eMag azine
30/05/2020 21:44

New Zealand siết chặt quản lý súng đạn: Quyết định “muộn còn hơn không”

Empty

Empty

rong không khí tang thương bao trùm đất nước New Zealand sau vụ xả súng kinh hoàng cuối tuần qua nhằm vào hai thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch, khiến ít nhất 100 người thương vong, nội các nước này ngày 18/3 đã nhất trí thắt chặt luật kiểm soát súng đạn.

Đây là vấn đề đặc biệt cấp thiết khi bạo lực súng đạn và chủ nghĩa cực đoan đã lan tới một quốc gia từng đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2018, vốn là thước đo về mức độ thanh bình, an ninh và an toàn của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại cuộc họp báo ở Wellington. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại cuộc họp báo ở Wellington. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thông tin chi tiết về những biện pháp sửa đổi quy định sở hữu súng đạn sẽ sớm được công bố, trong đó cân nhắc thực thi một lệnh cấm các vũ khí bán tự động, loại súng mà hung thủ Brenton Tarrant sử dụng trong vụ tấn công. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tin rằng những cải cách này sẽ khiến đất nước trở nên an toàn hơn.

Vụ xả súng hàng loạt chưa từng có tại New Zealand trong gần 30 năm qua, với động cơ thù hằn tôn giáo rõ rệt, càng cho thấy các quy định kiểm soát súng ở New Zealand còn khá lỏng lẻo.

Trong quá khứ, tại New Zealand từng xảy ra một số vụ xả súng, song phần lớn bắt nguồn từ những mâu thuẫn gia đình hay bất đồng trong công việc. Có thể vì thế mà vấn đề quản lý sở hữu súng đạn ở New Zealand chưa được lưu tâm.

Empty

Chỉ tới khi công dân Australia 28 tuổi Brenton dễ dàng chất đầy súng ống, đạn dược lên ôtô, lái xe lần lượt tới 2 thánh đường Hồi giáo và xả súng, thậm chí còn quay trực tiếp hành vi tàn độc của mình phát lên mạng, một loạt câu hỏi mới được đặt ra.

Hung thủ đã có giấy phép sử dụng súng, đủ điều kiện mua các loại súng tự động và sau đó đã mua 5 khẩu súng sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào các tín đồ Hồi giáo.

Trên thực tế, New Zealand đã hạn chế quyền tiếp cận súng trường bán tự động vào năm 1992, hai năm sau khi một đối tượng có vấn đề về tâm thần nổ súng bắn chết 13 người ở thành phố miền Nam Aramoana. Tuy nhiên, luật pháp New Zealand quy định bất cứ ai trên 16 tuổi đều có thể xin giấy phép sử dụng súng có hiệu lực 10 năm sau khi hoàn thành một khóa học về an toàn và vượt qua bài kiểm tra lý lịch của cảnh sát.

Một cửa hàng bán súng ở Christchurch, New Zealand. (Nguồn: AP)
Một cửa hàng bán súng ở Christchurch, New Zealand. (Nguồn: AP)

Dù đối với các loại súng trường bán tự động, súng ngắn và một số loại vũ khí bị hạn chế khác, người làm đơn có thể sẽ phải cung cấp thêm một số giấy chứng nhận, song cảnh sát và các chuyên gia cho biết quy định này tồn tại rất nhiều lỗ hổng cho phép người dùng “lách” luật.

Ngoài ra, Đạo luật vũ khí của New Zealand, vốn không được cập nhật kể từ khi có hiệu lực vào năm 1992, không quy định tất cả các loại súng phải được đăng ký sử dụng, khiến cảnh sát không thể biết chính xác số khẩu súng được sở hữu hợp pháp hoặc trái phép ở nước này.

Theo ước tính của cảnh sát, tính đến năm 2014, New Zealand có khoảng 1,2 triệu khẩu súng được sở hữu hợp pháp, tức là cứ 4 người dân thì có một người sở hữu súng - tỷ lệ cao gấp hai lần so với quốc gia láng giềng Australia. Năm 1997, cảnh sát New Zealand đã cảnh báo về tình trạng buông lỏng quy định sở hữu súng, qua đó hối thúc các nhà lập pháp sửa đổi Đạo luật vũ khí, song đề xuất siết chặt quản lý súng đạn vẫn đang bị treo ở quốc hội.

Empty

“Ngày đen tối nhất” ở New Zealand, như Thủ tướng Ardern mô tả khi nói về vụ thảm sát tại Christchurch, có lẽ đã làm thay đổi nhiều điều, buộc giới chức nước này phải có hành động dứt khoát.

Vụ việc cũng bộc lộ những “góc khuất” ít được biết trong xã hội, nơi những tư tưởng cực đoan thù hận trở thành “không biên giới” nhờ sức truyền bá nhanh chóng và không bị hạn chế của mạng xã hội.

