Tag

Chưa được cấp giấy phép hoạt động, Trung tâm GDNN Đại Phát đã tuyển sinh và nhận tiền học viên

Đường dây nóng 11/03/2023 17:45
aa
TTTĐ - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã tiếp nhận đơn kiến nghị, phản ánh của học viên về việc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) Đại Phát có hành vi tuyển sinh và nhận tiền của học viên khi chưa được cấp Giấy phép đăng ký hoạt động GDNN theo quy định.
Trung tâm Dạy nghề dân lập Tài Năng: Nhiều "vấn đề" trong việc chuyển đổi tên và chủ sở hữu Đào tạo dạy nghề theo hướng đáp ứng "trúng" nhu cầu của doanh nghiệp Đa dạng các hình thức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

Sang tên đổi chủ

Theo phản ánh và hồ sơ thể hiện, Trung tâm GDNN Đại Phát trước đây có tên là Trung tâm Dạy nghề Doanh nhân và Giám đốc P.A.C.E (gọi tắt là Trung tâm P.A.C.E) được thành lập theo Quyết định số 3936/QĐ-UBND ngày 7/9/2010 của UBND TP HCM.

Đây là đơn vị sự nghiệp dạy nghề tư thục, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành. Trụ sở chính của trung tâm đặt tại: Số 341 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 và chịu sự quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM (Sở LĐ-TB&XH TP HCM).

Căn cứ quyết định thành lập, Trung tâm P.A.C.E có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân, giám đốc các doanh nghiệp theo phương thức dạy nghề thường xuyên thuộc các lĩnh vực Quản trị kinh doanh, Tài chính - Kế toán; Đồng thời, phải thực hiện đăng ký dạy nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định thành lập Trung tâm dạy nghề doanh nhân và giám đốc P.A.C.E (gọi tắt là Trung tâm P.A.C.E)
Quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề Doanh nhân và Giám đốc P.A.C.E (gọi tắt là Trung tâm P.A.C.E)

Ngày 1/10/2012, trung tâm được Sở LĐ-TB&XH TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số 29/2012/GCNĐKDN. Qua đó, trung tâm được phép mở các lớp đào tạo dạy nghề thường xuyên chương trình không chính quy, với số lượng 20 học viên/lớp; Quy mô tuyển sinh không quá 4.090 học viên/năm.

Sau một thời gian hoạt động, ngày 29/9/2022, Công ty TNHH P.A.C.E (chủ sở hữu của Trung tâm P.A.C.E) chuyển nhượng toàn bộ số vốn đầu tư tại Trung tâm P.A.C.E cho Công ty TNHH Phát triển Giáo dục Toàn Thắng (Công ty Toàn Thắng - một doanh nghiệp vừa được thành lập trước đó khoảng 2 tháng) với giá 300 triệu đồng.

Sau khi chính thức trở thành chủ sở hữu mới, Công ty Toàn Thắng đã có công văn xin đổi tên cơ sở từ Trung tâm dạy nghề P.A.C.E thành Trung tâm GDNN Đại Phát
Sau khi chính thức trở thành chủ sở hữu mới, Công ty Toàn Thắng đã có công văn xin đổi tên cơ sở từ Trung tâm Dạy nghề P.A.C.E thành Trung tâm GDNN Đại Phát

Sau khi chính thức trở thành chủ sở hữu mới, Công ty Toàn Thắng đã thực hiện việc đổi tên cơ sở từ Trung tâm Dạy nghề P.A.C.E thành Trung tâm GDNN Đại Phát và được Sở LĐ-TB&XH, UBND TP HCM đồng ý chấp thuận. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu thực hiện các thủ tục thay đổi tên gọi từ Trung tâm Dạy nghề thành Trung tâm GDNN cho phù hợp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế cho Luật Dạy nghề trước đó) và hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tại Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021.

