eMag azine
01/09/2022 00:00
Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

01/09/2022 00:00

TTTĐ - Giáo dục là một trong những lĩnh vực được ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), hướng đến xây dựng một nền Giáo dục mở.

giáo dục

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Giáo dục là một trong những lĩnh vực được ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), hướng đến xây dựng một nền Giáo dục mở.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều địa phương trong cả nước chủ động tham gia và nắm bắt thành quả từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và đào tạo hướng đến chuyển đổi số toàn diện nền giáo dục.

Dù còn nhiều khó khăn từ các nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nhiều tỉnh thành khắp cả nước đã nỗ lực thực hiện mục tiêu này, đặc biệt là những tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Nền tảng của những đổi mới và sáng tạo

Hơn 2 năm đại dịch COVID-19 "quét" qua và ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhưng cũng có thể nói rằng, chính trong khó khăn của đại dịch đã tạo cơ hội cho ngành Giáo dục chuyển mình mạnh mẽ, thực hiện chuyển đổi số và đem lại những kết quả lạc quan.

Biến thách thức thành cơ hội

Khi đại dịch COVID-19 mới xảy ra, không chỉ ngành Giáo dục mà nhiều ngành khác cũng như bị “đũa phép” của bà tiên chĩa vào, tuy nhiên, đó chỉ là trạng thái đứng im trong khoảnh khắc. Việc dạy và học vẫn phải tiếp tục vì cuộc sống luôn vận động. Các em học sinh đã thiệt thòi không được đến trường, không được giao lưu với bạn bè thì lại càng không thể ngừng việc tiếp nhận tri thức.

Video thầy cô giáo ứng dụng công nghệ khi dịch bệnh xuất hiện, đảm bảo tạm ngừng đến trường, nhưng không ngừng học tập

Thực tế cho thấy, biến thách thức thành thời cơ, dù còn một vài vấn đề không như mong muốn nhưng ngành Giáo dục Việt Nam cũng đã chủ động để chuyển đổi số một cách nhịp nhàng, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của tình hình, đồng thời thực hiện mục tiêu mà mình đặt ra.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đón đoàn học sinh Việt Nam trở về từ cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO 2022)
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đón đoàn học sinh Việt Nam trở về từ cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO 2022)

Là Thủ đô của cả nước với nhiều lợi thế về khoa học, công nghệ và kinh phí, Hà Nội xác định chuyển đổi số với nhiệm vụ: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; Số hóa tài liệu, giáo trình; Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa thông qua hai hình thức phát triển một hệ tri thức phổ thông được cập nhật cùng với kho học liệu mở và phát triển mạng giáo dục Hà Nội trên cơ sở mở rộng và nâng cấp hệ thống quản lý ngành Giáo dục điện tử hiện có cho phép kết nối hiệu quả học sinh - giáo viên - phụ huynh - các cơ sở giáo dục, đào tạo - các nhà quản lý giáo dục trong một môi trường học thuật và sư phạm (Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Công nghệ nhanh chóng được áp dụng để giáo dục không bị ngưng trệ khi đại dịch xảy ra

Với quy mô hơn 2.700 trường học, hơn 2 triệu học sinh và 159.400 cán bộ, giáo viên, từ năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội bắt đầu áp dụng tuyển sinh trực tuyến đối với các cấp học. Năm học 2019 - 2020, Hà Nội áp dụng chương trình sách điện tử các môn các môn âm nhạc, thủ công, tin học, tiếng Anh; Thí điểm chương trình trường học điện tử cho ba bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại 3 quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Long Biên.

Đối với công tác quản lý giáo dục, từ năm học 2016 - 2017, Hà Nội áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử, quản lý kết quả học tập cho toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố. Đến nay, 100% số cơ sở giáo dục phổ thông đã triển khai sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm, học bạ. Hệ thống sổ liên lạc điện tử được triển khai hiệu quả, cập nhật hằng ngày để chuyển thông tin của học sinh đến phụ huynh thông qua kết nối điện thoại thông minh.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai hệ thống “Trường học kết nối” trong tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn qua mạng tới tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thông qua hệ thống “Trường học kết nối”, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tham gia các hoạt động chuyên môn về xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp, liên môn; Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Tiếp nối những thành công ấy, năm 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai việc dạy và học thông qua truyền hình, dạy học trực tuyến kết hợp với học qua hệ thống Hanoi Study. Tháng 5 - 6/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hai đợt khảo sát chất lượng học sinh cho 74.000 học sinh lớp 12 và 104.000 học sinh trung học cơ sở bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Kết quả, trên 99,5% số học sinh tham gia làm bài và nộp bài thành công. Các hình thức học tập trực tuyến đã thu hút gần 100% số học sinh các cấp tham gia, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học của giáo dục Thủ đô, đồng thời tạo ra động lực cho giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến mới.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021 - 2022, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045: Tính đến hết tháng 6/2022, toàn thành phố có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn thành phố, với gần 1 triệu sinh viên, học viên.

Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng CNTT phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Học sinh trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) hào hứng với các giờ học STEM trên lớp

Các nhà trường sử dụng, khai thác mạng internet vào các hoạt động rất hiệu quả, chất lượng như dạy học trực tuyến, tuyên truyền giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh, tổ chức cơ quan trực tuyến, kiểm tra định kỳ cuối năm học; Họp cha mẹ học sinh... Nhiều trường đã quan tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng CNTT nhằm phục vụ thiết thực trong mọi hoạt động.