Ở một đất nước mà cảnh sát thường tuần tra không vũ trang, người ta đang cố lý giải về điều kinh khủng vừa xảy ra, trong đó “bàn tay” của mạng xã hội cũng lần đầu tiên được thừa nhận.

Tòa án New Zealand ngày 18/3 đã bác đề nghị xin nộp tiền bảo lãnh của một nam thanh niên 18 tuổi sau khi đối tượng này bị đưa ra xét xử với cáo buộc phát tán video truyền trực tiếp vụ xả súng ở Christchurch cùng với các tin nhắn mang tính “kích động bạo lực cực đoan.”

Hình ảnh trích trong video do nghi phạm liên quan đến hai vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch,New Zealand, tự phát lên mạng xã hội Facebook ngày 15/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXV)
Hình ảnh trích trong video do nghi phạm liên quan đến hai vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch,New Zealand, tự phát lên mạng xã hội Facebook ngày 15/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXV)

Hàng triệu video liên quan vụ tấn công đã được chia sẻ trên toàn cầu, kéo theo những nội dung bình luận “ủng hộ thủ phạm và những kẻ xả súng,” chỉ được Facebook gỡ bỏ sau khi nhà chức trách địa phương bày tỏ quan ngại, bản thân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố bà muốn thảo luận với Facebook về vụ truyền trực tiếp này.

Tuy nhiên, nhiều mạng lưới sau đó vẫn phát tán đoạn video. Cơ quan truyền thông và thông tin Australia đã phải mở cuộc điều tra việc phát tán lên mạng đoạn video truyền trực tiếp hoặc đăng hình ảnh vụ xả súng ở quốc gia láng giềng.

Hung thủ Tarrant không nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của cả New Zealand và Australia, mặc dù đối tượng này được cho là thường xuyên truyền bá các tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội và từng lên kế hoạch tấn công khủng bố ở nhiều nơi trên thế giới trong những năm qua.

Chỉ sau vụ xả súng, cảnh sát mới phát hiện Tarrant là một phần tử cực đoan quá khích theo đường lối

Empty

cánh hữu và ủng hộ khủng bố. Đối tượng này thậm chí đã tung lên mạng một đoạn tuyên truyền dài 74 trang, thể hiện sự thù hận với người Hồi giáo nhập cư ở châu Âu, “thần tượng” các phong trào cực đoan ở Mỹ và ủng hộ tư tưởng “người da trắng thượng đẳng”. Những video của tên sát thủ trên mạng xã hội mang hơi hướng của tư tưởng cực đoan từ nhiều nhóm cực hữu ở châu Âu, Australia và Bắc Mỹ.

Trong tuyên ngôn, hung thủ vụ xả súng cho biết hắn đã lấy “cảm hứng” từ các phần tử như Anders Behring Breivik người Na Uy, kẻ có tư tưởng phân biệt chủng tộc đã giết hại 77 người ở Na Uy vào năm 2011. Không loại trừ khả năng đối tượng Tarrant đã bị “tiêm nhiễm” tư tưởng cực đoan từ chính những hình ảnh và tuyên bố mang tính bạo lực, kích động được phát tán tràn lan trên mạng như vậy.

Dư luận sau đó cũng đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của các cơ quan chống khủng bố và tình báo New Zealand.

Cảnh sát gác tại hiện trường vụ nổ súng ở Christchurch, New Zealand, ngày 15/3/2019. (Nguồn: AP/TTXVN)
Cảnh sát gác tại hiện trường vụ nổ súng ở Christchurch, New Zealand, ngày 15/3/2019. (Nguồn: AP/TTXVN)

Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến giới chức chống khủng bố và tình báo New Zealand chưa tập trung nguồn lực để giải quyết tình trạng bạo lực cực hữu là do chủ nghĩa dân tộc da trắng đã ăn sâu vào hệ thống chính trị chính thống tại nước này.

Ngoài ra, cách đưa tin truyền thống của truyền thông New Zealand cũng như nhiều nước phương Tây khác, phản ánh về thế giới Hồi giáo với hơi hướng tiêu cực và rập khuôn, như vậy cũng tạo tâm lý bài kích, thù hận đối với cộng đồng này. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, những vụ bạo lực do người Hồi giáo gây ra thường được đưa đậm hơn những trường hợp tấn công nhằm vào người Hồi giáo.

Thảm kịch ở Christchurch một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động, cho thấy các nước phải kiên quyết ngăn chặn hiểm họa khôn lường từ những phần tử cực đoan quá khích và tư tưởng thù hận, phân biệt chủng tộc.

Empty

Theo TTXVN