Tag

Lại chuyện về hạt gạo

Văn hóa 04/05/2021 00:00
aa
TTTĐ - Anh Khoa ơi! Em là một giáo viên văn, đã từng dạy “Hạt gạo làng ta” trong SGK “Tiếng Việt 5”, tập một. Bài thơ rất hay và chân thực.
“Gieo mầm hướng thiện” xây nhà, phát gạo tặng người nghèo “Kho gạo Kim Đồng” của tuổi trẻ quận Bắc Từ Liêm Thanh niên huyện Đông Anh phát gạo hỗ trợ người nghèo chống dịch Chung tay đưa "cây ATM gạo" hoạt động tại Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội)

Hiện nay, nước ta là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cảm giác của anh như thế nào điều này?

Hoàng Ngọc Hà ([email protected])

Đấy là một niềm tự hào. Có thể xem như một phép lạ. Lạ bởi không ai nghĩ rồi có ngày nước ta lại là quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.

Tôi là một cậu bé sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Nhà tôi mấy đời làm ruộng. Nghề nông là nghề vất vả cực nhọc nhất, cũng đầy bất trắc, rủi ro nhất. Ông bà xưa nói:

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm...

Trông tất cả, chỉ không dám trông vào bản thân mình. Vì mình chả là cái gì cả. Nghề trồng lúa là nghề phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Mà thiên nhiên, thời tiết lại bất trắc. Mưa nắng đều dữ tợn. “Áo mẹ mưa bạc màu / Đầu mẹ nắng cháy tóc”. Bởi thế mà trong hạt gạo có cả “bão tháng bảy” và “mưa tháng ba”. Tháng bảy thường có những trận bão lớn có sức tàn phá rất mạnh. Tháng ba bắt đầu xuất hiện những trận mưa đầu mùa nên thường rất độc. Những trận mưa trận bão này thường tác động đến số phận của người nông dân làm ra hạt gạo. Cũng có khi lúa đã chín vàng đồng, tưởng bội thu rồi, thế mà chỉ sau một đêm mưa lớn, cả vựa lúa chìm dưới nước trắng. Sau hai ngày không cứu kịp (mà cứu làm sao được) thóc nảy mầm và thối ủng trong nước. Tôi đã nhiều lần từng nhìn thấy bố mẹ tôi, cùng rất nhiều bà con cô bác nông dân khóc ròng trên cánh đồng mồ hôi nước mắt của mình. Bát cơm đã đưa lên miệng, ông giời lại hất đi!

Người nông dân làm ra hạt gạo mà quanh năm đói. Cái đói thường trực đã bao nhiêu đời. Không phải chỉ trước và trong năm 1945, chúng ta có đến hai triệu người chết đói, mà sau này, cái đói vẫn tiếp tục hành hạ. Trong cuốn «Đối thoại văn chương», nhà thơ Trần Nhuận Minh đã dành không ít trang kể về những năm đói ở làng quê tôi. Gia đình tôi là một trong những gia đình đầu tiên vào hợp tác xã nông nghiệp, từ đầu năm 1958. Năm 1959 có chuyện “cải tiến kĩ thuật” học của một nước láng giềng. “Cấy lúa 5 x 5, rồi cho lợn ăn phân trâu. Lợn chảy bụng lõng bõng như cái túi lủng lẳng, mắt toét nhoèn. Phân lợn cũng không có tác dụng để bón cho lúa. Rồi trồng khoai ụ, chẻ tre đan những cái sọt to như cái bồ, có bao nhiêu phân và đất màu mỡ thì hót lên, đổ vào trong cái bồ đó, làm thành cái ụ, cao ngang đầu người, dây khoai lang đặt vào xung quanh… Cuối cùng, khoai chết, ụ đất thành một cái lô cốt rắn như đá, phải dùng xà beng mới bẩy ra được, mà ruộng thì bạc hết màu…

