Thứ bảy 02/12/2023 22:12 Hotline: 0929242424 Email: tuoitrethudoonline@gmail.com congan.hanoi.gov.vn

“Chim trời bay về sau mưa” tham gia Hội sách Hà Nội

Văn học -
In bài viết

TTTĐ - "Chim trời bay về sau cơn mưa" là tập 10 truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng với hai đề tài quen thuộc, đã trở thành dấu ấn của tác giả: Miền núi Tây Bắc và những câu chuyện về sự biến chuyển của cảnh vật, con người trong cuộc sống hiện đại. Cuốn sách vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành và chuẩn bị tham gia Hội sách Hà Nội vào tháng 10 tới.

Nhà văn Nguyễn Một gửi gắm gì tới người trẻ trong tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín"? Nhà văn viết báo - “phân vai” trong từng con chữ Nhà văn Phong Điệp tiếp tục "mạch" tiểu thuyết tâm lý, hình sự với "Cuốn sổ máu"

Bức tranh nhiều màu sắc

"Dưới những bóng cau", "Bài ca Trăng sáng", "Hạng A Tráng", "Mùa gặt ở Na Lin", "Vợ chồng Mìn và những đứa con", "Bên bờ suối Vạch" là những truyện ngắn cho thấy cảm hứng bất tận của nhà văn với vùng núi Tây Bắc. Đây là nơi linh giác của ông ngay lập tức được phát động từ lần đầu ông đặt chân đến với sự mê hoặc với thiên nhiên, cảnh vật và con người nơi đây.

Năm truyện ngắn này ghép thành một bức tranh nhiều màu sắc và tuyệt đẹp về giai đoạn cuối những năm kháng chiến chống Mỹ đến tận mới sau giải phóng của mảnh đất Lào Cai (mà tên gọi thân thuộc hơn và từng được sử dụng là Lao Cai). Chọn lựa giai đoạn 1970 - 1980 này, tập truyện như phần nào nhấn vào sự thay đổi, biến động của hoạt động cách mạng cũng như cách nhìn nhận về cuộc sống và thời cuộc của những dân tộc miền núi nơi đây.

“Chim trời bay về sau mưa” tham gia Hội sách Hà Nội
"Chim trời bay về sau bão" - tập truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng

“Lúc này, chiếc áo khoác lanh của chàng đã được cởi ra và phủ phục trên cành cây mua như con bướm nằm ngủ.

Tấm lưng trần của chàng đã được phô ra đỏ au màu nước đồng chảy. Cái quần rộng của chàng đã xắn cao tới bắp vế.

Bắp chân dưới nổi gân chằng chằng. Tuy vậy sức chàng vẫn không hề biết đến hao vơi.

Đất vẫn nở bùng bục. Mặt ruộng vẫn cuồn cuộn những luống đất mới được vật lên thẫm mầu nâu tươi. Xá cày vẫn một kiểu xoáy ốc quen thuộc, vân vân như những đường chỉ thêu vô cùng đẹp mắt.

Đi cày, chàng là người dũng sĩ đấu mình với đất, lại cũng là người nghệ sĩ tạo vẽ lên những thớ đất đường nét và sắc màu” (trích "Hạng A Tráng")

Ở họ vẫn toát lên tinh thần đấu tranh thuần khiết, mãnh liệt, chân thành và anh dũng cho đất nước, vẫn hướng mình tới những đổi mới sau khi giải phóng với ước mong cuộc sống tốt đẹp trong một niềm tin vào Đảng, nhà nước.

Cũng ở những con người chất phác đó, họ kín đáo, giấu mình trong những phong tục, tập quán cổ xưa nhất, lấy đó làm nguồn lực tinh thần, làm giá trị cốt lõi để tiếp nhận thời đại mới, để chủ động phá bỏ biết bao định kiến, áp buộc của thời chiến đã qua.

