Nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ mỹ phẩm Halora

10:00 | 09/06/2020
TTTĐ - Quy định của Bộ Y tế về nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn mỹ phẩm, bao gồm: Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Tên nước sản xuất; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn dùng của sản phẩm... nhưng rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm Halora lại không thể hiện đầy đủ theo quy định trên. Điều này đã khiến người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc xuất xứ, cũng như chất lượng của sản phẩm.

Nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ mỹ phẩm Halora

Trang myphamhalora.com giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm Halora có tác dụng như trị mụn, trị nám, tàn nhang...

Bài liên quan

Làm rõ dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm Halora

Mỹ phẩm N-Collagen ghi nhập nhằng công dụng giống thuốc để “lừa mị” người tiêu dùng?

Nhập lậu hơn 5.000 sản phẩm mỹ phẩm Trung Quốc, chủ thẩm mỹ viện Thảo Vy khai gì?

Đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Sở Y tế Bình Dương chưa cấp phép

Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin trước đó, mặc dù còn nhiều nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ nhưng thời gian qua, rất nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Halora vẫn được Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora (địa chỉ tại 14 Phạm Ngũ Lão, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) phân phối, bán ra thị trường.

Không những vậy, mặc dù có một số sản phẩm chỉ là mỹ phẩm nhưng trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội công ty này lại quảng cáo và “tung hô” giống như thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, với hai sản phẩm phóng viên có được, gồm: “Thuốc trị mụn đông y, đặc trị mụn - mờ thâm mụn - đặc trị dị ứng” (loại 10g) và “Serum mụn, đặc trị mụn - mờ thâm mụn - đặc trị dị ứng” (loại 10ml), tuy có tên gọi khác nhau nhưng về công dụng lại gần như trùng khớp nhau, đều là “đặc trị mụn - mờ thâm mụn - đặc trị dị ứng”.

Với cách ghi nhãn mác trên, nếu không phải là khách hàng am hiểu thì sẽ rất khó phân biệt đâu là thuốc, đâu là mỹ phẩm.

Đặc biệt, cả hai sản phẩm này đều có những thông tin khá sơ sài, không thể hiện rõ nơi sản xuất, xuất xứ; Không có số lô, số công bố; Không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định. Việc này không những trái quy định pháp luật mà còn gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước khi cần kiểm tra hậu mại về sản phẩm.

Một số sản phẩm mỹ phẩm Halora được quảng cáo, trong đó có một số sản phẩm ghi
Một số sản phẩm mỹ phẩm Halora được quảng cáo, trong đó có một số sản phẩm ghi "trị" như thuốc chữa bệnh

Ngoài hai sản phẩm nói trên, còn nhiều sản phẩm khác cũng có dấu hiệu quảng cáo thổi phồng công dụng, ghi nhãn không đúng quy định. Chẳng hạn như kem trị nám, tàn nhang, tái tạo da (ban ngày và ban đêm)... cũng được giới thiệu có tác dụng “ngăn ngừa và điều trị nuôi dưỡng trắng da, phục hồi da hư tổn”.

Trong khi đó, theo Công văn số 1609/QLD-MP của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm và công bố tính năng mỹ phẩm thì các từ mang ý nghĩa chữa khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa trị” đều không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm.

Theo Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau: Tên mỹ phẩm; Tính năng, công dụng của mỹ phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế; Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc…

Do đó, việc một số website, mạng xã hội đang quảng cáo cho các sản phẩm này nhưng không đúng bản chất của sản phẩm hoặc cường điệu hóa công dụng, dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng trong việc lựa chọn đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Tuy có tên gọi khác nhau nhưng công dụng của hai sản phẩm Halora lại gần như giống nhau, khó phân biệt được đâu là thuốc, đâu là mỹ phẩm
Tuy có tên gọi khác nhau nhưng công dụng của hai sản phẩm Halora lại gần như giống nhau, khó phân biệt được đâu là thuốc, đâu là mỹ phẩm

Để làm rõ nghi vấn liên quan đến việc Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora lưu thông sản phẩm khi chưa được cấp phép, mới đây, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản phản hồi báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc.

Theo đó, tại Công văn số 1145/SYT-NVD ngày 25/5, Sở Y tế Bình Dương thông tin: “Sở Y tế chưa từng cấp phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm cho Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora; Chưa từng cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho công ty này cũng như quảng cáo nhãn hàng này”.

Sở Y tế Bình Dương cũng khẳng định, chưa cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cho Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora. Do đó, sau khi có kết quả thanh tra, Sở sẽ có thông tin phản hồi cho báo.

Sản phẩm “Thuốc trị mụn đông y” của Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora đang bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm về ghi nhãn mỹ phẩm
Sản phẩm “Thuốc trị mụn đông y” của Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora đang bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm về ghi nhãn mỹ phẩm

Có thể thu hồi sản phẩm

Theo quy định, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường chỉ được phép lưu thông sản phẩm khi đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mãi khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Trường hợp một số sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm hoặc đã được cấp nhưng có những hành vi vi phạm khác thì căn cứ quy định pháp luật có thể thu hồi mỹ phẩm theo quy định.

Cụ thể, theo luật sư Phan Mạnh Thăng (Đoàn Luật sư TP HCM), Điều 45, Thông tư 06/2011/BYT của Bộ Y tế nêu rõ: Mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi khi: “Mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho ngư­ời sử dụng; Mỹ phẩm l­ưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc không đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm của Thông tư này, tùy mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi…”.

Theo đó, ngoài việc chưa được cấp Phiếu công bố như Sở Y tế Bình Dương đã khẳng định thì mỹ phẩm Halora còn thể hiện nhiều bất cập trong cách ghi nhãn mỹ phẩm, khiến người tiêu dùng hoàn toàn có quyền hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ, cũng như chất lượng của sản phẩm liệu có được đảm bảo và an toàn?

Địa chỉ Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora cũng là nơi kinh doanh spa có tên “Viện điều trị mụn Vân Nguyễn”
Địa chỉ Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora cũng là nơi kinh doanh spa có tên “Viện điều trị mụn Vân Nguyễn”

Liên quan vụ việc, ngày 15/5, phóng viên đã liên hệ đến Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ đơn vị này.

Trong khi đó, liên hệ qua số điện thoại của công ty, phóng viên được một người xưng tên Đạt cho biết: Các sản phẩm của công ty đã được cấp Phiếu công bố nhưng không phải do Sở Y tế Bình Dương cấp.

Ông Đạt cũng cho biết thêm, Thanh tra Sở Y tế Bình Dương vừa làm việc với công ty, nếu phóng viên muốn cung cấp thông tin gì cứ liên hệ Sở Y tế Bình Dương để biết.

Ngày 5/6, phóng viên tiếp tục liên hệ Phòng Thanh tra Sở Y tế Bình Dương để nắm thêm thông tin. Theo đó, đại diện nơi đây cho biết, đơn vị vừa mới kiểm tra công ty trên. Hiện Sở đang xử lý, đồng thời sẽ tiếp tục mời đại diện công ty đến làm việc, khi có kết quả sẽ có văn bản phản hồi tới báo.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Trọng Vũ

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/