Bài 2: Hơn cả trách nhiệm và nghĩa vụ

TTTĐ - Hà Nội đã vượt qua đỉnh dịch, số ca mắc SARS-CoV-2 tiếp tục giảm sâu, tỷ lệ tử vong ở mức rất thấp. Đến nay, cơ bản thành phố đã mở lại hết các hoạt động. Đằng sau thành quả ấy là những ngày Tổ công tác “đặc biệt” bám địa bàn, hỗ trợ kịp thời cho người dân và hệ thống y tế cơ sở.

Bài 2: Hơn cả trách nhiệm và nghĩa vụ

Khu đô thị Vinhomes Times City là địa bàn tập trung đông dân cư với hơn 27 nghìn người sinh sống tại 11 tòa nhà. Trung bình mỗi tòa nhà có từ 650 đến 900 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu, nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng rất cao.

Ông Nguyễn văn Tâm (bên trái), Tổ trưởng dân phố kiêm tổ trưởng chăm sóc hỗ trợ người cách ly y tế tại nhà thuộc Tổ 17L (Tòa nhà 11, Khu đô thị Times City), phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng trao đổi công việc với các thành viên trong tổ.

Với phương châm thích ứng linh hoạt với tình hình dịch mới, tháng 12/2021, UBND phường Vĩnh Tuy đã chỉ đạo thành lập 11 Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (gọi tắt là Tổ hỗ trợ). Trong đó, Tổ trưởng dân phố trực tiếp kiêm tổ trưởng hỗ trợ, còn cấp ủy và Ban công tác mặt trận trực tiếp quản lý cụm tổ từ 3 đến 4 tổ dân phố.

Hầu hết các thành viên Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà địa bàn dân cư số 17 là các đảng viên nghỉ hưu, rất có “tiếng nói” với cư dân.

Đến nay, tình hình diễn biến dịch bệnh ở địa bàn đang được kiểm soát tốt.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Tổ trưởng tổ dân phố số 11 - thành viên Tổ hỗ trợ nhớ lại, khoảng thời gian sau Tết là lúc số ca mắc tăng cao nhất. Với số lượng dân cư đông, nên dù mỗi ngày có 3 ca trực và mỗi ca trực gồm 2 người nhưng với mỗi thành viên Tổ hỗ trợ, đó vẫn là những ngày “mướt mồ hôi”.

“Mỗi khi có bệnh nhân F0, chúng tôi sẽ phát phiếu để người bệnh khai báo thông tin rồi gửi lên nhóm Zalo của Tổ dân phố. Chúng tôi cập nhật liên tục số liệu các trường hợp F0, F1bảo đảm chính xác trên cơ sở các quyết định cách ly y tế và hết thời hạn cách ly y tế của UBND phường và đồng thời cũng không để người dân phải chờ đợi” - ông Tâm chia sẻ.

Bài 2: Hơn cả trách nhiệm và nghĩa vụ

Ông Hoàng Văn Điểm, Trưởng ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư số 17 cho biết: Để quản lý hiệu quả và hỗ trợ tốt nhất cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, Tổ hỗ trợ đã đã có sự phối kết hợp hiệu quả giữa Tổ dân phố, các chi hội đoàn thể xã hội với hệ thống bảo vệ, an ninh và bộ phận chăm sóc khách hàng của chủ đầu tư. Trong đó có sự chung tay của các y, bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện hoặc đã nghỉ hưu sinh sống tại các tòa nhà, với những tư vấn kịp thời trên nhóm zalo để hỗ trợ các bệnh nhan F0 yên tâm điều trị tại nhà.

Trung úy Nguyễn Huy Chiến - Cảnh sát khu vực cùng các cán bộ tổ COVID cộng đồng địa bàn dân cư số 24 phường Vĩnh Tuy kiểm tra giấy tờ của những người dân ra vào ngõ 120 phố Vĩnh Tuy (Ảnh tư liệu)

Cùng với ứng dụng mạng xã hội zalo để quản lý các F0, Tổ hỗ trợ còn sử dụng hệ thống loa phát thanh và bảng tin do chủ đầu tư trang bị để thông báo tin tức và tuyên truyền vận động tình hình dịch bệnh đến toàn thể cư dân trong tòa nhà. Đây là những yếu tố quan trọng giúp giữ vững ổn định chính trị và phòng, chống dịch có hiệu quả đối với một địa bàn dân cư đông đúc khó kiểm soát.

Bài 2: Hơn cả trách nhiệm và nghĩa vụ

Nhận thấy mô hình hỗ trợ F0 thể nhẹ tại nhà mang lại rất nhiều thuận lợi cho lực lượng y tế và người bệnh, các cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) đã tích cực tham gia Tổ công tác “đặc biệt” của phường từ những ngày đầu, bất chấp phải đối mặt với nguy hiểm của dịch bệnh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Phúc Ngô Thùy Linh cấp phát thuốc cho F0.