Đó là anh thanh niên Hạng A Tráng kiên trì xung phong tòng quân ra tiền tuyến trong suốt một năm liền, tự tôi luyện sức vóc mình bằng những đường cày nặng nhọc nhất trên những mảnh đất khô cằn, khó khăn nhất của bản Y Lìn Hồ; Là Hòa trong "Dưới những bóng cau", cô nhân viên trẻ tuổi dưới xuôi lên vận động về công cụ sản xuất cho bà con người Tày. Cô gái dần hòa mình với đời sống của người dân Tày, cảm nhận tình yêu thương và sự đùm bọc ấm áp của từng người dân làng chân chất.

Hay tình cảm của vợ chồng Mìn - Cơi thấm đậm sự chịu thương, chịu khó, sự thấu hiểu và ủng hộ vợ từ người chồng và sự mạnh mẽ, quyết liệt, tình yêu vô bờ bến của người vợ Mông với người chồng khuyết tật…

Mỗi câu chuyện là mỗi phận con người nhưng đều tựu chung lại ở sự gắn kết tình người, như cái cách thiên nhiên khắc nghiệt, hoang hoải, kỳ vĩ và mê mị nơi dọc hoành Hoàng Liên Sơn tạc lên thể xác và con tim của từng tộc người thiểu số.

Niềm hy vọng vào tình người

Rời xa miền núi Tây Bắc, nhà văn Ma Văn Kháng dẫn dắt người đọc vào hành trình ngược không gian và thời gian trong tâm trí những con người đã đi qua một thời xưa cũ. Nơi còn đó một giai đoạn kháng chiến anh hùng, bom đạn khốc liệt của đất nước, ở lại đó những người lính, người con anh dũng đã hi sinh, những nhân tài đất nước giờ chỉ thuộc về miền kí ức.

“Chim trời bay về sau mưa” tham gia Hội sách Hà Nội

Tròng trành trong nỗi nhớ là sự cô đơn của những con người đã đi qua tháng năm như ông Nam trong "Thành phố miền biên", người luôn hoang hoải một nỗi nhớ về người bạn, liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết; Hay cũng là Nam, người bị bỏ lại sau chiến tranh, mình mang thương tật, bươn chải giữa chốn đô thị tấp nập, thiếu sự ấm áp của tình người trong "Những ngày xa xưa"...

Nhà văn Ma Văn Kháng say mình trong những câu từ khắc tả thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc, cũng như muốn dẫn dụ người đọc vào không gian văn hóa đa sắc màu nơi đây, với những lễ hội hoa ban, lồng tồng, hay những chi tiết nhỏ nhất, khơi lên sự tò mò về trang phục, lao động, huyết tộc và sự bình dị, hoang sơ tuyệt đẹp của con người miền núi.

“Chim trời bay về sau mưa” tham gia Hội sách Hà Nội

Sau đó, dòng văn của ông lại trầm lắng, u buồn và đượm đầy tiếc nuối khi khơi lên những chiêm nghiệm về cuộc đời trải nhiều thăng trầm, cách con người đối diện với mọi đổi thay, khi thì lạc quan, lúc lại buông xuôi mà uất ức.

Tựu lại vẫn là những niềm hy vọng vào tình người - thứ gắn kết vô hình nhưng lại bền chặt nhất của nhân loại, để con người ta sống tiếp, sống cho trọn đời người.

Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông là một nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới.

Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng văn học và được đông đảo công chúng biết đến do được trích dẫn trong chương trình giảng dạy phổ thông môn Ngữ Văn. Ông đã sáng tác hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, phần lớn lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc.

Ông từng đạt nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Giải thưởng Văn học ASEAN 1998; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2012.

Cẩm Tú
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Phát hành 24 tập truyện dài về chú mèo máy Doraemon

Phát hành 24 tập truyện dài về chú mèo máy Doraemon

TTTĐ - Nhân dịp kỉ niệm 90 năm ngày sinh tác giả Fujiko F Fujio (1/12/1933 - 1/12/2023) - "cha đẻ" của bộ truyện về chú mèo máy Doraemon, NXB Kim Đồng phát hành "Premium Boxset Doraemon Truyện dài" (24 tập) được thiết kế đặc biệt với số lượng in giới hạn.
Tình yêu - cội nguồn của sự sống, cội nguồn của nghệ thuật!