Để được tuyển sinh và đào tạo, Trung tâm GDNN Đại Phát phải thực hiện việc đăng ký lại Giấy phép hoạt động và được Sở LĐ-TB&XH cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN theo quy định thì mới được phép đào tạo.

Dẫu vậy, khi vừa mới đổi tên cơ sở chưa lâu, trung tâm này đã bắt đầu "len lỏi" vào các đơn vị có nhiều quân nhân chuẩn bị xuất ngũ để tuyển sinh.

“Cầm đèn chạy trước ô tô”

Theo hồ sơ, ngay từ những ngày đầu tháng 1/2023 (trên giấy thông báo tuyển sinh ghi ngày 9/1/2022), Trung tâm GDNN Đại Phát đã gửi thông báo tuyển sinh đến nhiều đơn vị trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận để thu hút học viên.

Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2023, Trung tâm GDNN Đại Phát đã gửi giấy Thông báo tuyển sinh đến nhiều đơn vị để thu hút học viên
Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2023, Trung tâm GDNN Đại Phát đã gửi giấy Thông báo tuyển sinh đến nhiều đơn vị để thu hút học viên

Trên giấy thông báo tuyển sinh, Trung tâm GDNN Đại Phát có giới thiệu là đơn vị chuyên đào tạo các ngành nghề về Kỹ thuật - Công nghệ và giới thiệu việc làm cho các đối tượng người học là thanh niên nói chung và bộ đội xuất ngũ nói riêng. Hình thức đào tạo gồm: Hệ sơ cấp nghề (đào tạo 3 tháng); Hệ trung cấp chính quy (đào tạo 18 tháng).

Trong đó, hệ sơ cấp nghề được Trung tâm Đại Phát tuyển sinh với các nghề như: Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp dân dụng; Điện lạnh; Công nghệ thông tin; Vận hành xe nâng; Sửa chữa xe gắn máy; Lái xe A1; Lái xe ô tô hạng B2 và C… Riêng học phí dành cho đào tạo lái xe ô tô hạng B2 và C, đơn vị phụ thu mỗi học viên bộ đội xuất ngũ từ 8 triệu đồng/bằng B2, 9 triệu đồng/bằng C, còn hệ dân sự là 21 triệu đồng/học viên/bằng B2 và 24 triệu đồng/học viên/bằng C.

Với loạt “menu” đa dạng ngành nghề đào tạo và những lời giới thiệu hấp dẫn từ Trung tâm GDNN Đại Phát, rất nhiều quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở các địa phương đã tìm đến trung tâm này để báo danh và đăng ký học nghề.

Điều đáng nói là dù đã có rất nhiều học viên đăng ký học nghề từ cuối tháng 1/2023 (sau Tết Nguyên đán) nhưng đến nay chưa được gọi nhập học, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Mặc dù đã có rất nhiều học viên đăng ký học nghề từ cuối tháng 1/2023, nhưng đến nay chưa được gọi nhập học, khiến nhiều người hoang mang
Mặc dù đã có rất nhiều học viên đăng ký học nghề từ cuối tháng 1/2023 nhưng đến nay chưa được gọi nhập học, khiến nhiều người hoang mang

Em T.M.T (ngụ quận Tân Bình, TP HCM - một học viên nhập học theo diện bộ đội xuất ngũ) cho biết: "Ở trong quân ngũ, em có biết đến Trung tâm Đại Phát vì họ từng ghé đơn vị để tuyển sinh. Sau khi xuất ngũ, em tìm đến trung tâm này để đăng ký học nghề đào tạo lái xe ô tô hạng B2 và đã đóng đủ tiền phụ phí (8 triệu đồng) nhưng đến nay chưa được phía trung tâm gọi nhập học. Em nghe một người bạn (đăng ký cùng khóa học) nói rằng Trung tâm Đại Phát chưa có giấy phép về hoạt động GDNN nên đang rất hoang mang".