Ứng dụng CNTT trong công tác tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 đảm bảo đúng tiến độ, nghiêm túc, hiệu quả vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh.

Giáo dục vùng khó vươn mình

Không chỉ đạt được những kết quả khả quan ở thành phố lớn, với nhiều địa phương “vùng khó”, công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục cũng đã vươn mình đạt được nhiều thành tựu.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Xác định chuyển đối số trong giáo dục là một giải pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT Hòa Bình cũng đã tập trung chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ các giải pháp và đến nay có nhiều thành công.

Ngành đã cố gắng trang bị tối thiểu đảm bảo 100% cơ sở giáo dục có máy tính phục vụ công tác quản lý, điều hành; 100% các cơ sở giáo dục có kết nối mạng Internet; Hệ thống họp giao ban trực truyến của ngành đã triển khai đến 85 điểm cầu (47 đơn vị trực thuộc; 10 phòng GD&ĐT và các điểm trung tâm cụm xã thuộc các huyện, thành phố). 100% trường THPT; 72% trường TH và THCS có phòng máy tính phục vụ dạy học khoa học máy tính và tin học.

100% cơ sở giáo dục và cán bộ, giáo viên toàn ngành được cấp địa chỉ email với tên miền @hoabinh.edu.vn; Hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về giáo dục) được triển khai đầy đủ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT là nền tảng quan trọng để triển khai hệ sinh thái giáo dục thông minh; Các các cơ sở giáo dục đang triển khai các hệ thống quản lý nhà trường SMAS (Viettel) và VnEdu (VNPT) kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống CSDL quốc gia về giáo dục; Các hệ thống LMS, LCMS cũng đang được thí điểm triển khai.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình

Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết: Sở đang đề xuất UBND tỉnh xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh để thực hiện toàn bộ các tác nghiệp của ngành về quản lý giáo dục cũng như hỗ trợ dạy học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học, đồng nhất trên một hệ thống và kết nối liên thông với CSDL quốc gia về giáo dục, CSDL quốc gia về dân cư, CSDL kinh tế xã hội của tỉnh Hòa Bình và các CSDL chuyên ngành khác khi có nhu cầu kết nối, liên thông dữ liệu.

Để thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách hiệu quả, Hòa Bình huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ để tổ chức bồi dưỡng và tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục. Đến nay, 100% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được tập huấn và hiểu rõ nhiệm vụ, nội dung của chuyển đổi số; Trên 70% giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Tại tỉnh Lạng Sơn, thực hiện chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và phù hợp với xu thế thời đại hiện nay, phù hợp với chủ trương của Chính phủ đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành GD&ĐT, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Trong năm học vừa qua, 100% trường học đã thực hiện chuyển đổi số, 100% trường học hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành, liên thông cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT, 100% trường học quản lý học tập trên môi trường số, thực hiện sổ điện tử và xác thực điện tử.

Lạng Sơn thường xuyên quan tâm và đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT tại Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục như nâng cấp mạng LAN, trang bị mới máy vi tính, máy chiếu Projector, ti vi màn hình lớn. Hiện tại, toàn ngành có 3.929 máy tính phục vụ quản lý, công tác hành chính nhà trường, công tác chuyên môn của giáo viên; 564 phòng máy tính với 7.849 máy tính phục vụ học tập của học sinh; 2.753 bộ thiết bị trình chiếu được sử dụng dạy học trong nhà trường; 307 bảng thông minh.

Cũng như các địa phương vùng khó khác, đường truyền, kết nối internet là một trong những khó khăn hiện hữu của ngành Giáo dục tỉnh trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Để khắc phục khó khăn này, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với VNPT Lạng Sơn, Viettel Lạng Sơn triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Lạng Sơn cũng thực hiện tốt công tác bồi dưỡng qua mạng cho giáo viên đại trà và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà ngành GD&ĐT tỉnh trên hệ thống phần mềm Elearning bồi dưỡng giáo viên của Viettel; Hướng dẫn các đơn vị tổ chức dạy và học trực tuyến đối với các cấp học tiểu học, THCS, THPT; Kết quả triển khai phòng họp trực tuyến VNPT Meeting đến các trường THPT, các trung tâm GDTX.

Sở GD&ĐT phối hợp với Viettel Lạng Sơn xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử ngành GD&ĐT tại địa chỉ http://langson.edu.vn. Cổng thông tin có đầy đủ các thông tin giới thiệu về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Sở và của từng đơn vị trực thuộc; thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của ngành, tin tức, hình ảnh hoạt động của Sở GD&ĐT và các đơn vị; Công khai các thủ tục hành chính và thủ tục dịch vụ công; cung cấp và chia sẻ tài nguyên số về giáo dục.

