Tag

Bám trụ với trường trong 12 ngày đêm lịch sử “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”

Thời sự 17/12/2017 15:05
aa
TTTĐ - Năm 1967, tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội hệ 4 năm đầu tiên của trường, tôi được Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) điều động sang dạy trường cấp III Nguyễn Văn Bé (khu học xá Quế Lâm - Trung Quốc), sau về dạy tại trường cấp III Đông Anh A xã Đông Hội (nay là trường THPT Cổ Loa).

Bám trụ với trường trong 12 ngày đêm lịch sử “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”

Từ năm 1972-1976, tôi công tác tại trường cấp III Hoàng Văn Thụ (Từ ngã 4 Chợ Mơ đi xuôi về Đuôi Cá khoảng 2 km sẽ gặp chùa Sét; từ chùa Sét rẽ vào khoảng 500m là trường cấp III Hoàng Văn Thụ và khu tập thể giáo viên – nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đường rẽ vào là đường đất rất nhỏ lát những viên gạch xiên, 2 bên toàn ao hồ (Giờ đây, ao hồ ngày xưa là những dãy nhà cao tầng, rất khó tìm lại dấu vết xưa ngoài chiếc giếng còn sót lại). Trường và nhà ở của giáo viên được dựng bằng tre phên nứa lợp tranh. Là đảng viên trẻ, lại từng là bí thư Đoàn trường cấp III Cổ Loa nên sang đây tôi lại được giao nhiệm vụ Bí thư chi đoàn giáo viên và phó Bí thư Đoàn trường.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, các trường nội thành đều được đi sơ tán; riêng trường Hoàng Văn Thụ phục vụ con em ngoại thành nên mặc dù ở gần ga Giáp Bát (một trọng điểm đánh phá thường xuyên của máy bay địch) nhưng giáo viên vẫn bám trụ giảng dạy.

Từ tháng 4/1972 đến 12/1972, địch thường xuyên đánh phá Thủ đô, Ban giám hiệu quyết định dựng một số lớp giữa cánh đồng, nơi có cây cối rậm rạp. Xung quanh lớp học được đắp đất dày, cao, dưới chân ghế ngồi có hệ thống giao thông hào đề phòng khi có báo động, học sinh sẽ theo hệ thống giao thông hào ấy chạy ra các hầm cá nhân. Cô giáo chủ nhiệm lúc nào cũng đeo trên người sơ đồ các hầm trú ẩn của học sinh để khi hầm nào bị lấp là lập tức cùng với đội xung kích của lớp có mặt, đào bới để kéo các em lên.


Bám trụ với trường trong 12 ngày đêm lịch sử “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”

Các thầy cô giáo trường cấp III Hoàng Văn Thụ năm xưa

Ác liệt nhất là giai đoạn 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 đến 31/12/1972). Khoảng 7giờ30’ tối 18/12, còi báo động vang lên và từ đó đến 6 giờ sáng các đợt ném bom diễn ra dồn dập. Sáng 19, tôi quyết định đào một hầm trong nhà vì không thể chạy ra ngoài kịp. Đêm 19, lại một đêm không ngủ. Đêm 20 mọi người trong khu tập thể giáo viên quyết định trải chiếu dưới hầm lớn giữa 2 dãy nhà tranh để ngủ. Chỉ trẻ con mới chợp mắt được đôi chút chứ còn người lớn chỉ chập chờn vì tiếng bom và tiếng súng nổ xé trời…

Trưa 21/12 địch đánh vào chùa Sét, Giáp Bát, nhà máy điện Yên Phụ, ga Hàng Cỏ, sân bay Bạch Mai. Tôi và con mới 2 tuổi ngồi dưới hầm, đất rơi rào rào, mọi đồ đạc, sách vở để trên giá đều rơi xuống đất. Máy bay rít ầm ù, bom nổ to xé trời. Bé Khoa (con trai tôi) ôm mẹ nói hổn hển: “Mẹ ơi con sợ lắm”. Một tay bế con, một tay tôi cầm xẻng với tư thế hầm bị sập thì tự bới đất để chui lên. Rùng rợn nhất là khi máy bay chúi xuống cắt bom, lửa cháy, khói bốc khét lẹt. Ngoài đường làng, người bị chết, bị thương kêu khóc thảm thiết. Hết 3 đợt bom thì thầy Hành (hiệu trưởng nhà trường) quyết định rút khỏi trường. Tôi bế con chạy ngược lên phố. Từ chùa Sét lên chợ Mơ, dây điện đứt lả tả, cột điện cây cối đổ xuống đường, nhà cháy rừng rực. Một số gia đình giáo viên dọn ra đồng dựng lều làm hầm trú tạm.