Xóm tôi đã có người chết đói vào năm đó. Nhà thơ Trần Nhuận Minh trong tập sách nói trên, đã kể rằng: “Ông Luận, nhà liền nhà tôi, bó người chết trong cái chiếu đem chôn, mồm người chết cứ mở to ra như mồm con cá ngão. Không ai khép cái mồm người chết đói vào được. Sở dĩ có người chết đói vì không ai dám báo cáo lên cấp trên là hợp tác xã có người đói để cứu đói. Và khi chết đều chết vì tả. Nên có báo cáo thì chỉ báo cáo là chết bệnh, không phải chết đói. Đói quá cái gì cũng ăn. Ví như lá sắn, lá sung, đều đem luộc, ăn được tất. Làng cứ nháo nhác cả lên. Lúc ấy, mới thấy giá trị của cây đu đủ, ăn hết quả rồi ăn thân cây, bỏ cái vỏ ngoài và cạo sạch cái lòng trắng bên trong, luộc đổ nước đầu đi, rồi nấu là ăn được, rồi ăn lá, nấu như nấu canh, rồi đào ăn cả rễ. Lần đầu ăn nôn nao như say, sau chỉ cồn ruột thôi, nhưng chịu được. Vì gặp cái gì cũng ăn, rồi uống nước lã, nên cả làng đi tả, tức là chết vì bệnh tả, chứ không phải vì đói, nhưng thực ra là chết đói… Vì chết do tả, nên người ta chôn vội chôn vàng, sợ lây nhiễm. Có một trường hợp rất đau lòng, khi cải cát (cát táng) mở quan tài của một bà, là mẹ cô em họ tôi, thấy con dao thường bổ cau (bà ăn trầu), rất sắc nhọn, buộc cái quai vào giải rút quần, cắm chặt vào mép tấm ván thiên ngang ngực người chết. Quan tài lúc ấy, đóng vội bằng gỗ tạp, nên gỗ rất mềm. Mọi người bật khóc, vì nghĩ rằng, sau khi chôn, bà đã sống lại và bằng cách đó, bà đã báo cho con cháu biết…”

Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới
Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới

Cái đói không chỉ hoành hành ở làng quê tôi. Nhiều vùng quê khác cũng vậy. Người dân không phải chỉ ăn lá sắn, mà còn ăn cả… đất. Thật rùng rợn. Cụ Ngô Tất Tố, trong phóng sự đặc sắc Việc làng, có viết về một ông già ở quê, vào những năm đói kém, đã chế món ăn bằng... đất sét. Cụ xoay thành bao món cho lạ miệng, toàn những sơn hào hải vị cả, nhưng nguyên liệu chính cũng vẫn là... đất. Ăn mãi cũng không no, mà chỉ thấy nặng bụng. Đây là một chi tiết không thể bịa được. Con người ta đói, khi đã đến bước khốn cùng, phải ăn đến cả đất nữa thì khiếp quá.

Nhắc lại một thời gian nan, những chuyện đau lòng quanh hạt gạo ấy, mới thấy việc chúng ta xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, là một sự kiện, một “phép lạ” kì diệu đến như thế nào. Đồng đất vẫn đồng đất ấy. Con người vẫn con người ấy, chỉ thay đổi cách quản lí, lãnh đạo là đời sống biến đổi như có phép lạ. Mấy năm vừa rồi, lũ lụt liên miên ở miền Trung, rồi miền Nam, mà ông giời cũng đâu có chiều người. Bằng cớ là không phải chỉ có bão tháng bảy, mà đến cả tháng mười, tháng mười một vẫn còn có bão. Có năm, cả vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng coi như mất trắng. Người dân ngoài Bắc phải nhường cơm sẻ áo cho bà con mình ở trong kia, vậy mà bát cơm cũng có vơi đi đâu. Giá gạo ngoài chợ cũng không có gì thay đổi. Bây giờ, chúng ta đã xuất khẩu gạo lớn thứ nhất thế giới. Đấy là một “phép lạ của ngày thường”, là niềm vui tuyệt vời, cho thấy cái đói không còn đe doạ nữa.

Xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nghĩa là chúng ta xuất khẩu mồ hôi nước mắt lớn nhất thế giới, không có nghĩa chúng ta đã giàu nhất thế giới. Muốn đất nước giàu được, không phải chỉ trông vào hạt gạo, mà phải trông vào tài nguyên, khoáng sản. Và khoáng sản đắt giá nhất là trí tuệ. Chừng nào Việt Nam xuất khẩu được trí tuệ thì khi ấy, chúng ta mới thật sự hoá rồng và cất cánh. Bởi một sản phẩm công nghệ, nếu cân đong cơ học chỉ mong manh vài lạng, nhưng lại nặng hơn cả chục tấn lúa gạo của nông dân. Để đất nước có thể giàu được bằng gạo, có lẽ chúng ta phải đầu tư trí tuệ cho gạo, biến Hạt gạo Việt Nam thành Hạt gạo Trí tuệ, Hạt gạo Thông minh. Ví dụ ăn gạo Việt Nam sẽ không còn bị mỡ máu, không còn bị béo phì, là những căn bệnh mà cả thế giới đều hoảng sợ chẳng hạn. Nếu có hạt gạo ấy, chúng ta sẽ thực sự cất cánh. Hạt gạo Việt Nam sẽ đắt giá hơn bất cứ sản phẩm công nghệ nào. Trong công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay, niềm mơ ước như thế không còn là viển vông nữa. Trong lúc lật mình vươn dậy, chúng ta vẫn phải trông vào hạt gạo. Và có thể cả sau này, cho dù chúng ta có bay giữa trăng sao thì cũng vẫn cứ phải sống bằng hạt gạo. Hạt vàng, hạt ngọc của những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương vẫn lặng thầm nuôi tất cả chúng ta.