Nhờ thực hiện tốt quá trình chuyển đổi số trong dạy và học, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 125 học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 63 huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Điểm nhấn đáng chú ý là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, cao hơn năm trước 13 đơn vị.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện tại có 674 trường đang sử dụng phần mềm quản lý nhà trường của VNPT và Viettel, trong đó có 232 trường mầm non, 180 trường tiểu học, 145 trường THCS, 72 trường TH - THCS, 27 trường THPT, 7 trường THCS&THPT, 2 trung tâm GDTX, 9 trung tâm GDTX và GDNN - GDTX.
Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Số hóa trường lớp cũng như công tác giảng dạy, quản lý điều hành nhằm xây dựng các trường học thông minh là điều mà nhiều địa phương đang áp dụng để thúc đẩy chuyển đổi số. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường học trực tuyến kêt nối thầy - trò

Là địa phương tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, các đơn vị thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đạt được nhiều kết quả khả quan trong quá trình chuyển đổi số với mô hình xây dựng trường học trực tuyến. Đơn cử có thể kể đến ngành Giáo dục quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đan Phượng, Cầu Giấy…

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, hiện nay 100% các nhà trường trên địa bàn huyện đã có đường truyền internet. 100% trường tiểu học, THCS, 9/18 trường mầm non có phòng tin học. 93,3% phòng học được trang bị thiết bị CNTT hỗ trợ giảng dạy như máy tính, máy chiếu, tivi... Đặc biệt, 100% trường học đã lắp đặt hệ thống camera ở những nơi xung yếu với tổng số 1.220 mắt nhằm đảm bảo công tác an ninh, an toàn trường học.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Máy tính, máy chiếu,... được đưa vào trường học để hỗ trợ giảng dạy tốt hơn

Về công tác quản lý, hiện nay 100% các nhà trường triển khai, thực hiện các phần mềm của Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND huyện Đan Phượng; 80% sổ sách trong các nhà trường đã được số hóa. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ số đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đơn cử, nhờ áp dụng phần mềm ôn tập trực tuyến mà kết quả điểm thi môn Lịch sử của huyện năm học 2021 - 2022 tăng 1 điểm so với năm học trước”.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, trường THCS Đồng Tháp, huyện Đan Phượng còn đưa tiêu chí này vào đánh giá thi đua; Đồng thời thành lập một nhóm cán bộ cốt cán để hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên cũng như học sinh. Hiện nay, ngoài 16 thư mục phục vụ quản lý, điều hành trực tuyến, nhà trường còn thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến, giúp các em dần làm quen với phương thức này. “Đặc biệt, hệ thống học liệu gồm 500 bài giảng được đưa lên thư viện điện tử của nhà trường để học sinh có thể tra cứu mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện”, Hiệu trưởng trường THCS Đồng Tháp Bùi Văn Tấn cho biết.

Trường học trực tuyến kiểu mẫu

Là một trong những cơ sở thực hiện xuất sắc chuyển đổi số trong giáo dục, quận Ba Đình đã xây dựng thành công mô hình trường học trực tuyến, ở đó có thể đồng thời triển khai nhiều hoạt động trong tổ chức, quản lý, dạy - học, giao bài tập… là cần thiết.

Đầu năm học 2021 - 2022, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tổ chức nghiệm thu đề tài “Xây dựng mô hình trường học trực tuyến mẫu” tại trường THCS Nguyễn Trãi đã tạo cơ hội cho 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Ba Đình ứng dụng hiệu quả mô hình này. Quản trị nhà trường trở nên khoa học, thuận lợi, dễ dàng hơn so với trước đó.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT Quận Ba Đình (TP Hà Nội) tham gia trao đổi giúp các trường
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT Quận Ba Đình (TP Hà Nội) tham gia trao đổi, hướng dẫn các đơn vị xây dựng mô hình trường học trực tuyến

Cô Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, chia sẻ: “Để xây dựng mô hình này, chúng tôi tập huấn cho giáo viên cách sử dụng nền tảng Google Classroom; Lập các địa chỉ email cho nhà trường, cán bộ, giáo viên và nhân viên theo tên miền @badinhedu.vn; Lập email cho 100% học sinh toàn trường theo mẫu thống nhất để quản lý; Tạo lập các phòng học, phòng làm việc trên email trường học trực tuyến; Phân quyền cho người tham gia các phòng làm việc, phòng học và tổ chức các hoạt động giáo dục trên Classroom...”.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường bồi dưỡng kỹ năng CNTT, vận hành trường học trực tuyến, lớp học trực tuyến cho 100% cán bộ, giáo viên nhà trường, tập trung vào các chuyên đề: Tạo câu hỏi, bài kiểm tra, bài học online; Xây dựng ma trận đề kiểm tra và bảng đặc tả; Sử dụng Google biểu mẫu trong kiểm tra đánh giá…

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Trường THCS Nguyễn Trãi cũng đầu tư nâng cấp hệ thống đường truyền Internet, mua bổ sung máy tính, máy in, camera kết nối máy tính… để phục vụ hoạt động chuyên môn. Qua đó, các tiết dạy học trực tuyến trở nên sinh động, lôi cuốn, phát huy được năng lực và phẩm chất học sinh.

Trên cơ sở bộ nhớ dùng chung của trường học trực tuyến, nhà trường có hệ thống lưu trữ hồ sơ khoa học. Ban giám hiệu và giáo viên có sự kết nối thường xuyên để trao đổi và cập nhật kịp thời những văn bản để thực hiện nhiệm vụ của mình; Có cái nhìn khá toàn diện, đầy đủ mọi hoạt động của nhà trường; Đánh giá hoạt động giảng dạy của giáo viên, chất lượng học tập của học sinh cũng chính xác hơn.

