Air France-KLM đặt với Neste và DG Fuel sẽ lên tới hàng tỷ USD.

Vào tháng 5/2021, nhân chuyến bay Paris-Montreal đầu tiên của Air France với 16% nhiên liệu bền vững, Giám đốc điều hành của TotalEnergies, ông Patrick Pouyanné đã phát biểu: "Quá trình chuyển đổi năng lượng và sinh thái sẽ được tài trợ không chỉ bởi các hãng hàng không hay các công ty năng lượng mà bao gồm cả khách hàng sử dụng dịch vụ".

Hoàng Bảo

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/