Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học

10:34 | 23/11/2017
TTTĐ.VN - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học “Phòng chống ung thư & điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế của Việt Nam và Thuỵ Sỹ.

Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học

Đây là cơ hội để các chuyên gia của Thuỵ Sỹ và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, giao lưu học thuật và hợp tác nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều trị phòng chống ung thư và các bệnh không lây nhiễm.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: “Mỗi năm, các bệnh không lây nhiễm gây tử vong cho khoảng 40 triệu người, tương đương khoảng 70% tổng số trường hợp tử vong trên toàn thế giới”.


Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại hầu hết các quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh tim mạch gây ra nhiều ca tử vong nhất (17,7 triệu người), sau đó là ung thư (8,8 triệu), bệnh đường hô hấp (3,9 triệu) và bệnh tiểu đường (1,6 triệu).

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, phòng, điều trị các bệnh không lây nhiễm và bệnh ung thư bằng phương pháp y sinh học là một hướng điều trị mới đang trong quá trình phát triển và được áp dụng bổ sung các phương pháp điều trị hiện đại.


Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam trình bày báo cáo tại hội nghị


Tại Hội thảo Khoa học, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã trình bày báo cáo: “Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng và điều trị một số bệnh không lây nhiễm”.


Theo ông, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm thuộc hàng tương đối cao so với các nước trong khu vực (73%) và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng lên.


Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp; gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mãn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư... chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật.

Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học

TS.BS Thomas Rau, Giám đốc Y khoa của Trung tâm y sinh học Paracelsus, Thụy Sỹ phát biểu chia sẻ những thành tựu về công nghệ y sinh học trong hai thập kỷ qua


Tham dự Hội thảo, TS.BS Thomas Rau, Giám đốc Y khoa của Trung tâm y sinh học Paracelsus, Thụy Sỹ - bác sĩ nổi tiếng với những đột phá trong điều trị ung thư, bệnh tự miễn dịch, Lyme và nhiều vấn đề sức khỏe khác trong hơn hai thập kỷ qua - cho biết: "Bệnh tật chủ yếu là kết quả của sự gián đoạn trong cơ chế điều tiết của cơ thể. Khi chúng ta khắc phục sự gián đoạn và khôi phục chức năng điều tiết, cơ thể sẽ được chữa lành. Điều này xảy ra ở cấp độ tế bào”.


Theo TS.BS Thomas Rau, nhiễm độc là một trong những nguyên nhân dẫn tới mắc các bệnh không lây nhiễm và ung thư. Biện pháp y sinh học là biện pháp chữa trị các tác nhân gây bệnh thay vì chỉ tập trung chữa các triệu chứng của bệnh. Vấn đề thải độc được chú trọng. Giải pháp này sẽ giúp tăng cường đào thải độc tố tích tụ trong cơ thể ở cấp độ tế bào, bảo vệ tế bào và gan khỏi các độc tố, giúp ngăn ngừa ung bướu và các bệnh mãn tính do độc tố gây ra, làm đẹp da và hạn chế quá trình lão hóa.


Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học


Là trung tâm hàng đầu về y sinh học ở Châu Âu, Viện Paracelsus thành lập gần 60 năm trước tại St. Gallen, Thụy Sĩ. Viễn đã thu hút hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm từ khắp nơi trên thế giới đến chữa trị, đồng thời, truyền đạt phương pháp "y sinh học" cho các bác sĩ ở khắp nơi.

BS.TS Rau lấy ví dụ cụ thể, một bệnh nhân nhiều tuổi bị ung thư đại tràng, di căn lên phổi và xương. Sau khi chữa trị ở nhiều nơi, bệnh nhân được áp dụng biện pháp chữa trị y sinh học tại Viện Paracelsus. Hiện tại, di căn ở phổi đã biến mất và di căn ở xương vẫn còn nhưng không gây đau đớn nữa.

Trường hợp khác, một bệnh nhân người Thụy Sỹ bị liệt không đi lại được suốt 6 tháng, sau khi tới bệnh viện đã được điều trị bằng phương pháp y sinh học, được tiêm thuốc vào tủy sống và truyền các vitamin, cộng với quá trình luyện tập. Chỉ sau 3 tuần, bệnh nhân này đã đi lại được.


Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học


Ngoài ra, nhiều bệnh nhân bị các chứng bệnh mệt mỏi mãn tính hoặc các chứng bệnh về não, các bệnh không rõ nguyên nhân đã được điều trị bằng biện pháp y sinh học.

Theo TS.BS Thomas Rau, ông không phản đối biện pháp điều trị ung thư truyền thống nhưng bên cạnh biện pháp này, cần chú ý kết hợp với biện pháp y sinh học.

TS.BS Thomas Rau chia sẻ: “Việt Nam cũng như nhiều nước ở Đông Nam Á đã có những tiến bộ vượt bậc về kinh tế. Tôi đến đây mong muốn hợp tác để thúc đẩy những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là với các giải pháp y sinh học hiện đại nhất”.

Tại hội thảo, bà Helen Thúy Nga - Tổng Giám đốc HelenCare cho biết: “Bên cạnh sứ mệnh “Cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện với chất lượng tốt nhất” cùng phương châm “Nếu bạn suy nghĩ khác biệt , bạn sẽ hành động khác biệt”, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH HelenCare và Viện Paracelsus sẽ tiếp tục chung tay cùng với cộng đồng xây dựng các chương trình hội thảo tuyên truyền những kiến thức cùng với việc Phòng chống ung thư & điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học”. Cùng với việc đưa dự án Chữa lành và Chăm sóc sức khỏe bằng Y Sinh Học thông qua Phòng khám đa khoa Paracelsus, bà Helen Thúy Nga - Tổng Giám Đốc HelenCare còn được biết đến là người đầu tiên mang liệu pháp tế bào tươi về Việt Nam.




Công nghệ y sinh học là một lĩnh vực đa ngành, kết hợp những kiến thức khoa học về lĩnh vực kỹ thuật, sinh học, y học và ứng dụng lâm sàng nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện điều kiện sức khỏe của con người.

Công nghệ y sinh học bao hàm những nhánh nghiên cứu và ứng dụng cụ thể như sau:

1. Cập nhật các kiến thức mới và tìm hiểu các hệ thống cơ thể sống thông qua các nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm và các kỹ thuật phân tích, dựa trên cơ sở các lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

2. Sử dụng các kiến thức về lĩnh vực kỹ thuật, y học và sinh học để nghiên cứu phát triển những thiết bị, công cụ, thuật toán, quy trình và hệ thống mới… để cải tiến hoặc đưa ra các giải pháp phân tích, chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn, chính xác hơn và an toàn hơn.





Hoàng Châu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/