“Qua các bài giảng của thầy cô, tương tác, làm bài kiểm tra trên các phần mềm, em đã thành thạo hơn trong tạo lập văn bản Word, thiết kế bài giảng trình chiếu PowerPoint, biết sử dụng một số phần mềm như Padlet, Kahoot, Blooket….”, em Vũ Nguyên Ly, lớp 9A4 chia sẻ.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Nhờ ứng dụng CNTT trong dạy và học, học sinh tỉnh Lạng Sơn hào hứng với các giờ học trên lớp

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, đến nay, đây là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu 100% trường học ứng dụng công nghệ số, chữ ký số trong công tác quản lý dạy và học. Bước đầu, các nhà trường đang thực hiện ký số trên hồ sơ điện tử gồm sổ điểm, sổ học bạ, sổ đăng bộ.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, để trang bị chữ ký số và triển khai hồ sơ điện tử, Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp chứng thư số cho cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD&ĐT.

Hiện, ngành Giáo dục Lạng Sơn đã trang bị được 17.600 chứng thư số cho tổ chức, cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh; Bước đầu thực hiện ký số trên 3 loại hồ sơ điện tử bao gồm sổ điểm, sổ học bạ, sổ đăng bộ; Tập huấn cho 11 phòng GD&ĐT huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc sử dụng chữ ký số điện tử.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Tại trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn), từ đầu năm 2022 nhà trường triển khai việc sử dụng chữ ký số trên các văn bản, tài liệu điện tử. Không chỉ áp dụng với sổ đăng bộ, sổ điểm, học bạ, mà nhà trường còn số hóa nhiều sổ sách khác như giáo án, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, kế hoạch của giáo viên, báo cáo, điểm nề nếp của học sinh, điểm danh…

Thầy Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Qua sử dụng cho thấy, chữ ký số giúp cán bộ quản lý, giáo viên chủ động trong việc ký duyệt văn bản, tài liệu số. Công việc liên quan đến sổ sách điện tử đã được xử lý nhanh hơn so với thời điểm trước khi áp dụng”.

Nhằm ứng dụng CNTT nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giáo dục, các trường học trên toàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức dạy và học trực tuyến đối với các cấp học tiểu học, THCS, THPT, tổ chức mô hình giờ học kết nối trong các trường trung học.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn: Những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã chú trọng triển khai các hoạt động nhằm đặt nền tảng thực hiện chuyển đổi số. Để thực hiện chuyển đổi số, ngành xác định cần dựa vào các yếu tố quan trọng như: Cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương, chính sách, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên, người học…

Trước hết, ngành tích cực huy động nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học. Điều này góp phần đắc lực giúp thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang tích cực, hiện đại. Ngành hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học bằng cách chuyển dần từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức các hình thức học tập đa dạng hơn.

Nhờ học trực tuyến, Nguyễn Ngọc Bảo, lớp 6A5, trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội đã biết thêm nhiều trang web giáo dục hay, bổ ích, biết thêm phần mềm vẽ sơ đồ tư duy và được tham gia nhiều trò chơi học tập trực tuyến thú vị…
Năm học 2021 - 2022, Lạng Sơn đã thực hiện 236.000 giờ học trực tuyến, hơn 1.000 giờ học kết nối. Giáo viên, học sinh tại các vùng miền khác nhau được kết nối, trao đổi, giao lưu học hỏi trên cơ sở nền tảng ứng dụng CNTT phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện đáp ứng của các nhà trường.
Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Nhiều học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh để học trực tuyến. Giáo viên phải in bài phát đến tận nhà cho học sinh trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đó là những khó khăn diễn ra trong thực tế đối với các trường học vùng khó trong quá trình chuyển đổi số giáo dục. Dù vậy, bằng nhiều biện pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình, các địa phương vẫn đã và đang hết sức cố gắng khắc phục, gặt hái được những thành công ban đầu.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, thầy Nguyễn Thái Dương, Hiệu trưởng trường THPT Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, tâm sự: Dù nỗ lực khắc phục nhưng khó có thể vài lời mà kể hết khó khăn của thầy và trò vùng cao trong thời gian dạy và học trực tuyến. Có những em hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có máy tính, không có thiết bị di động thông minh để kết nối với lớp học. Trong khi đó, nhiều học sinh nhà lại ở xa nhau.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Nhà giáo Nguyễn Thái Dương – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn)

Thế nhưng việc dạy và học vẫn phải diễn ra. Để khắc phục khó khăn ấy, thầy Dương cho biết nhà trường đã linh hoạt vận dụng các biện pháp khác nhau để khắc phục, như vận động nguồn lực xã hội hóa để mua máy tính cho học trò. Không chỉ vậy, trường cũng động viên các em học sinh ở gần nhau, có cùng lịch sử dịch tễ COVID-19 có thể đến nhà nhau học chung thiết bị. Khó khăn hơn nữa, thầy cô của trường THPT Hữu Lũng đã chủ động in phiếu giao bài tập phát đến tận nhà cho học sinh.

Tình cảm ấm áp, sự tận tụy, trách nhiệm, hết mình vì học trò ấy trở thành động lực to lớn thôi thúc các em học sinh vươn lên đạt được thành tích cao trong học tập dù điều kiện vật chất còn thiếu thốn, khó khăn.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, ngành Giáo dục tỉnh hiện gặp khó khăn về hạ tầng, trang thiết bị CNTT.

Theo ông Tuấn, cơ sở hạ tầng CNTT ở các trường học không đồng đều, nhiều đơn vị còn thiếu và đặc biệt khó khăn ở các trường trên địa bàn thuộc vùng 3. Máy tính và thiết bị CNTT chưa được nâng cấp, bổ sung, sửa chữa kịp thời nên hiệu quả khai thác, sử dụng chưa cao.

Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 141 trường tiểu học, THCS và trung tâm GDNN - GDTX chưa có phòng máy tính (20,9%), trong đó có 110 trường tiểu học (16,3%), 28 trường THCS (4,2%), 3 trung tâm GDNN - GDTX (0,4%).

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Để khắc phục khó khăn trong triển khai kết nối Internet băng thông rộng, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viettel, VNPT Lạng Sơn thực hiện chương trình kết nối Internet trường học qua đó thực hiện kết nối Internet đến 100% trường chuyên nghiệp, THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX, phòng GD&ĐT, THCS, tiểu học, mầm non bằng cáp quang hoặc cáp đồng.

Các đơn vị chưa thể kết nối Internet bằng cáp đã chủ động thực hiện kết nối Internet qua sóng di động công nghệ 3G, 4G; Tuy nhiên hiện nay toàn tỉnh mới có 651 trường học đã kết nối Internet cáp quang tốc độ cao (96,4%); Vẫn còn 12 trường học kết nối Internet bằng cáp đồng (1,8%), 12 trường học kết nối Internet bằng 3G, 4G (1,8%).

Người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn đánh giá: Việc chuyển đổi số toàn diện trong ngành Giáo dục đã giúp nâng cao hiệu quả dạy học và quản lý giáo dục, đảm bảo quản lý dạy học chính xác, minh bạch; Góp phần cải cách hành chính, phát huy sức sáng tạo của thầy và trò; Giúp học sinh tiếp cận với phương thức dạy học hiện đại cũng như kĩ năng sử dụng các phương tiện số qua việc kết nối học với các trường quốc tế. Công nghệ số đã giúp những tỉnh khó khăn như Lạng Sơn có thêm cơ hội tiếp cận về kiến thức và công nghệ.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Hòa chung quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của ngành GD&ĐT cả nước, ngành GD&ĐT Hòa Bình đang tích cực thực hiện đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” phù hợp với đặc thù từng địa bàn. Về phương hướng chung, ngành phấn đấu 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học trực tuyến, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Hiện nay, toàn tỉnh có 531 cơ sở giáo dục; Tổng số 230.334 học sinh và 19.635 cán bộ, giáo viên. Quyết tâm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn với lộ trình chuyển đổi số, ngành GD&ĐT tỉnh tích cực huy động mọi nguồn lực để đầu tư đồng bộ trang thiết bị dạy môn Tin học cho các nhà trường.

Tuy nhiên đến nay, thống kê sơ bộ toàn tỉnh còn 214 cơ sở giáo dục chưa có phòng máy tính (gồm 88 cơ sở giáo dục mầm non, 126 cơ sở giáo dục phổ thông). Số máy tính ngành cần trang bị thêm 12.545 chiếc. Phòng máy tính cần lắp đặt mới và lắp đặt lại là 589 phòng… Đặc biệt, tại các điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học rất hạn chế, chưa sẵn sàng đáp ứng các điều kiện cơ bản để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.

Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Quyết Thắng (huyện Lạc Sơn) có con học lớp 2 tại một trường tiểu học trên địa bàn xã cho biết: Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 nên đặt ra nhiều thách thức cho cả nhà trường và gia đình học sinh. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trường áp dụng hình thức học trực tuyến kết hợp trực tiếp và giao phiếu bài tập về nhà cho học sinh. Đối với một địa bàn khó khăn như Quyết Thắng, nhiều gia đình không có thiết bị để con học trực tuyến nên hiệu quả không cao…

Được biết, Hòa Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh chung, lĩnh vực giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thực hiện chuyển đổi số. Theo bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2020 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tỉnh đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Riêng về xếp hạng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố. Với hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, tỉnh gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các chương trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình

Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết: Khó khăn lớn nhất trong triển khai chương trình chuyển đổi số là nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên và cơ sở vật chất trang thiết bị. “Nhận thức phải được đi trước một bước. Chính vì vậy trong những năm qua ngành GD&ĐT Hòa Bình liên tục tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên song song với việc tuyên truyền về chuyển đổi số trong giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng”, bà Tuyến chia sẻ.

Đối với một tỉnh miền núi kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn thì việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục nói chung và cho chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng chỉ có nguồn lực hạn chế đáp ứng được một phần nhu cầu.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình: Máy tính phục vụ dạy học trong các cơ sở giáo dục hiện nay trên 70% đã sử dụng trên 5 năm, cấu hình cũ hỏng hóc nhiều nên không đáp ứng được việc dạy và học theo kịp công nghệ.

