TP Hồ Chí Minh: Vực dậy nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng 7,5 - 8% trong năm 2023

10:00 | 24/01/2023
TTTĐ - Sau một năm mở cửa trở lại, cuộc sống bình thường mới, nhiều ngành nghề, kinh tế của TP Hồ Chí Minh đã có sự hồi phục “đáng kinh ngạc”. Đây là kết quả cho những cố gắng, nỗ lực không ngừng của chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh khi bắt tay khôi phục sau đại dịch COVID-19. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng tất cả sự đồng lòng, TP Hồ Chí Minh tiếp tục vươn lên, cùng nhau phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8% trong năm Quý Mão 2023.
TP Hồ Chí Minh: Hỗ trợ 2.000 sinh viên, người lao động về quê đón Tết Nhiều hoạt động chăm lo Tết cho công nhân xa quê tại TP Hồ Chí Minh Du lịch TP Hồ Chí Minh bứt phá với sản phẩm mới
Kinh tế -  xã hội TP Hồ Chí Minh đang phục hồi một cách nhanh chóng
Kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh đang phục hồi một cách nhanh chóng

Phục hồi nhanh và toàn diện

Ngày cuối tuần, trung tâm thương mại Gigamall Thủ Đức (TP Thủ Đức) không còn chỗ giữ xe ô tô lẫn xe máy. Bên trong sảnh và khu vực siêu thị luôn đông khách tham quan, mua sắm. Sau 1 năm, có thể thấy thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại cùng nhịp sống đời thường của người dân TP.

Nói về việc tăng trưởng sau một năm hồi phục kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hệ thống Siêu thị Saigon Co.opmart cho biết, từ mức tăng trưởng âm trong năm 2021, sau một năm kinh doanh của hệ thống đã tăng trưởng dương trở lại. Nhiều siêu thị trong ngày cuối tuần đã chật kín khách hàng đến tham quan, mua sắm…

Tương tự, theo đại diện siêu thị MM Mega Market, tính đến nay lượng khách đã phục hồi khoảng 80% so với trước dịch nhưng sức mua thì cao hơn do giá trị mua hàng/lần tăng lên... Điều này cho thấy, sức mua hàng hóa sau một năm hồi phục kinh tế đã tăng trở lại và rất khả quan.

Người dân đổ về các trung tâm thương mại, siêu thị mua sắm
Đông đảo người dân đổ về các trung tâm thương mại, siêu thị để mua sắm

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, ngành bán lẻ TP tăng trưởng âm (-22%). Tuy nhiên, đến nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đã tăng gần 30% so với cùng kỳ, ước đạt gần 980.000 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất đã có những hồi phục nhanh sau đại dịch COVID-19 cũng kéo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP Hồ Chí Minh tăng.

Đối với ngành Du lịch, sự hồi phục còn năng động và mang nhiều dấu ấn hơn. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong 11 tháng năm 2022, TP đã đón 3 triệu lượt khách quốc tế, gần 28 triệu lượt khách nội địa; Tổng doanh thu đạt gần 118.000 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đề ra.

Du khách nước ngoài đã trở lại TP Hồ Chí Minh sau một thời gian dài giãn cách phòng dịch COVID-19
Du khách nước ngoài đã trở lại TP Hồ Chí Minh sau một thời gian dài giãn cách phòng dịch COVID-19

Nhìn nhận về sự bứt phá sau một năm qua, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022 diễn ra trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19 và sự biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới vượt ra ngoài dự báo đầu năm.

“Tuy nhiên, có thể nói sau một năm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đầy khó khăn, TP Hồ Chí Minh đã lấy lại được những gì đã mất. Tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội tăng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến niềm tin của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Nên cho biết thêm.

Thích ứng, linh hoạt trong tình hình mới

Những ngày cuối năm 2022, công nhân tại nhà máy Công ty CP Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi (bên trong Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TP Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi) vẫn miệt mài sản xuất các sản phẩm phục vụ đơn hàng trong nước và xuất khẩu. Tại nhà máy này hơn một năm trước, phần lớn công nhân phải sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", sang năm 2022 lại nhộn nhịp như chưa hề có dịch bệnh xảy ra.

Ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi, cho biết, từ đầu năm 2022, khi TP Hồ Chí Minh mở cửa, công nhân được đi và về nhà xưởng, tiến độ sản xuất rút ngắn, năng suất tiếp tục tăng lên trong khi đơn hàng cũng dồi dào. Năm 2022 là thời gian cho doanh nghiệp khôi phục hoàn toàn sản xuất.

