Tag
Thanh Hóa:

Gió từ bờ Diêm Phố

Phóng sự 05/08/2019 16:11
aa
TTTĐ- Cái làng chài nhỏ ven bờ Hậu Lộc xứ Thanh (Thanh Hóa), có tổng giá trị thu nhập hàng năm tương đương cả một huyện Quảng Xương, nhưng đời sống ngư dân vẫn khổ. Chuyện nghịch lý ấy, bao đời nay, người Diêm Phố đã coi đó là quy luật...

Gió từ bờ Diêm Phố

Bình minh, thuyền cập bến.

Trên bản đồ địa giới hành chính, nay Diêm Phố có tên Ngư Lộc, nhưng người bản xứ vẫn quen gọi làng với cái tên xưa. Ngôi làng hướng mặt ra biển, được cắt thành từng mảnh méo mó bởi những con ngõ thò thụt, lem nhem. Làng nhỏ thó, nhỏ đến mức có thể lọt thỏm dưới một đám mây chiều. Đứng ở cuối làng, nghe âm u phong thanh cơn gió từ đầu cồn sóng, thảng qua đã chạm mặt. Hơn 17.000 người đang sống chen chúc nơi xã đảo chon von, chỉ khoảng 0,46 cây số vuông ấy.

Ngoài 100 hải lý

Mưa từ đêm chưa ngớt. Trời ngầu đục. Bình minh tím tái trên cao. Những căn chòi cựa quậy nhả ra sau tấm thưng lá dừa từng bóng người nghiêng ngả. Ngư dân đó. Họ còn ngái ngủ. Mùi tanh rất gần, ngầy ngụa. Tôi đã say cái vị mặn mòi ấy, như ngấm vào phế phủ. "Ðàn bà hay đàn ông ở đây đều xức "nước hoa" - Khương, cô gái "trí thức" nhất làng tếu táo. Răng em hươm hươm màu vẩy cá. Lấp lóa. Thuyền ra khơi tựa ong vỡ tổ. Lốm đốm xa gần. Trời như buông bút chấm xuống đại dương hàng trăm nét thảo.

Thuyền trưởng Lê Văn Ðức, ngoại ngũ tuần, cao lênh khênh, bóng kéo dài từ lòng khoang đến cuối mui rồi gập vào mặt biển. Giọng anh ngồm ngộp tiếng sóng, át cả thanh âm 90 mã lực: "Mươi năm trước, ra khơi khoảng 40 hải lý đã đánh bắt được, nhưng giờ biển không còn giàu thế. Thuyền cỡ nhỡ phải tới ít nhất 60 hải lý, thuyền lớn thì ngoài 100 hải lý mới mong thu đủ vốn". "Một tháng thu nhập khoảng bao nhiêu?", tôi hỏi. "Cái này khó nói, nếu thời tiết ổn định, mỗi tuần ra khơi hai chuyến, có khi ba chuyến, tùy vào lượng cá đánh bắt, đầy khoang về sớm, ít thì ham ở lại, mỗi thuyền năm đến bảy người, còn "trả lương" cho họ nữa, cũng căn theo lượng cá thu được". "Làm thế nào để nắm bắt được khí hậu khi ở ngoài khơi?". "Không có tiền đầu tư, chúng tôi chỉ dùng ra-đi-ô hàng hải xác định, bộ đàm gọi thông báo tin tức cho nhau, vì vậy nếu thời tiết quá xấu, sóng liên lạc không truyền dẫn được, các thuyền trưởng chỉ còn biết dựa vào hướng gió theo kinh nghiệm đi biển lâu năm để "tự cứu". Có khi áp thấp nhiệt đới, sức gió quá mạnh, thuyền yếu không kịp chạy nấp, đành buông xuôi, chạy lòng vòng, hàng tuần lễ mới về được".

Nhớ lại cơn bão số 5 (tháng 6-1996), do dự báo thời tiết không kịp thời, phương tiện đánh bắt khi đó thô sơ, một thảm họa Ngư Lộc đau xót xảy ra, 60% ngư dân trong làng thiệt mạng. Khương kể cho tôi nghe câu chuyện thương tâm về chính gia cảnh nhà mình. Người anh rể đã bỏ mạng trong cơn bão tàn khốc năm đó, để lại người vợ góa son trẻ, hơn 20 năm nay vẫn phòng không đằng đẵng, chiều xuống ngơ ngẩn ngồi bên rổ cá cuối góc chợ làng. Từ bấy tới giờ, Ngư Lộc phải hứng chịu không biết bao trận bão lốc, và ít ai ngờ, cái làng chài nhỏ bé ấy lại có đến hơn 200 góa phụ.

