Thứ ba 19/03/2024 14:12 Hotline: 0929242424 Email: [email protected] congan.hanoi.gov.vn

Dấu ấn nền hành chính Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới

Thời sự -
In bài viết

TTTĐ - Từ cơ chế “xin - cho”, là nỗi ám ảnh của người dân và doanh nghiệp, nền hành chính Thủ đô đã lột xác toàn diện trong 10 năm qua. Giờ đây, người dân ở thành thị hay vùng nông thôn đều đang được hưởng những tiện ích của nền hành chính phục vụ và hiện đại.

Dấu ấn nền hành chính Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới

Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Nhanh chóng và thuận tiện

Nhận kết quả đăng ký khai sinh cho cháu, bà Nguyễn Thị Thắm (xã Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội) vui mừng bày tỏ: “Tôi nghe nói chỉ cần làm trên máy tính nên nhờ người hướng dẫn cách làm khai sinh cho cháu rồi làm theo. Chỉ 2 hôm sau, tôi đã nhận được cả giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho cháu mà không cần phải ra UBND xã”.

Nhớ lại trước đây, dù làm bất kỳ một thủ tục phức tạp hay đơn giản nào, bà Thắm cũng phải tới trụ sở ủy ban, tự kê khai hồ sơ giấy tờ. Nay không những việc này được cán bộ tại bộ phận một cửa thực hiện mà bà cũng không phải đi lại nhiều, chỉ cần xác nhận thông tin và chờ kết quả. Đi làm thủ tục hành chính (TTHC) bây giờ với bà Thắm dễ như “mơ”.

Gắn bó với công việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính trong hơn 10 năm qua, chị Đào Thị Thịnh, công chức tư pháp hộ tịch của bộ phận một cửa xã Yên Bình cho biết: “10 năm trước, các thao tác nhập và sao lưu dữ liệu được thực hiện thủ công thì đến nay, công việc này đã trở nên thuận lợi hơn nhiều nhờ phần mềm riêng. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh liên thông TTHC giữa các huyện - xã thời gian giải quyết TTHC nhanh hơn, giảm phiền hà và nhũng nhiễu cho người dân. Trách nhiệm của từng bộ phận chức năng được rõ ràng và công khai hơn. Tại UBND xã Yên Bình, hiện 95% hồ sơ được giải quyết trước hạn.

Không chỉ tại Yên Bình, hiện nay 100% TTHC cấp huyện và xã của huyện Thạch Thất được tiếp nhận và trả hồ sơ giải quyết qua bộ phận một cửa. Trong đó, nhiều TTHC được thực hiện ở mức độ 3, cho phép người dân có thể gửi hồ sơ qua mạng vào bất cứ thời gian nào, ở bất cứ đâu.

Ông Đỗ Doãn Hoàn, Bí thư huyện ủy Thạch Thất nhớ lại thời điểm 10 năm trước, khi đó Thạch Thất là huyện nghèo, lại sáp nhập thêm 3 xã miền núi khó khăn của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khi công tác tổ chức bắt đầu ổn định, huyện cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức đoàn công tác sang Long Biên (quận dẫn đầu Hà Nội về CCHC) để học tập kinh nghiệm. Cầu thị và bền bỉ, đến nay Thạch Thất đã vươn lên vị trí cao trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC của Hà Nội. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân đạt rất cao.

Người dân làm thủ tục hành chính tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất
Người dân làm thủ tục hành chính tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất

Cùng với Thạch Thất, tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính được các đơn vị triển khai quyết liệt, sáng tạo. Nhớ lại thời điểm cuối năm 2016, khi mới triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp xã trong lĩnh vực tư pháp, ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Đại Hùng (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Thời gian đầu thấy phải điền thông tin trên máy tính, người dân bỡ ngỡ và rất ngại nên cán bộ thường phải làm thay, khiến áp lực công việc rất lớn. Sau khi chúng tôi hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận một cửa, phát tờ rơi, thông báo trên loa truyền thanh, tuyên truyền tại nhà văn hóa… thì người dân biết và tự nộp hồ sơ qua mạng khá nhiều”.

Sau khi được trang bị máy tính, đường truyền mạng, công chức, viên chức xã Đại Hùng cũng được cử theo học các lớp tập huấn để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Do đó, xã Đại Hùng giải quyết hồ sơ hành chính sớm, đúng hạn cho công dân.

Những thay đổi lạc quan

Những năm đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, trong bộn bề công việc cần làm sau sáp nhập có công tác cải cách và hiện đại hóa nền hành chính. Đây vốn là công việc khó vì liên quan đến con người và hạ tầng kỹ thuật với sự đầu tư lớn và đồng bộ. Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, đến nay tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn, các Sở, ngành của thành phố đều bố trí bộ phận một cửa để giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Việc giải quyết TTHC tại phòng chuyên môn hầu như không còn. Quy trình giải quyết TTHC được niêm yết công khai để người dân thuận tiện tìm hiểu, tra cứu.

Thành phố đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cải cách TTHC, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, xây dựng, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Song song với đơn giản hóa TTHC, thành phố đã triển khai các kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng lộ trình, bài bản, chuẩn hóa và đồng bộ. Đến nay, thành phố đã đưa vào hoạt động hơn 600 dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, nhiều đơn vị còn sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Nếu như các quận Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông bố trí các điểm hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại khu chung cư, tổ dân phố thì huyện Chương Mỹ lại tiên phong thành lập câu lạc bộ tin học cựu chiến binh và người cao tuổi. Nhiều quận, huyện khác đẩy mạnh tuyên truyền tại các cuộc họp, hoạt động tại tổ dân phố và phát tờ rơi đến tay người dân…

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thành phố chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ trực tiếp giao dịch với công dân.

Năm 2017, tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đạt 97,33% trong toàn thành phố. Trong đó, ở các Sở, cơ quan tương đương Sở là 99,98%, ở các UBND cấp huyện đạt 95%, UBND cấp xã đạt 97%. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả" và tinh thần "một việc - một đầu mối xuyên suốt", công tác CCHC tại Hà Nội đã có những bước chuyển rõ nét. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012. Năm 2016, PCI tăng 10 bậc và xếp thứ 14, năm 2017 xếp thứ 13 trong số 63 tỉnh, thành phố, là vị trí cao nhất từ trước tới nay (năm 2008 PCI của Hà Nội ở vị trí thứ 31, PCI của Hà Tây là thứ 55 trong 64 tỉnh, thành phố). Chỉ số CCHC xếp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố, tăng một bậc so năm 2016; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng ba bậc so năm 2016...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nhấn mạnh, thành phố coi CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính "phục vụ".

Nhìn lại những đổi thay của nền hành chính Thủ đô trong 10 năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan tin tưởng, những kết quả ấy sẽ là nền tảng quan trọng, tạo bệ phóng để thành phố tiến tới thực hiện mục tiêu là địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, top 10 địa phương có chỉ số PCI đứng đầu cả nước năm 2020...

Tú Linh
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Tin khác
[Xem thêm]
Nghiêm cấm cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, lôi kéo khách

Nghiêm cấm cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, lôi kéo khách

TTTĐ - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng chèo kéo, tranh giành khách quá mức làm méo mó thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm và công ty bảo hiểm. Luật đã nghiêm cấm việc cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.
Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2024

Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2024

TTTĐ - Sáng 17/3, trên đường Lê Lợi (Quận 1, TP HCM), Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức bế mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024 và trao các giải thưởng báo chí, chính thức khép lại 3 ngày diễn ra hội báo quy mô nhất từ trước đến nay.