Tag

"Lộn tùng phèo" với Woody Allen

Văn hóa 12/12/2017 11:46
aa
TTTĐ- Ra mắt năm 1980, Lộn tùng phèo là tập hợp 17 tác phẩm ngắn đa dạng thể loại: từ tiểu luận, chính kịch đến truyện ngắn được sáng tác từ năm 1975 đến 1980; tất cả đều mang đậm màu sắc trào phúng dí dỏm đặc trưng của Allen.

Woody Allen tên thật là Allan Stewart Konisberg. Ông sinh ngày 1/12/1935 trong một gia đình gốc Do Thái ở Brooklyn, New York. Bên cạnh sự nghiệp điện ảnh danh giá với nhiều lần đạt giải thưởng của Viện Hàn lâm, Woody Allen còn là một nhà văn tài hoa và thực tế đã dấn thân vào nghiệp cầm bút từ rất sớm. Năm 15 tuổi, ông soạn truyện cười cho báo địa phương và các công ty quảng cáo; năm 20 tuổi, ông viết kịch bản cho một số chương trình truyền hình lớn cùng nhiều danh hài nổi tiếng. Cuối thập niên 70, Allen tham gia viết truyện ngắn và tiểu luận cho các tạp chí như New Yorker, New York Times, New Republic…; nhiều tác phẩm trong số này đã được xuất bản trong bốn hợp tuyển mang tên Getting Even (1971), Tuyệt Vọng Lời (1975), Lộn Tùng Phèo (1980) và Mere Anachy (2007); tất cả đều mang đậm màu sắc trào phúng dí dỏm đặc trưng của Allen.


Ra mắt năm 1980, Lộn Tùng Phèo là tập hợp 17 tác phẩm ngắn đa dạng thể loại: từ tiểu luận, chính kịch đến truyện ngắn được sáng tác từ năm 1975 đến 1980; tất cả đều mang đậm màu sắc trào phúng dí dỏm đặc trưng của Allen. Thủ pháp nghệ thuật nổi bật xuyên suốt tác phẩm chính là non sequitur. Đây là một từ gốc Latinh với ý nghĩa: “không liền mạch, không nhất quán”. Trong văn chương, non sequitur thường được sử dụng với mục đích gây hài, với đặc trưng là cách diễn đạt đứt gãy, phi lôgic, bẻ ngoặt tình huống đầy bất ngờ. Ở đó mối liên kết giữa vế sau với vế trước được giấu đi, buộc người đọc/người nghe phải tự diễn giải ý nghĩa, tự điền vào “khoảng trống” bằng vốn hiểu biết và óc suy luận của mình.

“Tưởng nhớ Needleman” và “Kiếp đọa đày”, hai tác phẩm xuất hiện đầu tiên trong Lộn Tùng Phèo là những minh họa xuất sắc cho lối viết trái khoáy này của Allen. Từ câu này đến câu khác, từ trang này đến trang khác dày đặc những ví dụ non sequitur điển hình nhất. Tuyệt chiêu của ông là trước tiên đưa ra một vấn đề triết lý hết sức trừu tượng, vĩ mô, rồi ngay lập tức móc ngoéo với một hình ảnh thực tế phũ phàng dường như chẳng ăn nhập gì với vế trước: “Hắn ta đang mơ, Cloquet nghĩ, còn mình sống trong thực tại. Cloquet ghét thực tại nhưng nhận ra rằng đó là chốn duy nhất kiếm được miếng bít tết ngon” hay “Sau khi suy tư nát óc, phẩm chất vẹn toàn tri thức của Needleman đã thuyết phục ông tin rằng mình không tồn tại, bạn bè ông không tồn tại và điều duy nhất có thực là cái giấy nợ nhà băng sáu triệu Đức mã.”

Với Allen, những “khoảng trống” trong văn chương mới chính là ý nghĩa của nó. Ở điểm này ta có thể liên hệ phần nào với lý thuyết “Tảng băng trôi” nổi tiếng của nhà văn Hemingway: “Như tảng băng trôi trên đại dương bao giờ cũng chỉ nổi một phần tám trên mặt nước, nhà văn chỉ việc huy động một phần tám ‘vốn’ khi viết, còn bảy phần tám còn lại để người đọc tự tìm hiểu lấy.” Tương tự, cách làm của Allen nếu nói kiểu hình tượng thì cũng như bày lên đống vỏ táo và cái lõi táo, rồi bắt người đọc tự tưởng tượng ra phần thịt mà ông đã giấu béng đi. Văn chương theo ông cần phải hàm súc tiềm ẩn, ý tại ngôn ngoại, kích thích và dẫn dắt người đọc vận dụng kinh nghiệm và hiểu biết để tái hiện những “khoảng trống” mà tác giả cố tình bỏ qua; theo đó ý nghĩa của câu chuyện cũng được mở rộng muôn phần.


