Tiềm ẩn rủi ro khi đầu tư vào ứng dụng mua bán vàng HanaGold của CEO 9X Hana Ngô

15:32 | 01/03/2023
TTTĐ - Tuy được quảng cáo là mô hình đột phá trong việc kinh doanh vàng nhưng thực tế nhiều chuyên gia nhận định ứng dụng HanaGold tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư.
Cảnh báo rủi ro khi tham gia sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến Ham lãi suất cao, có rủi ro khi góp vốn đầu tư vào Năng Phát Land? Bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo, Infina vẫn “dửng dưng”?

HanaGold được quảng cáo là chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và kinh doanh. Tại đây, khách hàng có thể mua vàng tích lũy online (trực tuyến) chỉ từ 100.000 đồng và nhận vàng trực tiếp tại cửa hàng HanaGold hoặc chuỗi cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc.

Ứng dụng HanaGold được quản lý bởi Công ty CP Vàng bạc Đá quý HanaGold, thành lập vào năm 2020, có trụ sở đặt tại 37 Hoa Mai, Phường 2, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Chủ HanaGold được giới thiệu là nữ CEO 9X Hana Ngô.

Trên web, HanaGold tự nhận mình là nhanh chóng chớp lấy thời cơ phát triển ngành vàng tại Việt Nam theo mô hình cải tiến hơn so với truyền thống, tạo bước đột phá cho nền kinh doanh vàng tại Việt Nam. Tham vọng của HanaGold hướng tới có thể trở thành thương hiệu quốc gia vào năm 2025.

Giao diện ứng dụng HanaGold trên điện thoại
Giao diện ứng dụng HanaGold trên điện thoại

Quảng cáo “hoành tráng” là vậy nhưng thực tế nhiều chuyên gia đánh giá mô hình mua bán vàng hiện đại này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia. Bởi, vốn dĩ vàng là mặt hàng liên tục biến động về giá.

Cụ thể, tại thời điểm khách mua, giá vàng đang thấp nhưng khi HanaGold phải bàn giao vàng thật cho khách thì giá vàng lại tăng cao đột biến. Tới đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi nếu cùng thời điểm đó tất cả các khách hàng của HanaGold đều đồng loạt phải nhận vàng thật thì công ty có đảm bảo được điều này hay không? Vấn đề này cũng kéo theo việc mất cân đối dòng tiền của HanaGold.

Chưa hết, nếu một ngày ứng dụng HanaGold bỗng dưng “biến mất” hay công ty phá sản thì quyền lợi của các khách hàng có được đảm bảo?

Khi tham gia gọi vốn tại chương trình Shark Tank, CEO Hana Ngô đã từng chia sẻ, công ty có cơ chế trích lập quỹ dự phòng như các ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa rõ quỹ dự phòng trên được quản lý và vận hành cụ thể ra sao?

Đồng thời, HanaGold còn quảng cáo về mô hình nhượng quyền tiệm kim hoàn với số vốn đầu tư chỉ từ 500 triệu đồng. Theo nhận định của chuyên gia thì cách thức nhượng quyền các tiệm vàng lại thêm một rủi ro trung gian khác khi start-up giao vàng cho cửa hàng nhượng quyền rồi từ đó mới giao cho khách, trong khi tiền thì start-up đã thu. Chưa kể, số vốn để mở một tiệm vàng mà chỉ có 500 triệu thì được đánh giá "phi thực tế".

Tiềm ẩn rủi ro khi đầu tư vào ứng dụng mua bán vàng HanaGold của CEO 9X Hana Ngô
"Đồng tiền kỹ thuật số" được HanaGold giới thiệu

Ngoài ra, theo thông tin quảng cáo từ website (https://hanagold.vn/) của HanaGold thì Token HNG được giới thiệu như một đồng tiền kỹ thuật số (cryptocurrency) hoặc một công cụ để thanh toán/đầu tư được phát hành bởi chính công ty chủ quản của HanaGold.

Chia sẻ quan điểm về Token HNG, Luật sư Võ Tấn Lộc, Công ty Luật Long Phan PMT - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh về giao dịch đồng tiền kỹ thuật số hoặc các dạng thức, công cụ tương tự.

Do đó, khi nhà đầu tư, người dùng nắm giữ, giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số hoặc các dạng thức, công cụ tương tự thì có những rủi ro như sau: Không có quy định pháp lý điều chỉnh trực tiếp về quyền, nghĩa vụ của các bên trong giao dịch; Không có cơ chế để giám sát và đảm bảo tính minh bạch của thị trường hoặc các giao dịch diễn ra; Không có công cụ để định giá giá trị của đồng tiền, công cụ này.

"Chính vì vậy, nhà đầu tư, người dùng cần cân nhắc tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của dự án kinh doanh này trước khi tiến hành các hoạt động đầu tư", Luật sư Lộc đưa ra cảnh báo.

Nguyễn Trang

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/