Hà Nội

Ca mắc thủy đậu tăng mạnh

08:27 | 23/03/2023
TTTĐ - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 - 17/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thuỷ đậu.
Số ca mắc thủy đậu trong năm 2017 tăng gần 50% Cảnh báo bệnh thuỷ đậu vào mùa Phòng ngừa bệnh thủy đậu khi thời tiết giao mùa Ghi nhận nhiều trường hợp học sinh mắc bệnh thủy đậu

Bệnh thuỷ đậu "vào mùa"

Tuần trước đó Hà Nội cũng ghi nhận 112 ca thuỷ đậu. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 548 ca thuỷ đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca. Trong đó, số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).

Bệnh nhân thuỷ đậu ghi nhận tại 18/30 quận huyện, trong đó một số quận, huyện có số mắc cao, dẫn đầu là Chương Mỹ với 230 ca, tiếp đến là Mê Linh với 69 ca, Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).

Ca mắc thủy đậu tăng mạnh
Ghi nhận nhiều trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học mắc thuỷ đậu

Theo nhận định của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Thống kê trên cả nước, trong 2 tháng 1-2/2023, cả nước ghi nhận gần 3.200 ca mắc thuỷ đậu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Phòng tránh bệnh thuỷ đậu

Đáng lo ngại, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.

Ca mắc thủy đậu tăng mạnh
Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan;

Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh;

Mọi người thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Đặc biệt, phụ huynh nên tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Theo các chuyên gia của CDC Hoa Kỳ, tiêm 2 liều vắc xin thủy đậu cơ bản có thể loại trừ được tới 98% nguy cơ mắc bệnh.

Vắc xin không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi nguy cơ mắc thủy đậu nhưng giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu mắc.

Khi trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ cần giữ sạch sẽ các phần tổn thương trên da và cho con dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Phụ huynh nên lưu ý tuyệt đối không được dùng các thuốc không rõ nguồn gốc để bôi lên các vết mụn nước; Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung đủ nước cho con.

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh thủy đậu ở trẻ em, các loại thuốc và phương pháp chỉ có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh.

Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất. Tại đó, chuyên gia sẽ thăm khám và chẩn đoán xác định tình trạng thủy đậu ở trẻ.

Trong trường hợp bệnh nặng, có nguy cơ biến chứng, trẻ sẽ được chuyên gia chỉ định nhập viện điều trị. Còn nếu thủy đậu nhẹ, trẻ sẽ được chuyên gia chỉ định điều trị tại nhà, dưới sự chăm sóc của bố mẹ.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/