Với đặc tính châm biếm cố hữu, những “khoảng trống” trong văn của Allen còn nhắc nhở người đọc không bao giờ có thể kiêu ngạo tuyên bố anh thấu hiểu tuyệt đối mọi từ ngữ, mọi câu cú, mọi tác phẩm. Có lẽ vì thế mà đối tượng người đọc ông vừa hướng tới vừa công kích chính là giới tri thức đương thời. Minh họa điển hình nhất cho thái độ này của Allen có thể được tìm thấy ở tác phẩm “Nhà hàng Fabrizio: Phê bình và phản hồi”. Được trình bày dưới dạng một bài phê bình ẩm thực và phía sau là hàng loạt phúc đáp của độc giả, đây đích thị là một bài parody trào phúng bậc thầy nhằm chế giễu thói ưa suy diễn và phức tạp hóa của giới phê bình hiện đại.

Trong Lộn Tùng Phèo, ta không thể không kể đến cái tên sáng giá “Tình tiết Kugelmass”, tác phẩm từng đạt giải thưởng O. Henry cho truyện ngắn xuất sắc nhất năm 1978. “Tình tiết Kugelmass” không quá tham lam non sequitur hay những câu đùa một dòng (one-liner) so với phần còn lại của hợp tuyển, mà thay vào đó đi theo một cốt truyện tinh tế và phức tạp hơn. Sidney Kugelmass, giáo sư ngành nhân văn tại trường đại học New York, vì bất mãn với cuộc hôn nhân buồn tẻ và những buổi trợ giúp tâm lý kém hiệu quả, đã tìm đến một ảo thuật gia kín tiếng mang tên “Persky Vĩ đại” để được thỏa chí trêu hoa ghẹo bướm. Trước hứa hẹn của Persky sẽ biến ông vào trong trang sách để tha hồ hẹn hò với những nhân vật nữ giả tưởng, Kugelmass đã chọn bước chân vào tác phẩm của Flaubert, và bắt đầu một mối quan hệ tình ái kỳ khôi với bà Bovary. Cuộc vui chóng tàn, phép màu của Persky lại xảy ra trục trặc khiến bà Bovary bị kẹt lại ở thế giới hiện thực với Kugelmass. Ông phải làm gì để vừa che giấu cuộc tằng tịu trước vợ, vừa đáp ứng những đòi hỏi trên trời của Emma Bovary?

Trong cả những tác phẩm điện ảnh và văn chương, lằn ranh mỏng manh giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa thực tại và giả tưởng luôn là chủ đề trở đi trở lại của Allen. Ông khắc họa sâu cay cái huyễn hoặc muôn thuở của con người: khi lâm vào nghịch cảnh, thay vì hành động để đi đến giải pháp ta lại tìm quên trong những thú vui dễ dãi xuề xòa. Để rồi khi lớn chuyện, ta mới tá hỏa như Kugelmass: ông nôn nóng lừa dối vợ nhưng không sẵn sàng lãnh nhận hậu quả, dụ dỗ lôi kéo người tình nhưng không đành hy sinh thanh danh sự nghiệp.

Nhìn mọi thứ qua lăng kính hài hước, với Woody Allen, chính là một cách để đối chọi với cuộc đời. Khoa học, văn chương, chính trị, giáo dục, tâm linh, triết học… - mọi góc cạnh của đời sống đem soi chiếu qua lăng kính của Allen bỗng trở nên tếu táo, cuốn hút mà không kém phần thâm thúy.

Lộn tùng phèo do Đăng Thư chuyển ngữ. Sách lần đầu được dịch và xuất bản tại Việt Nam do Công ty Cổ phần Sách Tao Đàn liên kết với NXB Hội Nhà Văn giới thiệu và ra mắt vào tháng 12/2017.