Các thầy cô giáo về cơ bản đã có máy tính cá nhân để phục vụ cho việc dạy và học, tuy nhiên do điều kiện kinh tế nên phần các thầy, cô đều tự mua sắm các máy tính có cấu hình thấp, không thể cài đặt được các phần mềm với công nghệ cao. 47% học sinh chưa có thiết bị máy tính, điện thoại thông minh để học tập, nhiều xóm, bản chưa có mạng Internet đây cũng là một khó khăn không nhỏ trong việc triển khai chuyển đổi số tại tỉnh Hòa Bình.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Đáng ghi nhận là đến thời điểm này, ngành GD&ĐT tỉnh đã khởi động lộ trình chuyển đổi số bằng những bước đi bài bản, đúng hướng. Phần mềm SMAS của Viettel và VnEdu của VNPT đã được triển khai đến 100% cơ sở giáo dục, góp phần đắc lực hỗ trợ việc quản lý học sinh, tổng kết điểm và phục vụ cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu toàn ngành.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 CLB hoạt động, nhiều sản phẩm của các CLB đã tham dự các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho học sinh phổ thông; Thanh thiếu niên nhi đồng sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Đặc biệt, năm 2020 nhóm học sinh tiểu học Trường TH&THCS Mai Hịch, huyện Mai Châu, tham dự giải Coolest Projects Malaysia 2020 đã đạt giải Honorable Mention; Năm 2021, nhóm học sinh THCS trường TH&THCS Cun Pheo, huyện Mai Châu, tham gia cuộc thi Coolest Projects Malaysia 2021 đạt giải 2nd Run Up.

Năm 2022 có 3 nhóm với 13 em học sinh từ các trường THPT Công nghiệp, THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Phổ thông DTNT THPT tỉnh Hòa Bình tham dự cuộc thi Olympic phát minh, sáng chế thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Hàn Quốc đã được Ban Tổ chức trao tặng 3 huy chương Vàng. Không những triển khai đẩy mạnh việc dạy khoa học máy tính, giáo dục STEM đến học sinh phổ thông mà ngành Giáo dục Hòa Bình đang triển khai thí điểm đến trẻ mầm non. Năm học 2021 - 2022, ngành đã thí điểm dạy trẻ 4 - 6 tuổi làm quen với lập trình qua phần mềm Scratch Junior, đã triển khai được ở 53 trường với số trẻ tiếp cận gần 5.000 cháu.

Tại các cơ sở giáo dục, 94,6% cơ sở sử dụng FTTH (kết nối cáp quang thuần túy được đi trực tiếp từ nhà mạng), số còn lại đang sử dụng 4G, 3G. Đặc biệt, 100% trường THPT; 72% trường THCS, TH và THCS được trang bị phòng học máy tính có kết nối internet phục vụ dạy học khoa học máy tính và Tin học. Đây có thể coi là những bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi số, giúp ngành GD&ĐT Hòa Bình tích thêm nội lực, tạo đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình có nhu cầu mua sắm mới và thay thế để phục vụ dạy tin học và khoa học máy tính trong các nhà trường khoảng 15.000 bộ máy tính. Hàng năm, lượng máy tính cần thay thế và bổ sung cần khoảng 1.000 chiếc và các trang thiết bị đi kèm. Như vậy nhu cầu kinh phí rất lớn nhưng nguồn lực khó có thể đáp ứng.
Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Chuyển đổi số tạo nên một môi trường giáo dục thông minh, hiện đại, thay đổi không ngừng, buộc tất cả nhân lực trong ngành cũng phải “chuyển đổi” theo. Không thể hòa nhập vào cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 một cách sâu rộng, chất lượng khi mà ngành Giáo dục không bắt nhịp, đi đầu để làm bệ phóng cho nguồn nhân lực cao trong tương lai.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Chuyển đổi số với lớp trẻ vốn đã chẳng dễ dàng. Với thế hệ giáo viên “tuổi hưu” đang cận kề, ngại công nghệ, việc sử dụng các app giao bài, các phần mềm trực tuyến dạy và học thật sự trở thành một thách thức không hề nhỏ. Sự chuyển động không ngừng của ngành Giáo dục và cuộc sống buộc họ phải bắt nhịp để không bị loại khỏi guồng quay.

Đó cũng là bài học, là tấm gương sáng cho học sinh và cả xã hội noi theo. Đến các thầy cô giáo già còn phải thay đổi liên tục, tiên tiến để bắt kịp thời đại, để ngành Giáo dục liên tục vận động, cải tiến thì những lực lượng khác cũng sẽ làm được.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Thầy Nguyễn Thái Dương - Hiệu trưởng trường THPT Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho biết trường có khoảng hơn 10 giáo viên với độ tuổi trên 50. Dù không muốn nhưng chắc chắn với lứa tuổi này, các thầy cô giáo cũng rất khó khăn trong việc nắm bắt công nghệ để truyền thụ kiến thức cho học sinh theo phương cách hiện đại. Đối với các giáo viên này, nhà trường bố trí phương án để giáo viên trẻ hỗ trợ. Cố gắng tròn vai chứ chưa hẳn là xuất sắc tuy nhiên đó cũng là nỗ lực rất lớn. Bởi ngoài kinh nghiệm, ngoài kiến thức tích lũy được khi tuổi nghề dày dặn thì các thầy cô cũng đã “vượt lên chính mình” để hòa nhịp vào với yêu cầu của tình hình đặt ra.

Ngoài ra ngành Giáo dục Lạng Sơn có phong trào "đồng nghiệp giúp đồng nghiêp". Đây là mô hình rất hay, phát huy hiệu quả. Theo đó, mỗi giáo viên tự đánh giá lĩnh vực mình yếu, cần hỗ trợ để đề xuất và nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Bà Hà Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh tặng giấy khen cho công đoàn cơ sở có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp phát triển, giúp đỡ học sinh tiến bộ”

Bà Hà Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp phát triển, giúp đỡ học sinh tiến bộ”, Công đoàn ngành đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với ban giám hiệu và tổ chuyên môn tiến hành rà soát chất lượng giáo dục tại các nhà trường. Cùng với đó là hoạt động tăng cường dự giờ, kiểm tra hồ sơ chuyên môn, đánh giá giáo viên để có hướng bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng dạy; Đánh giá phân loại học sinh để có giải pháp bồi dưỡng học sinh chưa đạt chuẩn và thành lập nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Quán triệt nội dung của phong trào, công đoàn các nhà trường xác định nội dung “Giáo viên giúp đỡ giáo viên” gồm giúp đỡ: Về chuyên môn, ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác, các kỹ năng khác, nhất là kỹ năng sư phạm. Qua đó, đội ngũ nhà giáo đã động viên, chia sẻ giúp nhau thực hiện tốt nhiệm vụ, sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản lý, giảng dạy.

Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn cũng đặc biệt chú trọng đến các phòng trào như: “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp tiến bộ, giúp đỡ học sinh phát triển” theo đó, số giáo viên tham gia giúp đỡ đồng nghiệp phát triển 6.884, số giáo viên được giúp đỡ 7.149; Số giáo viên tham gia giúp đỡ học sinh tiến bộ 12.246, số học sinh được giúp đỡ 26.260.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Cô giáo Phạm Minh Nguyệt (trường THCS Trưng Vương, Mê Linh, Hà Nội) cho biết ban đầu mình cũng rất lúng túng và thực sự là ngại khi bắt tay vào giảng dạy trực tuyến trong thời gian dịch bệnh. Có những lúc cô cảm thấy hoang mang và nản vì có quá nhiều thứ phải làm quen, phải học từ đầu. Trong khi đó, việc quản lý một lớp học hoàn toàn bằng hình thức online đã chiếm rất nhiều thời gian cho việc đôn đốc các con học hành, duy trì nề nếp, học lực…

Rất may, vì thường xuyên được ngành Giáo dục tổ chức các lớp tập huấn để cập nhật kiến thức mới, bản thân cũng thường xuyên soạn giáo án, nghĩ ra các phương pháp giảng dạy mới nên cô Nguyệt cũng đã vượt qua được phút bỡ ngỡ ban đầu, nhanh chóng bắt nhịp và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học, đảm bảo lứa học sinh đầu cấp của mình học tốt, tiếp nhận được đầy đủ kiến thức thầy cô truyền dạy.

“Sự giúp đỡ của các giáo viên trẻ, giáo viên thạo công nghệ, các buổi tập huấn của trường, của Sở Giáo dục là rất quan trọng. Điều này tiếp thêm động lực, thêm kiến thức, thêm kỹ năng và thêm cả sự tự tin cho những giáo viên thuộc vào hàng lớn tuổi như tôi”, cô Đỗ Thị Minh Khang, giáo viên trường Tiểu học Quất Lưu (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chia sẻ. Khó cũng phải học, ngại cũng phải làm, đó không chỉ là yêu cầu của công việc trong tình hình bắt buộc mà còn là sự tiến bộ, là danh dự của bản thân, cô Khang tâm sự.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

“Các con bây giờ vừa thông minh vừa nhanh nhạy. Mình không đi trước, không thành thạo để các con chê cười thì khó có thể đứng trên bục giảng dạy các con được”, đó là tâm sự của một giáo viên trẻ. Trên thực tế, các em học sinh được tiếp xúc với điện thoại thông minh, với công nghệ từ bé nên sử dụng rất thành thạo các thiết bị, học nhanh, nắm bắt nhanh. Đã có nhiều thiết bị, nhiều phương tiện mà giáo viên phải nhờ đến học sinh hướng dẫn cách sử dụng. Điều đó cho thấy, các con luôn sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, làm chủ công nghệ, làm chủ các phương tiện trong thời đại số.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Học sinh và giáo viên nhanh chóng nắm bắt công nghệ để dù dịch bệnh nhưng việc học không bị gián đoạn

Vì thế, lấy học sinh làm động lực của sự sáng tạo là điều mà nhiều giáo viên trẻ tâm niệm. Thế hệ các con gắn liền với cách mạng công nghiệp, gắn liền với xu thế phát triển của thế giới. Nếu giáo viên không “chuyển đổi”, không năng động, không bắt kịp nhịp phát triển của thế giới tức là tự kéo lùi tốc độ hòa nhập của học sinh, rất thiệt thòi cho các em. Mỗi giáo viên trẻ đều nên tự biến mình thành một “bài học sống” trong việc nắm bắt và sử dụng công nghệ phục vụ cho giảng dạy, học tập.

Chuẩn bị cho việc dạy học online của mình một cách chu đáo và hiệu quả, cô Minh Ngọc (Đồng Xuân, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đã lên mạng tìm hiểu và trang bị cho mình chiếc bảng vẽ điện tử. Thiết bị này kết nối với máy tính, giúp cô thực hiện bài giảng như khi mình viết bài trên bảng và giảng cho học sinh. Điều đó giúp giáo viên vẫn như đang giảng dạy trên lớp như thói quen xưa kia mà những gì cô viết trò đều có thể nhìn thấy trên màn hình thiết bị học tập của mình.

Cô Ngọc còn mua tặng cũng như giới thiệu tới các đồng nghiệp của mình thiết bị này để các thầy cô cũng được tận hưởng những ưu thế, tiện lợi mà các công nghệ hiện đại mang tới cho ngành Giáo dục.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Nhiều thiết bị công nghệ được sử dụng để đảm bảo việc giảng dạy được thuận lợi, bao quát được tất cả học sinh

Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân (trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) cho biết để dạy online cô đã dùng cả máy tính, máy tính bảng. Thường một thiết bị đăng nhập để quan sát camera của học sinh nhằm kiểm soát xem các em có tập trung học bài hay không. Bên cạnh đó, cô Xuân cũng sử dụng các thiết bị hiện đại như bảng, bút điện tử, và nhiều phần mềm hỗ trợ tối đa để việc dạy và học đạt kết quả cao nhất.