Thuyền cắm neo đánh bắt gần bờ
Thuyền cắm neo đánh bắt gần bờ

... Mặt trời chìm dần vào bụng biển. Thủy triều cất lời rì rầm theo từng rãnh sóng. Những đàn bướm đá la đà trên các mỏm núi nhấp nhô ba đào. "Năm nay chim sảnh về không nhiều", Khương bảo. Sảnh về báo hiệu sẽ có cá gúng, biển được mùa, "một con cá gúng bằng một thúng cá đối". Tối rất nhanh. Trăng lấp ló. Lân tinh biển ngời sáng tựa những chòm sao hội họp. "Cá, cá đối...", tiếng ai đó reo lên, rồi tiếng thừng lật bật chạy trên sàn gỗ. Vàng lưới vun vút từng thước lao xuống biển. Phao lần lượt giăng hàng. Khương vội vào buồng máy kéo ra ngọn điện 150W. Quá nửa đêm, mẻ lưới cất lên, ước chừng hơn hai tấn cá.

Biển “khát”!

Cuộc hành trình sang ngày thứ ba. Nắng nhè nhẹ len vào khoang thuyền. Chúng tôi đang về sải nước 25. Xa xa, triền đê lờ mờ ôm lấy mặt làng, biển Hậu Lộc như chiếc giường băng khổng lồ soi trọn từng góc cạnh. Qua bến Ma – một vịnh xoáy nhỏ tối tăm, xưa dân chài hay thả lưới. Ở bến đó, cách đây ba năm, tôi đã gặp thầy giáo Đào Thanh Hương, một trong những người con ưu tú được vinh danh của xứ Thanh. Thầy viết câu chuyện Bến Ma để kể về đời mình, với tuổi thơ tật nguyền, cùng mẹ ngày ngày bươn chải trên bến. Nay, người thầy mất hai bàn chân và cụt một cánh tay ấy đã là cử nhân, đang ươm mầm cho tuổi trẻ trong làng.

"Chưa ở đâu, nghề biển lại "khát" như nơi đây. Gió vốn từ biển thổi vào, còn ở Diêm Phố... gió thổi từ bờ ra". Đòng đưa lắm!

Biển làm nên bao câu chuyện cổ tích miền Diêm Phố, dù ngàn đời nay, biển lấy đi vô vàn thứ của làng. Có mùa bão lũ, Ngư Lộc kiệt quệ, đến mức bão đi qua cũng vậy, bởi chẳng còn gì để xóa nữa. Song, vùng quê ấy vẫn tồn sinh mãnh liệt. Có những người mẹ, người vợ góa chồng, cả đời chạy chợ nuôi con vào đại học; có cô bé được học bổng tu nghiệp nước ngoài, khi trở về, cha đã mất ngoài khơi… Tôi đã ở cùng họ, nhìn mắt họ rưng rưng, lầm lũi theo những quan tài tới các làng bên. Lâu nay, vì đất chật không còn chỗ, Diêm Phố vẫn phải đem người chết đi chôn nhờ.

Gió nồm hầm hập, táp vào những khuôn mặt ngư dân đen xạm. Trước mui, Khương ngồi lui cui, vá lại tấm lưới mắt cáo loang lổ rách. Thuyền trưởng Ðức giọng hanh hao: "Mới hơn bảy năm mà con thuyền "già" thảm hại! Biết thế, ngày trước mua cái nhỏ thôi, có khi dễ sinh vốn, liệu bao giờ mới trả hết nợ... Còn gần 300 triệu lận...". Dáng anh ngồi cong veo, tư thế của người đứng buồng lái gần 30 năm, khói thuốc lá cheo leo quanh rìa mắt. Sàn thuyền vỡ thêm năm tấm ván. Vàng lưới đến kỳ thay. Máy đi-ê-den sắp tàn… Những thống kê thường nhật, sau mỗi chuyến ra khơi.

