Đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp

17:12 | 25/05/2023
TTTĐ - Đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian tới cần ưu tiên giảm thuế, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh...
Bàn giải pháp giảm lãi suất cho vay và hoạt động của thị trường trái phiếu

Thảo luận tại tổ 1 sáng 25/5 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cần ưu tiên giảm thuế giá trị gia tăng, lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh…

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch.

Nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); Thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn được chỉ ra, trong đó có hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp.

Thảo luận tại tổ 1, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, mặc dù trong 3 năm qua tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường nhưng an ninh quốc phòng vẫn ổn định, công tác đối ngoại phát triển. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân ở trong nước đã bị ảnh hưởng.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, thực tế đối phó với đại dịch COVID-19, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã rất khó khăn để duy trì sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Dự báo, tình hình này còn tiếp diễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại vẫn còn cao nên doanh nghiệp còn gặp khó khi tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau tác động của dịch bệnh COVID-19.

Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, thúc đẩy hoạt động kinh doanh như bằng cách giảm lãi suất cho vay.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn về chính sách tiền tệ như hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để họ có thể tính toán cân đối kinh doanh và tránh rủi ro trong sản xuất. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và phát triển thì mới có thể tạo công ăn việc làm và “giữ chân” được lao động làm việc cho doanh nghiệp đó.

Ngoài giải pháp trên, đại biểu Lê Quân còn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); Giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Điều này cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Quân, việc giảm thuế nếu chỉ tính đến hết năm 2023 thì không thể đánh giá được hết hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm thuế. Vì vậy, Quốc hội nên xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến ngày 1/7/2024 hoặc hết năm 2024.

Cũng đồng thuận với việc giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong năm 2022, thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách.

Chủ tịch Quốc hội: Các chính sách mới phải mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững Chủ tịch Quốc hội: Các chính sách mới phải mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững
Cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá xăng dầu Cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá xăng dầu
Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

Hậu Lộc

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/