Không riêng trường hợp của T.M.T, thời gian gần đây, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng nhận được thông tin phản ánh và đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng về việc Trung tâm GDNN Đại Phát nhận tiền đào tạo lái xe của nhiều người nhưng không tổ chức đào tạo. Nghi ngờ trung tâm này chưa được cấp giấy phép hoạt động GDNN nên mọi người mong muốn được làm sáng tỏ.

Cụ thể, trong đơn kiến nghị gửi Sở Giao thông vận tải TP HCM và Sở LĐ-TB&XH TP HCM, các học viên cho biết: “Chúng tôi là hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn TP HCM và các địa phương lân cận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và ra quân hồi tháng 1/2023. Thời gian cuối trong quân ngũ, các đơn vị quân đội được một số trường nghề đến tư vấn dạy nghề và việc làm, trong đó có Trung tâm GDNN Đại Phát.

Sau khi ra quân, chúng tôi mang hồ sơ học nghề và tiền (bằng lái xe B2 đóng 8 triệu; Bằng C đóng 9 triệu) lên nộp tại văn phòng trên để đăng ký học nghề. Sau đó, chúng tôi được thông tin: Trung tâm GDNN Đại Phát không có Giấy phép hoạt động GDNN và Giấy phép đăng ký dạy lái xe ô tô. Chúng tôi rất hoang mang, không biết có được theo học như ở các trường nghề khác không?”.

Công ty TNHH Phát triển Giáo dục Toàn Thắng
Đơn kiến nghị của các học viên đăng ký

Được biết, sau khi tiếp nhận được đơn kiến nghị nêu trên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo phòng ban chuyên môn phối hợp, tham mưu làm rõ sự việc.

Song song thời gian đó, ngày 3/3, Phòng GDNN thuộc Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận thêm một trường hợp học viên đến hỏi về việc người này đã nộp hồ sơ học nghề tại Trung tâm GDNN Đại Phát nhưng chưa được học nghề. Học viên này thắc mắc muốn biết Trung tâm GDNN Đại Phát có chức năng đào tạo lái xe hay không? Nếu trung tâm không có chức năng đào tạo lái xe thì đề nghị Sở LĐ-TB&XH có hướng xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc, đại diện Phòng GDNN khẳng định Trung tâm GDNN Đại Phát chưa được Sở LĐ-TB&XH cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN nên không đủ điều kiện hoạt động GDNN theo quy định. Qua đó, Phòng GDNN sẽ tổng hợp hồ sơ liên quan và chuyển cho đơn vị có chức năng, thẩm quyền để giải quyết và xử lý theo quy định.

Văn phòng Trung tâm GDNN Đại Phát
Phòng Tuyển sinh Trung tâm GDNN Đại Phát

Động thái lạ từ Trung tâm Đại Phát

Theo hồ sơ thể hiện, không những chưa được cấp giấy phép liên quan đến hoạt động GDNN, việc áp dụng mức thu học phí đối với từng ngành đào tạo của Trung tâm GDNN Đại Phát cũng chưa phù hợp.

Cụ thể, tại Quyết định số 4410/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND TP HCM về ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công đối với 12 nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM, có thể hiện: Đối với ngành đào tạo sát hạch lái xe hạng B2, đơn giá đào tạo cho 1 học viên/khóa học không quá 9.054.000 đồng, còn hạng C là 10.327.000 đồng.

Trong khi đó, tại thời điểm tuyển sinh, mức học phí phía Trung tâm GDNN Đại Phát thu của học viên là 21 triệu đồng/1 khóa đào tạo hạng B2 và 24 triệu đồng cho hạng C.

Cũng cần nói thêm, đối với các học viên là bộ đội xuất ngũ khi có nhu cầu học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định sẽ được Nhà nước hỗ trợ học nghề (quy định tại Điều 16 Nghị định 61/2015/NĐ-CP; Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH).