Ngày 25/12, Noel, Mỹ ngừng ném bom 1 ngày. Cả Hà Nội bây giờ mới triệt để sơ tán. Mọi người ra khỏi Hà Nội bằng đủ mọi phương tiện: Xe đạp, xe bò, xe xích lô, gồng gánh. Tôi đạp xe chở con lên Vĩnh Phú (cũ). Ngày 31/12 gửi con lại nơi sơ tán, tôi quay về lại trường. Làng Giáp Bát, Giáp Lục bị tàn phá tiêu điều, khu Tương Mai gần như xóa sổ. Anh Cảnh (giáo viên Văn cùng trường tôi) bị bom lấp hầm, ngất đi, may có anh Lý ở gần đó kịp thời kéo lên; 4 nhà giáo viên bị cháy hoàn toàn.

Ngày 5/1, trường có chủ trương cho học sinh đi học trở lại lại. Ngày 9/1 tình hình lại căng thẳng. Lần này, Ban giám hiệu quyết định đưa nhà trẻ lên Trung Hà- Ba Vì và cho tất cả các cháu con em giáo viên lên đó. Giáo viên vẫn tiếp tục bám lớp. Có những lớp chỉ có 10 học sinh đến học nhưng chúng tôi vẫn giảng dạy bình thường. Sự sống và cái chết luôn cận kề vậy mà chúng tôi vẫn sống rất vui, rất lạc quan yêu đời. Nếu có lệnh tổng động viên là sẵn sàng ra trận. Những ngày ấy, trường Hoàng Văn Thụ đã tiễn 3 giáo viên lên đường nhập ngũ.

Nhận được giấy triệu tập lên Chương Mỹ chấm thi tốt nghiệp, tôi lại phải gửi con. Đạp xe từ Hà Nội lên Sơn Tây, dọc đường nghe báo động thì máy bay đã đến trên đầu chỉ kịp vứt xe nằm bẹp xuống, tiếng súng nổ đùng đoàng ngay gần đó. 10 ngày chấm thi phải chạy máy bay liên tục nhưng tôi vẫn rất vui. Đêm nào, anh chị em cũng tổ chức “ca nhạc không theo yêu cầu” hết hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi” lại đến “Bài ca người giáo viên nhân dân” rồi “Người Hà Nội”; hết hát lại kể chuyện tiếu lâm. Quay về trường, tôi lại cùng tập thể giáo viên đi đắp đê - sáng từ 4 giờ đến 8 giờ, chiều từ 16h30’ đến 19h30’. Một đoàn văn công quân đội đi biểu diễn suốt dọc đê động viên mọi người làm việc.

Những người con Hà Nội kiên cường, cứng cỏi, bình tĩnh lạ thường. Cạnh một hố bom, một người tự bới đất chui lên rồi lặng lẽ ra đi. Tại một đường phố khác, một chiếc cần cẩu đang cẩu một tảng bê tông lớn. Dưới tảng bê tông kia là một ngôi hầm với biết bao bệnh nhân và y bác sĩ. Họ lần lượt được cứu thoát. Tất cả những con người mang đầy thương tích ấy đêm xuống đứng lên sáng lòa trong ánh lửa căm thù. Họ cầm đủ các loại súng bắn trả kẻ thù dữ dội. Đêm Hà Nội sáng rực trời. Có lúc người ta thấy vài chục quả tên lửa cùng bay lên. Xác B52 rơi ngay xuống Đuôi Cá, xuống hồ Hữu Tiệp... Thời đó, mỗi lần nghe tin bộ đội ta bắn rơi máy bay, học sinh từ dưới hầm chui lên vỗ tay reo hò. Cô giáo chủ nhiệm phải gào khản cả cổ, yêu cầu các em xuống hầm. Vậy đó, tuổi trẻ gan góc, quả cảm, không biết sợ là gì.