Xã Ngư Lộc có tổng số 317 tàu, thuyền khai thác thủy sản, tổng công suất 38.855 CV, có thể đánh bắt xa bờ trên 100 hải lý, còn lại thuyền trung bình, cỡ nhỏ. Thực hiện Quyết định số 289/QÐ-TTg của Chính phủ, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa đã có chính sách hỗ trợ trong mua sắm, đóng mới tàu công suất từ 90 CV trở lên, hoặc hoán đổi máy tiêu hao ít nhiên liệu cho các phương tiện công suất nhỏ. Ðồng thời, hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách thêm 30% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, phao cứu sinh.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ này lại quá thấp so với đầu tư của ngư dân. Ở Ngư Lộc, đến 90% số hộ giàu kinh nghiệm, gắn bó lâu năm với biển phải "tự sinh vốn", buộc lòng vay "lậu" với lãi suất cắt cổ, 100 triệu thì trả lãi bảy đến tám triệu đồng/tháng. Ngư dân gõ cửa ngân hàng, lại va đầu vào thủ tục, phải thế chấp tài sản, song họ "vặn" đâu ra món gì đủ lớn, trong khi tàu cá là phương tiện sản xuất hệ số rủi ro cao. Thời gian vay ngắn, chỉ từ một đến ba năm như thách đố ngư dân trả nợ. Hàng loạt bất cập từ tổ chức, tập trung vùng nguyên liệu chế biến, thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ... đang bủa vây nghề biển, đặc biệt với các đội khai thác xa bờ. Tàu thuyền đều có sổ đăng kiểm, mỗi tháng nộp thuế cộng phí đi lại gần 400.000 đồng, chưa kể tiền bảo đảm môi trường, phao cứu trợ... Ngoài những khoản cố định, chủ thuyền còn trả lương cho nhân viên, bình quân mỗi thuyền bảy người trở lên. Chi phí bóng, dầu, điện máy, sàn, vàng lưới... mỗi năm thuyền nhỏ phải khấu hao từ 60 đến 70 triệu đồng, thuyền lớn thì gấp đôi.

"Tết năm rồi, giở sổ tính gom được hơn 200 triệu đồng, nhưng trừ mọi chi phí, thấy lãi ra... vài chục cân cá! Thuyền của tôi mua phải huy động cả cổ phần của ông bố vợ và em trai, cộng với đi vay, mỗi tháng nguyên trả lãi đã mất 10 triệu, khấu hao ngư cụ mất gần 30 triệu... Nhìn vào tưởng lớn, nhưng là giá trị thu nhập ảo, không khéo lỗ! Mà giờ lỗ thật, thuyền nát quá rồi! Giờ thanh lý may được một phần ba vốn gốc...", anh Ðức thở dài.

... Thuyền cập bến!

Sửa chữa tàu sau mỗi chuyến ra khơi.
Sửa chữa tàu sau mỗi chuyến ra khơi.

Sóng trườn lên mình cát. Hoàng hôn quấn tím cánh buồm. Góc làng, lác đác người đi ra ngôi miếu thờ 344 vong hồn, những ngư dân bỏ mạng dưới biển sâu cách đây ngót thế kỷ. Thi thoảng, vài cây nhang cháy dở lâu ngày bị gió mang đi lang bang, thả lềnh bềnh mặt nước. Trước bãi, từng hàng người cắp rổ đứng du dương như gió hôn cây lô nhô trong bão. Những người vợ đang chờ chồng và chờ cá.

"Sắm ngựa chưa học cầm cương"

Nửa đầu những năm 90 (thế kỷ trước), nghề biển ở Ngư Lộc phát triển mạnh, không cần ra khơi quá xa cũng có thể thu được lợi nhuận. Bấy giờ, một số cá nhân muốn làm ăn lớn, có người quen thân làm chủ nhiệm, kế toán trong xã, huyện hay "chân rết" trên các sở, ty nên vận động được dự án vay, sắm thuyền đánh bắt xa bờ. Nhưng bi hài nỗi, đa số họ không có kinh nghiệm nghề biển, nên khi biển không còn cung cấp dễ dàng nữa thì thua lỗ. Theo năm tháng, những con "thuyền nhà nước" được "bồi dưỡng" vốn ưu đãi nằm chết cạnh bờ, mục ruỗng, han gỉ. Khương tếu táo: "Anh đi nhiều, thấy ở đâu có chuyện đáng cười hơn không? Người cần chả được, người không cần thì... Buồn thật". Thực là, sắm ngựa mà chưa học cầm cương!

Đội tàu khai thác xa bờ.
Đội tàu khai thác xa bờ.

