eMag azine
06/06/2021 06:43
Mùa gặt ở Hà Nội: "Tử thần" từ làn khói đốt rơm rạ

06/06/2021 06:43

TTTĐ - Những ngày gần đây, các huyện ngoại thành Hà Nội luôn bị bao phủ, ngập tràn khói trắng do nông dân đốt rơm rạ sau vụ gặt. Hành động đốt rơm rạ trái quy định không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và gây mất an toàn giao thông.

Mùa gặt ở Hà Nội:
"Tử thần" từ làn khói đốt rơm rạ

Những ngày gần đây, các huyện ngoại thành Hà Nội luôn bị bao phủ, ngập tràn khói trắng do nông dân đốt rơm rạ sau vụ gặt. Hành động đốt rơm rạ trái quy định không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và gây mất an toàn giao thông.

Nông dân đốt rơm rạ, khói phủ trắng cánh đồng

Sau vụ thu hoạch lúa, một lượng lớn rơm rạ tồn lại trên các cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội cần được xử lý để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Tận dụng những ngày nắng gắt vừa qua, nhiều nông dân ở Hà Nội tranh thủ đốt rơm rạ sớm để giải phóng đất, lấy tro để bổ sung dinh dưỡng lại cho đất. Tuy nhiên, do người dân đốt đồng loạt trên cánh đồng, cùng với rơm rạ còn tươi, xanh nên lượng khói bụi trong những ngày qua tăng cao đột biến ở khu vực ngoại thành.

"Chúng tôi đốt rơm rạ này rồi mang tro về dùng để bón cây, rau trồng ở nhà. Tro này tốt hơn nhiều so với các loại phân đạm, lân ở các cửa hàng. Đốt thì biết là khói những không ảnh hưởng nhiều đến giao thông vì ruộng của chúng tôi ở đây cách xa đường cao tốc", bà Nguyễn Thị Sang, một người nông dân ở huyện Đông Anh cho biết.

Việc đốt rơm rạ mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại... Tuy nhiên, việc đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa.

Cánh đồng này ở xa đường lớn nên tôi mới đốt. Khói có bay ra đến ngoài thì nó cũng nhạt nhiều rồi. Bây giờ rơm rạ không ai lấy mà phải đốt bỏ thì mới cày được đất. Nếu không, những gốc rạ cứng, rơm khô này sẽ cuốn vào máy mà không làm được.Bà PHẠM THỊ MINH
huyện Đông Anh, Hà Nội

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt rơm rạ hàng loạt như hiện nay là vì hầu hết các hộ gia đình đều không còn chăn nuôi gia súc nữa, chính vì vậy rơm rạ trở nên dư thừa. Mùa gặt thu hoạch lúa khắp miền Bắc đang diễn ra. Nhiều ngày nay, cảnh đốt rơm rạ của nông dân diễn ra tràn ngập các cánh đồng ven quốc lộ. Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi năm TP Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp.

Khói rơm rạ khiến chất lượng không khí tại Hà Nội giảm nhiều trong những ngày qua. Nhiều khu vực đốt rơm rạ ảnh hưởng đến giao thông trên cao tốc như khu vực đường Trường Sa, đại lộ Thăng Long, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Đốt rơm rạ và các giải pháp thay thế

Để kiểm soát các hoạt động này, ngày 18/9/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ... UBND thành phố tăng cường và quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương.

Theo đó yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chủ động ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ công tác xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và hướng dẫn các phương án xử lý đảm bảo hợp vệ sinh môi trường

Đặc biệt, tại Chỉ thị 15 của thành phố nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận huyện cũng đã có các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ.

Từ việc phân tích các đặc tính xung quanh cây lúa, nhiều giải pháp được thiết lập nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả xử lý rơm rạ. Trong đó phải kể đến các quy mô hiệu quả như: Với quy mô nhỏ áp dụng với các hộ gia đình, cá nhân có thể ủ rơm bằng chế phẩm sinh học, vi sinh (làm phân bón hữu cơ ngay tại đồng ruộng hoặc hỗ trợ các cây trồng khác); trồng nấm; tận dụng rơm rạ trong chăn nuôi (làm thức ăn và làm đệm lót sinh học); làm sản phẩm thủ công...

Bài: Phạm Mạnh

Phạm Mạnh