Tin liên quan

Đọc thêm

Các họa sĩ nữ hội tụ trong triển lãm "Sắc màu Bắc Trung Nam" Điện ảnh - Âm nhạc

Các họa sĩ nữ hội tụ trong triển lãm "Sắc màu Bắc Trung Nam"

TTTĐ - Đầu tháng tư tới, nhóm nữ họa sĩ sẽ tổ chức triển lãm chung lần thứ 10 tại Hà Nội mang tên "Sắc màu Bắc Trung Nam". Mỗi người một cá tính, con đường sáng tạo nhưng họ đều muốn mang đến những đóa hoa tươi thắm cho đời.
Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội Điện ảnh - Âm nhạc

Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội

TTTĐ - Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) sẽ diễn ra đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff với sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO) và nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung. Tâm điểm được công chúng yêu nhạc cổ điển mong đợi nhất chính là lần đầu tiên, bản giao hưởng “Symphony no. 1 in D minor” của nhà soạn nhạc vĩ đại sẽ được công diễn tại Việt Nam.
Cầu nối đưa các trang viết, câu chuyện đầy tính nhân văn, cao đẹp về tình cha và con Văn hóa

Cầu nối đưa các trang viết, câu chuyện đầy tính nhân văn, cao đẹp về tình cha và con

TTTĐ - Sáng ngày 27/3 tại Hà Nội, Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức chương trình phát động Cuộc thi viết "Cha và con gái" lần thứ 2 năm 2024.
Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội Điện ảnh - Âm nhạc

Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội

TTTĐ - Vào 20h00 tối 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) diễn ra đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff với sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO) và nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung. Tâm điểm được công chúng yêu nhạc cổ điển mong đợi nhất chính là lần đầu tiên, bản giao hưởng “Symphony no. 1 in D minor” của nhà soạn nhạc vĩ đại sẽ được công diễn tại Việt Nam.
39 mùa xuân chinh phục những “đỉnh núi” Văn hóa

39 mùa xuân chinh phục những “đỉnh núi”

TTTĐ - 39 năm kể từ ngày xuất bản số báo đầu tiên vào mùa xuân năm 1985, mỗi năm là một hành trình chinh phục từng khó khăn, thử thách của tập thể báo Tuổi trẻ Thủ đô. Đặt ra mục tiêu ngày càng cao hơn, dẫu phải vượt qua nhiều gian nan, vất vả nhưng mỗi khi chinh phục được những “đỉnh núi” cao, toàn thể cán bộ, phóng viên báo tràn ngập niềm hạnh phúc. Đó là kết quả của việc vượt lên chính mình và lan tỏa được sức trẻ tới khắp mọi miền Tổ quốc.
"Nỗi tiếc" mùa xuân của Đỗ Hoàng Anh Văn học

"Nỗi tiếc" mùa xuân của Đỗ Hoàng Anh

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài thơ "Nỗi tiếc" của tác giả Đỗ Hoàng Anh.
Tưởng tượng - thơ của Bùi Thị Thu Lê Văn học

Tưởng tượng - thơ của Bùi Thị Thu Lê

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài thơ "Tưởng tượng" của tác giả Bùi Thị Thu Lê.
Tác giả Đỗ Hoàng Anh trải lòng "Một vòng trần ai" Văn học

Tác giả Đỗ Hoàng Anh trải lòng "Một vòng trần ai"

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài thơ "Một vòng trần ai" của tác giả Đỗ Hoàng Anh.
Phát huy nguồn lực văn hóa từ lễ hội Văn hóa

Phát huy nguồn lực văn hóa từ lễ hội

TTTĐ - Bằng cách ứng dụng công nghệ, những lễ hội trên địa bàn Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của công chúng Thủ đô và nhiều du khách. Đây được cho là dấu hiệu khởi sắc trong tiến trình các quận, huyện của thành phố Hà Nội triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Phong cách năng động, trẻ trung của Hoa hậu Thu Hoài Văn hóa

Phong cách năng động, trẻ trung của Hoa hậu Thu Hoài

TTTĐ - Dù công việc khá bận rộn, song doanh nhân kiêm hoa hậu Thu Hoài vẫn duy trì tập luyện các bộ môn thể thao cô yêu thích như: Gym, Yoga, Pilates… Gần đây, bà mẹ 3 con còn gây chú ý khi chơi lại bộ môn golf.
Xem thêm