Tờ mờ sáng. Chợ cá bắt đầu nhen. Khương cùng mẹ ngồi cân và phân loại. Câu chuyện em kể vẫn loáng thoáng trong tiếng mặc cả lao xao. "Trước, nghe đâu Nhà nước thanh lý tàu thuyền "bỏ hoang" đó, nhưng để ngư dân nghèo, gắn bó lâu năm với biển mua được thì khó lắm, nhiêu khê lắm. Ngư dân mong ngóng được mua, mọi người sẽ góp tiền hoặc thầu hay trả góp càng tốt". Mẹ Khương, người đàn bà vượt cạn một mình trong túp lều trước biển, gần 20 năm chờ chồng lênh đênh theo sóng, mặt cúi gằm, thi thoảng đón lời: "Tao chả cần thuyền lớn thuyền nhỏ, lỗ chổng vó, chỉ cần huyện lo được đầu ra cá mú cho dân nhờ". "Vậy nguồn tiêu thụ chính ở đâu?", tôi hỏi. "Giờ 80% qua trung gian các doanh nghiệp cá xuất sang tít Trung Quốc, 20% tiêu thụ giá bèo ngay tại chợ. Ðàn ông đi biển, vợ con ở nhà thất nghiệp. Vừa thừa lại vừa thiếu sức lao động. Nếu có cái nhà máy chế biến quy mô ngay tại địa bàn thì ngư dân sẽ đổi đời".

... Ðêm lập lòe đom đóm. Âm thanh sửa chữa trong khoang máy những con thuyền vẫn dội ra la đà mặt biển. Biển rộng và mênh mông/Luồng cá ơi/Xa lắm/Bao giờ/Dòng nước ngọt/Khát lắm/ôi phù sa tít tắp/Cuối chân trời... Trong đêm trăng, Khương lại cất điệu ca của đời dân chài Ngư Lộc xứ Thanh. Ngân xa. Mong manh và chống chếnh...

Đọc thêm

Thâm nhập những cánh rừng vùng biên đang ngày đêm "rỉ máu" Phóng sự

Thâm nhập những cánh rừng vùng biên đang ngày đêm "rỉ máu"

TTTĐ - Quá trình thâm nhập, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng vùng biên giới tại hai xã Ia Púch và Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, đang ngày đêm "rỉ máu"
Bài cuối: Niềm vui trên khu tái định cư do doanh nghiệp xây dựng Phóng sự

Bài cuối: Niềm vui trên khu tái định cư do doanh nghiệp xây dựng

TTTĐ - Bên cạnh những khu tái định cư còn nhiều bất cập, thì Khu tái định cư Thủy điện Đăk Mi 1, do Công ty Cổ phần Quang Đức Kon Tum làm chủ đầu tư đang đem lại niềm vui, cuộc sống ấm no cho 37 hộ dân thôn Kon Năng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum).
Về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên Phóng sự

Về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên

TTTĐ - Chiều 9/12, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, đoàn công tác của báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới dự lễ cầu siêu, dâng hương tri ân những anh hùng hi sinh trên các mặt trận của tỉnh Hà Giang.
Bài 3: Người dân được hỗ trợ tiền, xã “giữ” làm tái định cư? Phóng sự

Bài 3: Người dân được hỗ trợ tiền, xã “giữ” làm tái định cư?

TTTĐ - Loạt bài phản ánh của báo Tuổi trẻ Thủ đô cho thấy nhiều bất cập tại các khu tái định cư thuộc dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đang cần được tháo gỡ.
Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong Phóng sự

Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong

TTTĐ - Khi người dân chuyển về khu tái định cư đã phát hiện nhiều bất cập khiến các hộ dân “đi không được, ở cũng không xong”. Thậm chí, có hộ dân phải “bỏ của chạy lấy người”...
Bài 1: Người dân chưa thể "an cư" tại khu tái định cư Phóng sự

Bài 1: Người dân chưa thể "an cư" tại khu tái định cư

TTTĐ – Câu chuyện đầu tư khu tái định cư cho người dân vùng thiên tai, khó khăn tại huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) không được tính toán thấu đáo, dẫn đến dự án rơi vào cảnh hoang phế, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Bài 5: Để “thuốc” phát huy tác dụng Phóng sự

Bài 5: Để “thuốc” phát huy tác dụng

TTTĐ - Liên quan đến việc triển khai Chỉ thị 24/CT-TU của Thành uỷ Hà Nội, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi...
Bài 4: “Khâu khó, việc mới” - khẳng định “chất” người đứng đầu Phóng sự

Bài 4: “Khâu khó, việc mới” - khẳng định “chất” người đứng đầu

TTTĐ - Chỉ thị 24 được Ban Thường vụ, Thường trực Quận ủy xác định là “luồng gió” mới trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ.
Bài 3: Thủ đô tiên phong Phóng sự

Bài 3: Thủ đô tiên phong

TTTĐ - Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” được cho là "liều thuốc" hữu hiệu.
Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính” Phóng sự

Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính”

TTTĐ - Chỉ thị 24 - cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám nhận việc khó - là cách chữa trị đầu tiên tung ra giữa lúc cả xã hội đang cần một biện pháp hữu hiệu để điều trị căn bệnh trầm kha.
Xem thêm