Bước sang năm 2023, dưới tác động của biến động về chính trị lẫn lạm phát ở nhiều nước nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh đang lo lắng khi đơn hàng cũng sụt giảm, nguồn nguyên liệu đứt gãy, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm các thị trường mới, cắt giảm các chi phí và lượng hàng tồn kho để phát triển...

Công nhân Công ty Cát Vạn Lợi
Công nhân Công ty Cát Vạn Lợi phấn đấu làm việc hôm nay phải tốt hơn hôm qua

Với lĩnh vực bất động sản, có thể nói một năm qua nhiều “sóng gió” nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thích ứng, linh hoạt sau giai đoạn “gạn đục khơi trong”. Ông Nguyễn Nam Hiền, Chủ tịch VPCORP và HKT GROUP nhìn nhận, năm 2022 là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng, trong đó có VPCORP và HKT GROUP.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng “trong nguy có cơ” nên những chiến lược, kế hoạch kinh doanh luôn được VPCORP và HKT GROURP đưa ra và linh hoạt thay đổi để phù hợp với những diễn biến mới của thị trường. Với riêng VPCORP và HKT GROUP, tôi đánh giá đây là giai đoạn để chúng tôi vừa duy trì hoạt động, vừa trau dồi kinh nghiệm, năng lực trong những thử thách mới, những thị trường mới để có được sức bật tốt hơn khi cơ hội đến”, ông Nguyễn Nam Hiền chia sẻ.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Chủ tịch VPCORP và HKT GROUP
Ông Nguyễn Nam Hiền, Chủ tịch VPCORP và HKT GROUP

Cũng theo ông Nam Hiền, năm 2022, VPCORP và HKT GROUP tìm tới những khu vực lân cận TP Hồ Chí Minh, nơi bất động sản còn nhiều tiềm năng và giá cả còn mềm để phát triển và phân phối các dự án, chẳng hạn như Bình Dương, Bình Phước, Long An…

“Trong năm 2023, chúng tôi vẫn sẽ bám sát mục tiêu phát triển và phân phối dự án tại các thị trường vệ tinh TP Hồ Chí Minh. Vai trò đầu tư, phát triển dự án của VPCORP sẽ được thể hiện rõ hơn trong năm tới với những dự án mới cùng những sản phẩm chất lượng, mang giá trị thực dành cho khách hàng. Đặc biệt, đối với mỗi dự án, chúng tôi luôn có sự đồng hành của các định chế tài chính”, ông Nguyễn Nam Hiền lạc quan.

Dự án Lumina Grand Square do VPCORP là đơn vị phát triển và HKT GROUP phân phối độc quyền
Dự án Lumina Grand Square do VPCORP là đơn vị phát triển và HKT GROUP phân phối độc quyền

Thí điểm những cơ chế đột phá

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trước những thách thức khách quan mà các chuyên gia đã phân tích, năm 2023, kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ khó tăng trưởng cao hơn năm 2022 mà tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát huy tốt nội lực.

Cụ thể, các Sở, ngành sớm hoàn thiện các đề án huy động đầu tư xã hội, hoàn thiện bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài; Thực hiện các giải pháp, lộ trình để giải ngân đầu tư công gắn với đẩy nhanh phục hồi kinh tế, kết nối ngân hàng tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, TP phải tập trung cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch để hiện thực hóa các dự án thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

“TP Hồ Chí Minh cũng sẽ cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Hiện TP đang tập trung tháo gỡ nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục của các dự án để đưa đồng vốn lưu thông vào trong hoạt động sản xuất.

Đồng thời, TP đang xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Hỗ trợ chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số để tạo động lực tăng trưởng… Các giải pháp trên được kỳ vọng sẽ là bước đệm cho doanh nghiệp phục hồi và “cất cánh” trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết.

Tương tự, theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, trước bối cảnh nền kinh tế còn đang chịu nhiều tác động khách quan, vì vậy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sẽ rất nặng nề. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8%, cao hơn cả nước (6,5%), TP phải thích ứng linh hoạt, chủ động quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành với những giải pháp sáng tạo, năng động để huy động các nguồn lực mạnh hơn nữa khi thực hiện thí điểm những cơ chế mới, đột phá.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu, thích ứng; Phát triển kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao; Hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển logistics, thúc đẩy đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển du lịch thông minh; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên

“Trong bối cảnh tình hình biến động phức tạp và khó lường, nhiệm vụ của lãnh đạo TP năm 2023 hết sức nặng nề, vì vậy Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cũng kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt mọi thử thách, quyết tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với tinh thần “Thành phố vì cả nước, cùng cả nước”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh kêu gọi.

Nguyên Pháp

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/