Tình yêu - cội nguồn của sự sống, cội nguồn của nghệ thuật!

TTTĐ - Thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh vừa cho ra đời bài thơ hay nói về quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật. Tiêu đề bài thơ nói lên thật nhiều về mối quan hệ ấy Thơ đời và đời thơ, có thể hiểu đó là mối quan hệ nhân quả hữu cơ, chi phối và chế định lẫn nhau: để có thơ cho đời (kết quả) phải có một “đời thơ” biết yêu, biết hy sinh và cống hiến.
Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng

Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng

TTTĐ - Tôi đã đọc rất chậm bài thơ “Tự sự cùng trăng” của Nguyễn Hồng Vinh đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô mới đây. Cảm nhận bao trùm bài thơ là sự chất chứa tâm trạng vui - buồn - dứt day trước thân phận người (là “em” trong bài) vốn nuôi hy vọng sự nghiệp văn chương mà mình đang dồn sức theo đuổi, đắp vun, nhưng nay chỉ nhận về nỗi chán chường, thất vọng!
Tự sự cùng trăng

Tự sự cùng trăng

TTTĐ - Báo TTTĐ vừa nhận được bài thơ "Tự sự cùng trăng" của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Tin khác
[Xem thêm]
Miệt mài ươm những hạt mầm cho đời nở hoa

Miệt mài ươm những hạt mầm cho đời nở hoa

TTTĐ - Ngày 11/11, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức cuộc gặp mặt giới thiệu tập thơ “Hoa đời mùa sau” của thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh. Tham dự cuộc gặp mặt có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương; đoàn cán bộ của tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình. Tham dự buổi lễ còn có các văn nghệ sĩ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đồng nghiệp thân thiết và người thân trong gia đình tác giả.
Con đường để tránh nỗi sợ vô lý

Con đường để tránh nỗi sợ vô lý

TTTĐ - Buổi trò chuyện về sáng tác mang tên “Viết và đọc kinh dị ở Việt Nam” quy tụ những nhà văn trẻ thế hệ 9x đã thu hút đông đảo độc giả trẻ quan tâm đến đề tài này.
"Viết lên hy vọng" - cuốn sách hay về thầy và trò

"Viết lên hy vọng" - cuốn sách hay về thầy và trò

TTTĐ - Trong tháng 11, tháng tôn vinh các nhà giáo, cuốn sách mang tên “Viết lên hy vọng” được Erin Gruwell và những nhà văn tự do sáng tác. Cuốn sách là những chương nhật kí giàu tính tự sự thể hiện tình cảm, suy nghĩ của các bạn học sinh...
"Suối Cọp" của Hữu Ước chạm đến trái tim người đọc

"Suối Cọp" của Hữu Ước chạm đến trái tim người đọc

TTTĐ - Sáng 29/10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội nhà văn phối hợp Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Trí Việt tổ chức ra mắt tiểu thuyết “Suối Cọp” của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. Tác phẩm lần này được tái bản, bổ sung, mang đến cái nhìn mới mẻ, đầy nhân văn về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ.
Có một Hà Nội trong tôi...

Có một Hà Nội trong tôi...

TTTĐ - Đầu đông này, bạn đọc gặp lại tác giả Vũ Công Chiến với tản văn "Có một Hà Nội trong tôi". Đây là những trang hồi ký của một người có cuộc đời hòa cùng nhịp thở của Thủ đô.
“Nhật ký chú bé nhút nhát” tập 18 phát hành tại Việt Nam trước bản gốc

“Nhật ký chú bé nhút nhát” tập 18 phát hành tại Việt Nam trước bản gốc

TTTĐ - Ngày 24/10, tập 18 “Nhật ký chú bé nhút nhát - Out trình” (tựa tiếng Anh: Diary of a Wimpy Kid: No Brainer) sẽ được phát hành tại Việt Nam. Cộng đồng fan Việt Nam thậm chí còn được đọc cuốn sách này sớm hơn hầu hết các nước trên thế giới, trước cả bản gốc của tác giả tại Mỹ 12 tiếng.
Xem phiên bản di động