Chiều 30/4/1975, nghe tin giải phóng Sài Gòn cả Hà Nội đổ ra đường. Giáo viên trường cấp III Hoàng Văn Thụ cũng đạp xe lên tận Hồ Gươm hòa vào dòng người vừa đi vừa reo hò, ca hát mừng ngày chiến thắng. Hòa bình lập lại cũng bận rộn không kém thời chiến. Nhà trường và Đoàn Thanh niên cắt cử nhau đi thu dọn hậu quả chiến tranh, đi thăm các gia đình có người mất, người bị thương, làm cổng chào trang hoàng để kỷ niệm ngày hòa bình lập lại. Cả Hà Nội rộn ràng.

Trường cũ bị sập đổ, cả trường chuyển sang trường mới nằm trong khu đất rất rộng ở Ba Hàng. Trường được xây bằng gạch, lợp ngói - hồi ấy như vậy là sang lắm. Sau trường là khu tập thể giáo viên có 2 dãy nhà có một giếng nước để dùng chung. Khi sang trường mới tôi được cử làm tổ trưởng tổ Văn. Tổ chúng tôi nhiều lần là tổ tiên tiến và được phong tặng tổ lao động XHCN. Đó cũng là niềm tự hào của tổ, của trường. Hiệu trưởng Trần Hành vừa nghiêm khắc, vừa tình cảm. Anh đã đưa nhà trường đạt được nhiều thành tích rực rỡ.

Năm 1976, sáu giáo viên người miền Nam cùng nhận được lệnh điều động vào TP HCM. Trước khi đi chúng tôi đã chụp chung với nhau một tấm ảnh kỷ niệm rồi lưu luyến tạm biệt trường, tạm biệt miền Bắc thân yêu đã đùm bọc chở che cho chúng tôi, bồi dưỡng chúng tôi trưởng thành. Anh Hành hiệu trưởng tặng tôi một cuốn sổ tay và 3 tập sách hướng dẫn dạy môn Văn với những lời dặn dò chân tình. Sau này, mỗi lần có dịp ra Hà Nội tôi lại đến thăm anh bằng tất cả sự quý mến và kính trọng đối với một thủ trưởng có tài, một nhà giáo tận tâm vì sự nghiệp giáo dục.

Những ngày đầu sau khi miền Nam giải phóng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, phức tạp nhưng tôi luôn tự nhủ, dù trên cương vị công tác nào cũng phải nỗ lực hết sức. Năm 2000, tôi đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Giờ đây, mỗi lần nhớ đến trường cấp III Hoàng Văn Thụ, ký ức tôi lại hiện về biết bao kỷ niệm của tình đồng nghiệp, tình thầy trò... và đặc biệt là tôi đã trở thành một phần của Hà Nội trong những ngày, đêm ác liệt của trận “Điện Biên Phủ trên không”. Những năm tháng không quên ấy, lớp tôi chủ nhiệm vẫn có rất nhiều học sinh giỏi. Kết thúc năm học 1971-1972 có đến 5 học sinh được chọn đi học nước ngoài; đó là các em: Lưu Ngọc Băng, Hoàng Văn Đoàn, Nguyễn Văn Khánh, Trương Tiến đi Liên Xô (cũ), Bùi Minh Tâm đi Hungari. Bộ GD-ĐT gửi giấy về tận trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nhận xét. Tôi đã rất xúc động khi hạ bút viết về các em bởi các em hoàn toàn xứng đáng. Đó là những học sinh thông minh, học giỏi, giàu ý chí nghị lực, có lẽ sống cao đẹp, vượt qua mưa bom bão đạn quyết tâm rèn luyện học tập để sau này xây dựng đất nước.

Mỗi lần tôi ra Hà Nội các em lại tổ chức gặp gỡ. Các em vẫn ríu rít như đàn chim non. Chúng hỏi: “Cô ơi, hai cái bím tóc dài của cô ngày xưa đâu rồi?”; “Cô ơi, cô có còn dạy múa cho học sinh như cô đã từng dạy cho chúng em ngày xưa không?”; “Cô ơi, bây giờ cô có còn đi thăm nhà học sinh như cô vẫn lặn lội đi xuống Định Công, Lĩnh Nam, Ba Hàng như ngày nào không?”; “Cô ơi, em nhớ mãi cô dạy bài “Tiếng hát sông Hương” với giọng Huế ngọt ngào: Em buông mái chèo trên dòng Hương Giang...”…

Sau những giây phút sôi nổi là những lời thủ thỉ tâm tình: “Cô ơi, cuộc đời em cũng lận đận lắm cô à!”; “Cô ơi, bạn này rất thành đạt, bạn này theo nghề cô, những bạn này đã từng tham gia quân đội bỏ lại một phần máu xương trên chiến trường”.

