eMag azine
08/11/2022 08:00
Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả

08/11/2022 08:00

TTTĐ - Mục đích quan trọng của chính quyền đô thị là tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến sự phục vụ tốt nhất đối với người dân, doanh nghiệp.

hiệu quả

Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả

Mục đích quan trọng của chính quyền đô thị là tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến sự phục vụ tốt nhất đối với người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH15 của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm tại 12 quận và thị xã Sơn Tây (Hà Nội), bước đầu mô hình đã mang lại nhiều kết quả tích cực, phát huy tính chủ động và chế độ chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường. Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề cần điều chỉnh khi thực hiện chính quyền đô thị để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả

Khoảng 1 năm nay người dân tại phường Thạch Bàn (Long Biên) muốn xin xác nhận chứng thực sao y bản chính các văn bằng đã không phải chờ lâu như trước. Sau khi văn bằng được chuyển đến bộ phận một cửa sẽ được cán bộ tư pháp của phường xem xét, nếu hợp lệ sẽ được ký đóng dấu và trả hồ sơ ngay.

Không như trước đây, mỗi lần cần chứng thực, người dân có khi phải chờ cả giờ đồng hồ, thậm chí là mất cả buổi sáng. Đó chỉ là một ví dụ điển hình về hiệu quả mà chính quyền đô thị đem lại cho người dân Thủ đô kể từ 1/7/2021 đến nay.

Chủ tịch UBND Quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà kiểm tra bộ phận Một cửa phường Thạch Bàn và hỏi thăm người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Ảnh:Văn Nghĩa
Chủ tịch UBND Quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà kiểm tra bộ phận Một cửa phường Thạch Bàn và hỏi thăm người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: Văn Nghĩa

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường Thạch Bàn phân tích việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường ủy quyền cho cán bộ tư pháp được ký, đóng dấu vào các văn bản sao, chứng thực chữ ký là một giải pháp cải cách hành chính mang tính đột phá.

Đối với người dân, thay vì phải chờ đợi, chờ lãnh đạo phường ký hồ sơ giấy tờ, đến nay đã thuận lợi hơn, đơn giản hơn, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí… Còn dưới góc nhìn của người quản lý, việc ủy nhiệm một số việc cho cán bộ cấp dưới thực hiện của mô hình chính quyền đô thị giúp lãnh đạo phường giảm bớt các việc, sự vụ, để dành thời gian cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và kiểm soát công việc hiệu quả hơn.

Mặt khác, việc ủy quyền cũng tạo sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức khi thực hiện nhiệm vụ. Trước đây, cán bộ, công chức là cấp phường, nay được chuyển thành công chức cấp quận nên tư tưởng ổn định và yên tâm hơn.

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tỷ lệ đánh giá sự hài lòng của người dân tăng cao rõ rệt. Từ đó cho thấy, mô hình chính quyền đô thị được thực hiện thí điểm đã dần đi vào nề nếp, phát huy vai trò chính quyền địa phương trong các mặt, các lĩnh vực.

Ứng dụng CNTT giúp người dân thuận tiện hơn trong thực hiện thủ tục hành chính
Ứng dụng CNTT giúp người dân thuận tiện hơn trong thực hiện thủ tục hành chính

Tại phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng), ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường chia sẻ khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị sẽ không còn Hội đồng Nhân dân cấp phường, điều này giúp tinh gọn bộ máy ở cơ sở, giảm số người hưởng chế độ chính sách từ ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, việc này còn giảm thời gian chờ các cuộc họp Hội đồng Nhân dân để quyết đáp các vấn đề tại địa phương, trong khi yêu cầu thực hiện của chính quyền tại các đô thị có nhiều yếu tố cần mang tính kịp thời trước các vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương.

Về việc khi bỏ Hội đồng Nhân dân cấp phường, ý kiến cử tri phản ánh thế nào, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện nay, nhờ công nghệ thông tin, lãnh đạo phường tiếp nhận phản ánh qua nhiều kênh khác nhau nên tương tác rất kịp thời trước các ý kiến của người dân.

Nếu thấy chưa thỏa đáng, người dân có thể phản ánh nguyện vọng thông qua kênh Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, như vậy người dân không mất đi quyền dân chủ, thậm chí có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận với chính quyền cơ sở, khi triển khai chính quyền đô thị.

Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả

Đánh giá việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sau 1 năm thí điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Long Biên (Hà Nội) cho biết sau khi rà soát, sắp xếp lại bộ máy theo mô hình mới, 100% các phường đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với đội ngũ công chức theo đúng quy định.