Trong đó, mức hỗ trợ học nghề đối với bộ đội xuất ngũ khi tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ: Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật GDNN và các văn bản hướng dẫn. Đối với trình độ sơ cấp: Chi hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC; Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại…

Phiếu thu học nghề đào tạo sát hạch lái xe bằng B2 được Trung tâm GDNN Đại Phát phụ thu 8 triệu đồng/khóa học
Phiếu thu học nghề đào tạo sát hạch lái xe bằng B2 được Trung tâm GDNN Đại Phát phụ thu 8 triệu đồng/khóa học đối với bộ đội xuất ngũ

Trước thông tin phản ánh của bạn đọc về vụ việc, ngày 3/3, phóng viên đã liên hệ Trung tâm GDNN Đại Phát. Tại đây, một người xưng là nhân sự thuộc Phòng Tuyển sinh cho biết, hiện Giám đốc Trung tâm đang đi vắng nên hẹn sẽ trao đổi lại sau.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau khi phóng viên liên hệ làm việc thì ngay lập tức phía trung tâm này đã chủ động liên hệ với một số học viên (chủ yếu là những học viên đóng tiền học nghề đào tạo sát hạch lái xe hạng B2 và C) để trả lại tiền hoặc chuyển hồ sơ qua một trung tâm khác đào tạo với lý do “không đủ học viên để mở lớp”.

Người xưng là nhân sự thuộc phòng tuyển sinh tiếp nhận thông tin của phóng viên
Người xưng là nhân sự thuộc Phòng Tuyển sinh tiếp nhận thông tin của phóng viên

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, một học viên cho biết: "Từ sau thời điểm xuất hiện thông tin Trung tâm GDNN Đại Phát chưa đủ điều kiện hoạt động GDNN, phía trung tâm đã gọi điện trao đổi về việc trả lại tiền đã đóng. Tuy nhiên sau đó, họ nói sẽ chuyển hồ sơ qua cho một trung tâm khác đào tạo. Gia đình tôi không đồng ý nên đã rút hồ sơ về tìm một trung tâm khác để học".

Tương tự, một học viên khác cũng nhận được điện thoại từ Trung tâm GDNN Đại Phát. Hiện người này đã được chuyển hồ sơ qua một trung tâm khác để học.

Trái ngược với các học viên đào tạo sát hạch lái xe hạng B2 và C, khi phóng viên liên hệ với một học viên học ngành nghề khác (không thuộc trường hợp đóng phí), người này cho biết: "Em chưa nhận được bất cứ thông tin gì từ trung tâm, cũng chưa thấy đơn vị này gọi lên nhập học. Em thấy làm lạ vì đăng ký học từ đầu tháng 2/2023 đến nay nhưng chưa được học".

Đọc thêm

Long An: Tự dưng mất đất vì hồ sơ công chứng giả mạo? Đường dây nóng

Long An: Tự dưng mất đất vì hồ sơ công chứng giả mạo?

TTTĐ - Vụ tranh chấp đất ở Long An đang được dư luận quan tâm khi người mua thực hiện đúng pháp luật nhưng bị giả mạo lấy đất cất nhà; kiện ra tòa thì bị TAND huyện Đức Hòa xử sơ thẩm bác đơn.
Người dân "ngã ngửa" nhận thông báo thu hồi đất Đường dây nóng

Người dân "ngã ngửa" nhận thông báo thu hồi đất

TTTĐ - Hàng chục người dân phường Bách Quang (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) bất ngờ khi nhận được thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án Khu dân cư Bách Quang. Họ cho rằng, quá trình lập dự án không được biết thông tin, không được tham gia ý kiến - dù là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.
Kon Tum: Cận cảnh những cánh rừng tự nhiên bị đốt cháy, cạo trọc Đường dây nóng

Kon Tum: Cận cảnh những cánh rừng tự nhiên bị đốt cháy, cạo trọc

TTTĐ - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi (Công ty lâm nghiệp Ngọc Hồi) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum giao quản lý, bảo vệ hơn 23.000ha rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cánh rừng tự nhiên đã bị người dân chặt phá, đốt cháy để xâm lấn canh tác nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn.
Hải Phòng: Chính quyền "loay hoay" tìm chủ công trình xây dựng không phép Đường dây nóng