Đọc thêm

Văn Mai Hương, Hứa Kim Tuyền cùng nhận Giải cống hiến 2024 Điện ảnh - Âm nhạc

Văn Mai Hương, Hứa Kim Tuyền cùng nhận Giải cống hiến 2024

TTTĐ - Giải thưởng Album của năm thuộc về album Minh tinh của Văn Mai Hương với sự đồng hành của Hứa Kim Tuyền.
Á hậu Trang Viên ra mắt tập thơ "Ru tình" Văn học

Á hậu Trang Viên ra mắt tập thơ "Ru tình"

TTTĐ - Sau thành công của tập thơ đầu tay “Đêm mặn” với gần 5.000 cuốn, Á hậu Trang Viên tiếp tục gửi đến độc giả tác phẩm mới nhất mang tên "Ru tình".
Sắp ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ Điện ảnh - Âm nhạc

Sắp ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ

TTTĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hãng Phim hoạt hình Việt Nam đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho 2 bộ phim hoạt hình cắt giấy "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".
Các họa sĩ nữ hội tụ trong triển lãm "Sắc màu Bắc Trung Nam" Điện ảnh - Âm nhạc

Các họa sĩ nữ hội tụ trong triển lãm "Sắc màu Bắc Trung Nam"

TTTĐ - Đầu tháng tư tới, nhóm nữ họa sĩ sẽ tổ chức triển lãm chung lần thứ 10 tại Hà Nội mang tên "Sắc màu Bắc Trung Nam". Mỗi người một cá tính, con đường sáng tạo nhưng họ đều muốn mang đến những đóa hoa tươi thắm cho đời.
Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội Điện ảnh - Âm nhạc

Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội

TTTĐ - Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) sẽ diễn ra đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff với sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO) và nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung. Tâm điểm được công chúng yêu nhạc cổ điển mong đợi nhất chính là lần đầu tiên, bản giao hưởng “Symphony no. 1 in D minor” của nhà soạn nhạc vĩ đại sẽ được công diễn tại Việt Nam.
Cầu nối đưa các trang viết, câu chuyện đầy tính nhân văn, cao đẹp về tình cha và con Văn hóa

Cầu nối đưa các trang viết, câu chuyện đầy tính nhân văn, cao đẹp về tình cha và con

TTTĐ - Sáng ngày 27/3 tại Hà Nội, Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức chương trình phát động Cuộc thi viết "Cha và con gái" lần thứ 2 năm 2024.
Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội Điện ảnh - Âm nhạc

Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội

TTTĐ - Vào 20h00 tối 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) diễn ra đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff với sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO) và nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung. Tâm điểm được công chúng yêu nhạc cổ điển mong đợi nhất chính là lần đầu tiên, bản giao hưởng “Symphony no. 1 in D minor” của nhà soạn nhạc vĩ đại sẽ được công diễn tại Việt Nam.
39 mùa xuân chinh phục những “đỉnh núi” Văn hóa

39 mùa xuân chinh phục những “đỉnh núi”

TTTĐ - 39 năm kể từ ngày xuất bản số báo đầu tiên vào mùa xuân năm 1985, mỗi năm là một hành trình chinh phục từng khó khăn, thử thách của tập thể báo Tuổi trẻ Thủ đô. Đặt ra mục tiêu ngày càng cao hơn, dẫu phải vượt qua nhiều gian nan, vất vả nhưng mỗi khi chinh phục được những “đỉnh núi” cao, toàn thể cán bộ, phóng viên báo tràn ngập niềm hạnh phúc. Đó là kết quả của việc vượt lên chính mình và lan tỏa được sức trẻ tới khắp mọi miền Tổ quốc.
"Nỗi tiếc" mùa xuân của Đỗ Hoàng Anh Văn học

"Nỗi tiếc" mùa xuân của Đỗ Hoàng Anh

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài thơ "Nỗi tiếc" của tác giả Đỗ Hoàng Anh.
Tưởng tượng - thơ của Bùi Thị Thu Lê Văn học

Tưởng tượng - thơ của Bùi Thị Thu Lê

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài thơ "Tưởng tượng" của tác giả Bùi Thị Thu Lê.
Xem thêm