Các em biết cô giáo rất yêu mùa thu Hà Nội nên đã tặng cô một bức tranh thêu cảnh thu về trên Hồ Gươm. Có em làm giám đốc công ty du lịch đã tặng cô một chuyến tham quan Sa Pa… Mỗi lần gặp gỡ các em lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến nhớ lại một thời gian khổ mà thật vui. Không biết có nghề nào hạnh phúc như nghề nhà giáo của chúng tôi không?

Kỷ niệm 50 năm trường cấp III Hoàng Văn Thụ, ký ức một thời lại hiện về rạo rực xốn xang. Từ nơi xa xôi, chúng tôi chỉ mong trường mình ngày càng phát triển, đào tạo được nhiều thế hệ học sinh có tài, có tâm, có đức, góp phần xây dựng đất nước xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc ta nói chung và truyền thống tốt đẹp của trường cấp III Hoàng Văn Thụ nói riêng.

Tin liên quan

Đọc thêm

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng Tin tức

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng

TTTĐ - Theo Báo cáo kinh tế-xã hội quý I/2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I của các năm từ 2020-2023.
Xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô với 6 yếu tố cốt lõi Tin tức

Xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô với 6 yếu tố cốt lõi

TTTĐ - Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 nghiên cứu, xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô trở thành các vùng động lực phát triển với 6 yếu tố cốt lõi: Ưu tiên phát triển các ngành quan trọng; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng cho tương lai; nơi đáng sống; thế chế, chính sách đặc thù, vượt trội; kết nối toàn cầu; đô thị 15 phút.
Khai mạc kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội Tin tức

Khai mạc kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội

TTTĐ - Sáng 29/3, HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 15 - Kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định các vấn đề lớn, quan trọng theo thẩm quyền liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác cán bộ.
Việt Nam rất coi trọng hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản Tin tức

Việt Nam rất coi trọng hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản

TTTĐ - Chiều 28/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp và có cuộc làm việc với ông Fujimoto Masayoshi và ông Hyodo Masayuki, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) cùng lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản là thành viên của KEIDANREN sang Việt Nam tham dự Cuộc họp cấp cao khởi động giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.
Xem xét thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 Tin tức

Xem xét thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030

TTTĐ - Tại Kỳ họp thứ 15 diễn ra hôm nay (29/3), HĐND TP Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ xem xét, thông qua các nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
WB đồng hành, hỗ trợ thiết thực quá trình đổi mới của Việt Nam Tin tức

WB đồng hành, hỗ trợ thiết thực quá trình đổi mới của Việt Nam

TTTĐ - Chiều 28/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Tuyên truyền kỉ niệm 70 năm Ngày kí Hiệp định Giơnevơ Tin tức

Tuyên truyền kỉ niệm 70 năm Ngày kí Hiệp định Giơnevơ

TTTĐ - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn tuyên truyền kỉ niệm 70 năm Ngày kí Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024).
Chỉnh lý quy định về cải tạo đô thị trong Luật Thủ đô (sửa đổi) Tin tức

Chỉnh lý quy định về cải tạo đô thị trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

TTTĐ - Tiếp thu các ý kiến góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi), TP đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển theo định hướng giao thông công cộng; các quy định về thử nghiệm có kiểm soát, thí điểm các mô hình mới.
TP HCM đầy tiềm năng để người tài khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Khởi nghiệp sáng tạo

TP HCM đầy tiềm năng để người tài khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

TTTĐ - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP HCM chính là nơi lý tưởng để khởi nghiệp. Chính quyền thành phố luôn chú trọng xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 quy hoạch lớn Tin tức

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 quy hoạch lớn

TTTĐ - Quý I/2024, TP Hà Nội tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 Quy hoạch lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển của TP trong thời gian tới.
Xem thêm