eMag azine
30/05/2020 21:47

Ngược đường Tây Bắc giữa mùa thu vàng

Empty

Trong con nắng vàng ruộm như mật giữa mùa thu, chúng tôi cứ mặc cho “tâm hồn dẫn lối thể xác” mà rong chơi, mà đi, mà hít hà chút sương núi, hay tận hưởng mùi hương của lúa chín cúi đầu trên những thửa ruộng bậc thang khắp nẻo đường Tây Bắc. Phía sau mỗi khúc quanh, sau mỗi dãy núi là cả chân trời mới mở ra trước mắt, khi những khói bụi của phố thị tan biến, chỉ còn nắng gió với những cảnh sắc như là kiệt tác giữa đất trời của đồng bào nơi đây khi chắt chiu từng khoảnh đất suốt trăm năm qua. Chúng tôi đi giữa thênh thang nắng gió, cứ ngược đường Tây Bắc mà tận hưởng đất trời. Lúa vàng trải dài trên những thửa ruộng bậc thang, những nương chè thơm ngọt xanh ngắt, dãy Hoàng Liên sừng sững mây mờ phủ, vượt Khau Phạ, Ô Quy Hồ trong những chiều hoàng hôn đẹp đến nao lòng...

Empty

Chẳng còn quá xa lạ, Mù Cang Chải đã quá đỗi quen thuộc trên bản đồ du lịch Việt. Nếu mùa hạ (tháng 5–6), cả xứ ấy được phủ lên một màu xanh non bởi nương mạ nhà nhà đều cấy, thì tới tháng 10, sau những cơn nắng, hạt mưa, chắt chiu bao tinh túy của đất trời để chín vàng cho ra “hạt ngọc” nuôi sống bao đời người. Chẳng qua Thanh Sơn với đồi chè, cũng không băng đèo Khế khúc khuỷu, chúng tôi chọn cho mình cung đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai khi tới Yên Bái thì rẽ ngược lên Ba Khe, rồi đến Nghĩa Lộ, Tú Lệ. Để tới khi đã thấy sắc vàng thấp thoáng trên những sườn đồi thì chúng tôi không ngần ngại vọt lên trên những con dốc gắt nhất của chặng đường.

Empty

Tú Lệ, mảnh đất cửa ngõ của Mù Cang Chải với bao sản vật mà đất trời ban tặng. Minh chứng điển hình nhất là xôi nếp, cái thứ nếp chỉ có mình nơi đây trồng được và cũng chỉ có thể sống tươi tốt trên những thửa ruộng bậc thang mỗi năm một vụ mà thôi. Khi đồ hay nấu lên sẽ rất dẻo và có mùi thơm ngào ngạt của nếp, lại vừa ngọt như lúa mới trổ đòng, ai trót thử một lần cũng muốn ăn thêm lần nữa.

Mùa tháng 10, Tú Lệ còn có món cốm xanh được giã tay thơm lừng, ngọt dẻo làm say lòng bao lữ

Empty

khách. Tú Lệ cũng là nơi bắt đầu của ngọn đèo Khau Phạ hùng vĩ. Cung đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của đất nước, Khau Phạ có nghĩa là “sừng trời”. Người Mông đã dùng từ đó để miêu tả về nó như là chiếc sừng chọc lên trời xanh, cũng là chỉ mức độ hiểm trở. Cả cung đèo dài chừng hơn 20km, thường quanh năm mây mù che phủ, chỉ những ngày nắng đẹp thì đứng trên đèo mới nhìn rõ được hết thung lũng phía dưới.

Thung lũng Cao Phạ mùa thu, mùa lúa chín rực lên sắc vàng ruộm của nắng và lúa. Dăm ba cô gái

Empty

H’Mông váy áo sặc sỡ đang gặt, những chàng trai hì hục đập lúa bằng tay, lũ trẻ con nô đùa trên mảnh đất giữa thung lũng cạnh bờ suối róc rách chảy. Từng mảng màu cứ như đan lẫn vào nhau. Khói đốt đồng phảng phất quẩn quanh giữa thung lũng mà chẳng chịu bay xa càng làm cho khung cảnh mùa gặt trở nên yên bình, ấm áp hơn bao giờ hết. Chúng tôi cứ leo ngược dốc lên Lìm Mông rồi vượt Khau Phạ, leo ngược lên La Pán Tẩn trên cung đường đầy đá sỏi.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Xứ Mùa là thế, cứ vàng rực cả thung lũng, sang xứ Than (Than Uyên) lại mênh mang của con đường và núi. Cung đường quốc lộ 32 nối thẳng lên Bình Lư chạy giữa thung lũng của những ngọn núi cao vút, ánh nắng thu chiếu vàng khắp mọi nơi. Dăm bản nhạc được bật lên, mở toang cửa sổ để mặc gió thổi lộng vào khoang xe. Rẽ vào đồi chè Tân Uyên rồi lại ngược dốc Ô Quy Hồ khúc khuỷu về với Sapa mù sương. Chặng đường không quá xa lạ nhưng luôn cuốn hút bất cứ người lữ khách nào.

Empty

Dừng chân trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, nơi mà có thể nhìn ngắm cả cung đường đã qua trong ánh hoàng hôn, ngắm đỉnh Fansipan sừng sững phía xa khi trời quang mây tạnh. Chỉ mới giữa thu nhưng những con gió lạnh đã bắt đầu thổi trên độ cao gần 2.000m. Chúng tôi cứ lặng im mà nhìn ngắm, thả hồn mình vào giữa đất trời trước khi xuôi dốc về thị trấn sầm uất Sapa.

Empty

Kết thúc hơn 900km của hành trình ngược về miền Tây Bắc giữa mùa thu vàng, chúng tôi đã được đất trời và con người nơi đó thiết đãi biết bao “bữa tiệc”. Từ những thửa ruộng chín vàng, tới các món ăn ngon nức tiếng, những khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp trên cung đường đầy sỏi đá. Từ đồng bằng lên miền núi, từ phố thị lên rẻo cao, từ hạ lưu ngược lên những dòng suối, chúng tôi đi và về để thấy mùa thu nhuộm màu của ấm no, của nắng, của những nụ cười trên khắp nẻo đường Tây Bắc.

Theo TTXVN