Đầu Xuân mê mẩn với những sản phẩm truyền thống

08:04 | 26/01/2023
TTTĐ - Với bàn tay khéo léo và sự tâm huyết, những người thợ đã mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm đậm chất truyền thống. Những sản phẩm chất chứa nét văn hóa, tinh túy của làng nghề.
Du lịch Nghệ An và công cuộc chuyển đổi số, làm mới sản phẩm

Chuồn chuồn tre đi muôn nơi

Bằng tình yêu mãnh liệt với nghề truyền thống, suốt hơn 20 năm qua, anh Nguyễn Văn Tái (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre. Từ bàn tay tài hoa của anh và những người thợ, những chú chuồn chuồn tre đã “bay xa” khắp mọi miền Tổ quốc và đến với nhiều nước trên thế giới.

Anh Nguyễn Văn Tái làm chuồn chuồn tre
Anh Nguyễn Văn Tái làm chuồn chuồn tre

Anh Tái cho biết, nghề làm đồ chơi chuồn chuồn xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Anh cũng là người đầu tiên đưa nghề về làng. Làng anh có nghề truyền thống làm rổ rá từ tre nhưng một lần tình cờ nhìn thấy con chuồn chuồn được làm từ thứ nguyên liệu quen thuộc này, anh tự hỏi: “Sao người ta làm được mà mình lại không”? Ý nghĩ đó khiến anh quyết tâm đưa nghề làm chuồn chuồn tre về làng.

Nhìn bề ngoài, những tưởng chuồn chuồn tre chỉ là món đồ chơi nhỏ xinh đơn giản làm từ tre nứa. Tuy nhiên, để làm ra được một sản phẩm này lại mất khá nhiều thời gian và nhiều công sức. Đặc biệt, nguyên liệu sử dụng phải là tre khô tự nhiên, không được sử dụng tre ngâm, bị mối mọt... Để làm ra một chú chuồn chuồn hoàn chỉnh phải trải qua khoảng 12 công đoạn, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và chính xác.

Chuồn chuồn tre với màu sắc bắt mắt
Chuồn chuồn tre với màu sắc bắt mắt

“Để làm được một con chuồn chuồn tre, người làm phải mất rất nhiều thời gian, công sức từ lên rừng đốn tre trúc, rồi đến chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Không những thế, người làm phải đam mê, đo đạc cẩn thận, tính toán kĩ lưỡng mới cho ra được một sản phẩm đẹp và có thể đứng thăng bằng”, anh Tái cho biết.

Hiện những mặt hàng này không chỉ tiêu thụ trong nước mà được anh Tái xuất khẩu sang Nhật, Pháp, Anh… qua công ty mỹ nghệ. Anh Tái cho biết: “Tận dụng tre, một loại nguyên liệu sẵn có ở nước ta để tạo ra các sản phẩm thủ công tinh xảo, đẹp mắt, mang ý nghĩa văn hóa là động lực để mình và nhiều người dân Thạch Xá đã, đang làm, cố gắng duy trì sản phẩm chuồn chuồn tre”.

Đầu Xuân mê mẩn với những sản phẩm truyền thống
Những chú chuồn chuồn tre nhỏ xinh khiến nhiều người mê mẩn

Những chú chuồn chuồn tre với màu sắc rực rỡ cũng ngày càng xuất hiện nhiều ở các lễ hội, đặc biệt là những ngày đầu xuân, năm mới. Chúng cũng trở thành món quà vô giá, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.

Vị đậm đà trong từng miếng ô mai

Cũng dành niềm đam mê cho sản phẩm truyền thống, anh Nguyễn Xuân Lừng (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) đã góp sức tạo nên thương hiệu ô mai Vạn Xuân được người tiêu dùng yêu thích.

Theo anh Lừng, từ xưa, ô mai đã đi vào tiềm thức người Việt như một thức quà mang đậm nét văn hóa Hà thành. Cái tên ô mai Vạn Xuân đã để lại dấu ấn sâu đậm với rất nhiều thực khách. Bởi, ô mai Vạn Xuân có mùi thơm mát đặc trưng của hoa quả tươi, còn có vị chua chua ngòn ngọt của quả.

Các sản phẩm ô mai Vạn Xuân
Các sản phẩm ô mai Vạn Xuân

Ô mai Vạn Xuân là sản phẩm của nhà nghề cổ truyền, có mặt rất sớm trên các phố cổ Hà Nội xưa và nay, được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, đó là món ăn dành cho người thích nhâm nhi. Ô mai Vạn Xuân có nhiều hương vị đặc trưng như: Mơ dẻo, mơ gừng, mơ không hạt, mơ xào chua cay. Đó là vị chua của quả mơ tươi, mùi thơm của mơ chín, vị ấm nóng của gừng, vị hơi cay của ớt, vị mằn mặn của muối. Tất cả đều là sản vật thiên nhiên từ núi rừng Bắc Kạn, Hương Sơn đưa về chế biến, qua nhiều công đoạn thủ công và không dùng hóa chất.

Ngoài món ô mai mơ, mận, sấu thì các nghệ nhân còn lấy tinh hoa từ thiên nhiên chế biến ra rất nhiều các loại khác như: ô mai khế, ô mai quất, ô mai cóc….tựu chung trong ngôi nhà ô mai Vạn Xuân.

Ô mai Vạn Xuân
Ô mai Vạn Xuân chứa đựng tâm huyết của những người làm nghề

Anh Nguyễn Văn Lừng cho biết: “Vị ô mai Vạn Xuân rất đặc trưng không giống với bất cứ loại ô mai khác. Nguyên liệu được chọn lựa cẩn thận, chế biến theo phương pháp thủ công chứ không phải làm công nghiệp. Chính vì vậy mà thu hút rất nhiều thực khách tựu về để chọn mua cho mình những loại ô mai phù hợp nhất”.

Cũng vì thế cái tên ô mai Vạn Xuân đã len lỏi trên khắp các bàn tiệc trà sang trọng hay mỗi khi Tết đến Xuân về trong mỗi gia đình. Chúng còn có trong các túi sách của các nữ sinh hay túm tụm. Ô mai Vạn Xuân có địa chỉ chính ở Hà Nội nhưng đến nay đã được các vị khách tin chọn làm quà tại khắp các vùng miền trên Tổ quốc như Hạ Long, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và ra nước ngoài

Nguyễn Dũng

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/