Bài 2: Hơn cả trách nhiệm và nghĩa vụ

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Phúc Ngô Thùy Linh kể lại, có những ngày vừa bắt đầu ca trực thì Tổ tiếp nhận ngay thông tin về 3 trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 trong 1 gia đình tại khu 7,2ha trên địa bàn phường. Giúp nhau mặc bộ đồ phòng hộ, tổ phân chia người lấy túi thuốc, người mang kit xét nghiệm, tài liệu hướng dẫn điều trị, rồi nhanh chóng đến nhà người bệnh, tiến hành lấy mẫu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Phổi trung ương hỗ trợ xét nghiệm. Khi có kết quả chính thức, tổ cấp phát, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị cho các F0, cung cấp cho mỗi người 3 mã QR để vào nhóm Zalo tư vấn điều trị, khai báo y tế và cập nhật tình hình sức khỏe 2 lần/ngày.

Về sau này, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, công tác liên hệ và hỗ trợ các F0 thể nhẹ được thực hiện qua mạng xã hội Zalo. Mọi thắc mắc của bệnh nhân đều được giải đáp và đáp ứng nhanh nhất có thể.

Bài 2: Hơn cả trách nhiệm và nghĩa vụ

Tại phường Ô Chợ Dừa, Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 được duy trì dưới lực lượng nòng cốt là Đoàn thanh niên phường. Hàng ngày, thành viên Tổ hỗ trợ cùng với các y bác sĩ hỗ trợ các bệnh nhân thông qua điện thoại, nhập liệu thông tin bệnh nhân F0, chuẩn bị thuốc hoặc bình oxy cho bệnh nhân theo sự chỉ định, tư vấn của các bác sĩ tại Trạm Y tế lưu động. Tổ hỗ trợ xếp và phân loại thuốc vào các buổi sáng và triển khai phát thuốc tới các bệnh nhân vào buổi chiều. Buổi tối chuẩn bị bình oxy và máy đo nồng độ oxy trong máu, sẵn sàng chuyển tới các bệnh nhân nặng.

Bài 2: Hơn cả trách nhiệm và nghĩa vụ

Thanh niên tình nguyện trực tổng đài tiếp nhận các cuộc gọi từ bệnh nhân

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa đã hỗ trợ quản lý, chăm sóc và điều trị tại nhà hơn 2.000 F0. Đến nay, dù số ca mắc COVID-19 điều trị tại nhà chỉ còn rất ít, Tổ hỗ trợ vẫn tiếp tục được duy trì. Hằng ngày, các đoàn viên thanh niên vẫn có mặt tại Trạm Y tế phường và các trạm y tế lưu động để hỗ trợ cập nhật số liệu các ca mắc đã khỏi bệnh và các thủ tục giấy tờ trả bảo hiểm cho F0; hỗ trợ công tác tiêm chủng trên địa bàn.

Bí thư Đoàn phường Ô Chợ Dừa Nguyễn Ngọc Hải Long cho biết: Trong suốt quá trình triển khai công việc, Tổ hỗ trợ gặp không ít khó khăn khi một số trường hợp hộ dân chưa nhận thức đúng đắn về bệnh dịch và tình trạng sức khỏe của mình.

Bài 2: Hơn cả trách nhiệm và nghĩa vụĐể bảo đảm phòng, chống dịch, UBND phường Ô Chợ Dừa đã yêu cầu nhân viên trông giữ xe phải mặc đồng phục, đeo biển tên; yêu cầu người dân khi gửi phương tiện phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Có trường hợp bệnh nhân cao tuổi nhiễm COVID-19 với hiện tượng bệnh trở nặng, các bác sĩ Trạm Y tế lưu động sau khi thăm khám đã yêu cầu chuyển viện để được chữa trị. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý và đã viết đơn xin điều trị tại nhà, nên Tổ hỗ trợ cùng lãnh đạo Sở chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Phường phải xuống tận nơi để vận động do điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực không thể đảm bảo hỗ trợ điều trị đối với bệnh nhân có tình trạng trở nặng như vậy.

Việc vận động gia đình diễn ra nhiều ngày không có kết quả, trong suốt thời gian đó, Tổ hỗ trợ bên cạnh việc duy trì các hoạt động thường ngày như phát thuốc, nhập dữ liệu F0,… vẫn phải thường xuyên bố trí người túc trực và thay bình oxy thường xuyên cho người bệnh. Cho đến khi bệnh tình của bệnh nhân ngày càng nặng hơn, gia đình mới đồng ý để bệnh nhận nhập viện điều trị.

(Còn nữa)

Bài viết liên quan:

Bài 1: Thực tiễn đòi hỏi Bài 3: Mang "sự sống" tới cho người bệnh Bài 4: Đồng hành cùng F0 "vượt qua" dịch bệnh Bài 5: Minh chứng cho sức mạnh toàn dân

<< Xem bài 1

Xem bài 3 >>

Thực hiện: Nhóm PV