Hải Phòng: Chính quyền "loay hoay" tìm chủ công trình xây dựng không phép

TTTĐ - Tại xã Hoa Động (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), 7 công trình 3 tầng được xây dựng từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Hơn 1 năm trôi qua, vi phạm này vẫn chưa bị xử lý do chính quyền địa phương còn đang loay hoay… tìm chủ công trình.
Thêm cháu ở nước ngoài tham gia kiện tranh chấp đất mộ Đường dây nóng

Thêm cháu ở nước ngoài tham gia kiện tranh chấp đất mộ

TTTĐ - Các vụ kiện của ông Phạm Thế Hiển lắng xuống, gia tộc được yên ổn mấy năm để đoàn kết tôn tạo mộ phần, làm đường và dựng nhà tạm trên phần đất còn trống, góp phần làm đẹp quê hương. Tuy nhiên, bình yên chưa được bao lâu thì lại xảy ra vụ kiện tranh chấp đất khi có thêm người cháu sinh sống ở Mỹ đứng đơn.
Gia tộc ở Cà Mau lục đục vì tranh chấp đất khu mộ Đường dây nóng

Gia tộc ở Cà Mau lục đục vì tranh chấp đất khu mộ

TTTĐ - Khu mộ khá rộng, được tạo lập từ đầu thế kỷ XX giữa vùng đất hoang sơ, nay thuộc Phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã sầm uất dân cư. Ban đầu, khu đất chỉ có hai vợ chồng sinh sống từ cuối thế kỷ XIX, có 11 người con. Sau này, gia đình đông cháu chắt, sinh sống ở nhiều địa phương trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hơn chục năm nay, nhiều cháu trong dòng họ đã quay về kiện cáo tranh chấp khu đất mộ...
Kỷ luật nhiều cán bộ vụ 150 căn nhà trái phép tại Bình Tân Đường dây nóng

Kỷ luật nhiều cán bộ vụ 150 căn nhà trái phép tại Bình Tân

TTTĐ - UBND quận Bình Tân, TP HCM vừa xử lý, kỷ luật 4 cán bộ để xảy ra việc xây dựng 150 căn nhà trái phép trên địa bàn quận, trong đó có 1 cán bộ địa chính bị buộc thôi việc.
Kon Tum: “Phát lộ” thêm quyết định cấp đất của Công ty 732 Đường dây nóng

Kon Tum: “Phát lộ” thêm quyết định cấp đất của Công ty 732

TTTĐ - Sau loạt bài điều tra của báo Tuổi trẻ Thủ đô liên quan đến Công ty 732 thuộc Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) cấp đất trái thẩm quyền, UBND tỉnh Kon Tum đã giao thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác minh. Đến nay, việc thanh tra đã hoàn thành và đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đà Nẵng: Thông tin về kiến nghị của cư dân tại dự án The Point Đường dây nóng

Đà Nẵng: Thông tin về kiến nghị của cư dân tại dự án The Point

TTTĐ - Những cư dân sở hữu biệt thự tại dự án The Point (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) liên tục có đơn kiến nghị, cầu cứu gửi các cấp chính quyền TP Đà Nẵng liên quan đến quyền lợi của mình sau khi mua nhà tại dự án này.
Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân ở chung cư Vinaconex Đường dây nóng

Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân ở chung cư Vinaconex

TTTĐ - Đại diện Ban Quản trị (BQT) tòa B Golden Heart, chung cư Vinaconex phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh, BQT toà B đã có tờ trình và các văn bản liên quan đến UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Đại Kim đề nghị công nhận BQT khóa 2 nhiệm kỳ 2024-2027 do cư dân Tòa B đã bầu tại hội nghị nhà chung cư theo đúng quy định.
Xem thêm