Ngay sau khi triển khai chính quyền đô thị, 14/14 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường đã tổ chức đối thoại với người dân để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của bà con.

Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả

Việc đối thoại đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tại cơ sở; tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Nhờ triển khai đồng bộ và thận trọng, đúng hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nên chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của quận Long Biên đạt 85,98%, cao hơn mức trung bình chung của toàn thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ Hà Nội, nhìn chung 12 quận và thị xã Sơn Tây đã nghiêm túc thực hiện đúng các chỉ đạo trong triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả bước đầu, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.

Đó là một số phường còn bỡ ngỡ chưa chủ động trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền mới. Còn có hiện tượng cán bộ, công chức phường có tư tưởng chờ hướng dẫn, chỉ đạo của các phòng, ban chuyên môn của quận trong thực hiện nhiệm vụ.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận "một cửa" UBND quận Hoàn Kiếm

Ngoài ra, theo cơ chế quản lý của chính quyền đô thị, phường là một đơn vị dự toán nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất không có trong dự toán gặp khó khăn trong việc triển khai, thực hiện, thiếu tính chủ động, kịp thời.

Ông Nguyễn Trọng Thắng (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nghiêm túc, đạt kết quả tích cực, song người dân băn khoăn về việc các công chức khối đảng, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội phường nơi không còn HĐND cùng cấp, thời gian tới sẽ thuộc Quận ủy hay UBND quận quản lý; rất mong thành phố đề xuất Trung ương giao bổ sung công chức cho các tổ chức đảng, đoàn thể phường để góp phần thực hiện tốt mô hình này.

Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả
Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Để việc triển khai chính quyền đô thị đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề xuất Chính phủ xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan đến chế độ chính sách, chuyển đổi cán bộ phường thành công chức hành chính làm việc tại phường để đồng nhất trong quản lý tổ chức bộ máy, tạo động lực để đội ngũ cán bộ phường yên tâm công tác. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố sớm ban hành đề án vị trí việc làm đối với đội ngũ công chức phường.

Đại diện Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình thì đề xuất cần hướng dẫn cụ thể việc xây dựng dự toán kinh phí đối với các nhiệm vụ, hoạt động đặc thù của Ủy ban Nhân dân phường (chi hỗ trợ, hoạt động của tổ dân phố, kinh phí chi ký hợp đồng lao động đối với các vị trí phục vụ, hỗ trợ…) vì khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị thì thẩm quyền, cơ chế vận hành của phường thay đổi nhưng nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở không thay đổi.

Theo một số lãnh đạo phường, nhiều phường có dân số đông từ 5 - 10 vạn dân như Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng), Hoàng Liệt (Hoàng Mai) nên khối lượng công việc rất lớn mà chỉ có 15 cán bộ, công chức như hiện nay là quá ít, dẫn tới cán bộ, công chức bị quá tải, hiệu quả công việc không cao.

Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cũng cần nghiên cứu cơ chế tài chính, con người theo đặc thù đối với các phường quy mô dân số lớn khi triển khai chính quyền đô thị.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết, thành phố Hà Nội xác định việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền. Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch cụ thể, phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các đơn vị có liên quan, trong đó tập trung công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại các phường; xây dựng, ban hành quy chế làm việc mẫu của Đảng ủy, UBND phường phù hợp với mô hình mới; ban hành bổ sung các văn bản quy định, hướng dẫn các nội dung mới liên quan mô hình chính quyền đô thị.

Qua một năm thực hiện, đến thời điểm hiện nay, qua báo cáo đánh giá hoạt động của các đơn vị cho thấy tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc không tổ chức HĐND phường, UBND phường là chính quyền địa phương ở phường, là cơ quan hành chính thuộc UBND quận, đã theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18 Hội nghị BCHTW 6 khóa XII của Đảng.

Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả

Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận, thị xã và các phường đều đảm bảo đạt kết quả theo Kế hoạch đã đặt ra, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn...

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Đoàn cũng cho hay, với quy mô dân số trung bình của những phường thuộc các quận lớn, với hơn 22.300 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người), khối lượng công việc tại các phường là rất lớn, gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công chức phường. Số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn.

(Còn nữa)

Bài viết: Mai Anh – Phạm Mạnh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Hiệu quả trong quản lý, điều hành Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 4: Xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền số cần có… công dân số

<< Xem bài 1

Xem bài 3 >>

Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả

Phạm Mạnh