Như vậy, với các thầy cô giáo trẻ, đương nhiên sẽ tạo nên một thế hệ giáo viên đi đầu, sáng tạo, nhanh nhạy để có thể hướng dẫn được cho lứa học sinh vừa thông minh vừa nắm bắt công nghệ rất nhanh. Đó là bệ phóng của nhân lực cao, là động lực để toàn ngành Giáo dục chuyển mình hòa nhập một cách chất lượng vào cuộc cách mạng công nghệ, đào tạo nên lứa học sinh hoàn toàn làm chủ cuộc sống số trong tương lai.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Cụm từ chuyển đổi số những năm gần đây không còn quá xa lạ, đặc biệt ở các ngành kinh tế, kinh doanh, dịch vụ. Trong giáo dục, phải đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu khiến mọi hoạt động đình trệ, học sinh, sinh viên không thể đến trường chuyển đổi số mới thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới. Chuyển đổi số trong giáo dục rõ ràng không còn là câu chuyện của “tương lai” mà là chuyện “hôm nay”.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Năm 2021, Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025”.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải

Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Sơn Hải cho biết: Mục tiêu chung của Đề án là thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện cơ chế chính sách; Đổi mới quản trị, quản lý Nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học; Phát triển nhân lực số. Trong đó, sẽ triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học; Triển khai các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số.

Đồng thời, phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, bài giảng điện tử, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử; Triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; Nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học đảm bảo quản lý và làm việc hiệu quả trên môi trường số…

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Cho ý kiến về dự thảo đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng: Chuyển đổi số của ngành Giáo dục cần làm sớm hơn vì nó tác động rất nhiều đến chất lượng đầu ra của giáo dục, đào tạo. Đầu ra đó chính là nguồn lực cho doanh nghiệp, cũng như nguồn lực chính để chuyển đổi số quốc gia.

Nhận định chuyển đổi số trong giáo dục không khó về công nghệ mà vấn đề ở nhận thức, thay đổi thói quen; Cùng với đó là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho chuyển đổi số giáo dục… ông Lê Đăng Dũng đưa ra 3 việc lớn cần làm. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành; Cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó để xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành. Cuối cùng là xây dựng các nhà trường thông minh.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Khẳng định tính cấp thiết của thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục tuy nhiên, thầy Nguyễn Thái Dương - Hiệu trưởng trường THPT Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn hiện hữu, đặc biệt đối với giáo dục vùng khó về trang thiết bị, máy móc và cả nguồn nhân lực.

Theo thầy Dương, quá trình chuyển đổi số nên thực hiện theo lộ trình từng bước một để có thời gian cho vùng khó thích nghi, chuyển mình, hội nhập và lĩnh hội.

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực về đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025”, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng chỉ ra có 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết khi triển khai chuyển đổi số trong giáo dục. Nhóm vấn đề đầu tiên là công nghệ. Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến con người, học liệu, phương pháp học tập. Nhóm cuối cùng là quản trị và chính sách. Cụ thể, quản trị từ Bộ đến các nhà trường phải thay đổi, kèm theo đó là chính sách kịp thời để công nhận kết quả ứng dụng được từ CNTT và chuyển đổi số.

Khẳng định tính cấp thiết, thời sự nhưng cũng lâu dài của chuyển đổi số trong giáo dục, tại phiên họp của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban giáo dục và phát triển nhân lực cho biết, ngành Giáo dục xác định ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục và đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên, với hy vọng 5 -10 năm sau công cuộc chuyển đổi số của ngành sẽ đạt kết quả.

Để có được hành động quyết liệt trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có hướng cho những tiện ích, lợi thế được thể hiện. Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn.

Học sinh Hà Nội xuất sắc giành Huy chương Vàng trong cuộc thi Olympic Toán quốc tế
Học sinh Hà Nội xuất sắc giành Huy chương Vàng trong cuộc thi Olympic Toán quốc tế

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, mà phạm vi vô cùng rộng lớn, ở đó tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác đang thực hiện sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành. Chuyển đổi số cũng không phải để thay cho yếu tố thực tại, trực tiếp, sinh động mà các yếu tố thực tại được đặt vào chuyển đổi số, qua đó vận hành tốt hơn, kết nối hơn, rộng mở hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn, làm cho công cuộc vận hành giáo dục trong thực tại hiệu quả và chất lượng hơn.

Đề cập đến một số vấn đề được cho là “khó” khi triển khai chuyển đổi số giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; Là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; Là nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số; Là sự chuẩn bị của thể chế, hệ thống văn bản quản lý điều hành; Là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là đột phá, vì vậy, sẽ phải từng bước khả thi hóa từng nội dung, mục tiêu đặt ra.

"Nếu thực hiện tốt, chuyển đổi số giáo dục sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học. Hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành Giáo dục", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Bài viết: Thu Ngà - Hương Giang

Đồ họa: Phạm Mạnh

Chuyển đổi số trong giáo dục - bệ phóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Phạm Mạnh