eMag azine
20/01/2023 09:00
Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương

20/01/2023 09:00

TTTĐ - Học nghề bởi sự tình cờ, nhưng ở lại bằng sự tận tâm, bà Lê Thị Sáu (Đông Anh, Hà Nội) vẫn âm thầm kiên trì giữ nghề làm bánh gia truyền của gia đình.

miệt mài

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương
Tình nghề đậm đà từ tình yêu gia đình

Đến với nghề làm bánh gia truyền như một cái duyên, bà Lê Thị Sáu, ngoài 50 tuổi là đời thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề làm bánh truyền thống. Gia đình nhà bà Sáu làm ba loại bánh chính là bánh gio, bánh chưng và bánh tẻ.

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương
Bà Lê Thị Sáu (bên trái) vẫn giữ lại phương thức làm bánh truyền thống qua bao thế hệ

Gia đình bà trú tại thôn Cổ Miếu, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo nghề đến nay đã được hơn 10 năm, tình yêu nghề của bà vẫn vẹn nguyên như cách bà chọn nghề sau biết bao khó khăn và quyết định.

Trước đây, bà Sáu từng là một cô giáo với 17 năm trong nghề. Gia đình vốn khó khăn, với đồng lương ít ỏi, bà cùng chồng cố gắng nuôi nấng 3 người con. Tuy nhiên, đến một ngày gia đình gặp biến cố, sau bao nhiêu đắn đo, bà quyết định rẽ hướng lựa chọn một nghề khác để mưu sinh.

“Lúc quyết định chuyển việc cũng đắn đo lắm chứ, nhưng với mức sống như ngày đó thì không đủ nuôi các con. Nhà khó khăn nhưng tôi muốn nuôi nấng con cái trưởng thành, ăn học đàng hoàng. Tôi cũng đã lăn lộn làm nhiều nghề, nhưng cuối cùng lại trở về với nghề làm bánh gia truyền của gia đình!”, bà Sáu nhớ lại khoảng thời gian trước đây, bà kể chính cái nghề làm bánh lại hợp và bén duyên với bà cho đến tận bây giờ.

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương

Gia đình bà Sáu có nghề làm bánh gia truyền từ đời ông cố, cứ truyền nghề dần qua nhiều thế hệ. “Đến đời chú thì các con lại không ai theo nghề, cũng cái lúc mà tôi đang miệt mài tìm công việc mới, tôi bắt đầu quyết định thử tham gia vào các công đoạn làm bánh thì lại thấy thích và cứ làm mãi cho đến tận bây giờ”, bà Sáu tâm sự.

Ngày đó, lần đầu tiên bà biết đi trẩy trái xoan trên cây về để đốt lấy gio. Bà kể: “Tôi trèo lên cây, hái trái xoan, hạ nó rơi xuống gốc, rồi tôi nhặt về đốt lấy tro làm bánh gio. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc mới mẻ và thú vị lúc ấy! Lâu dần, tôi làm nghề quen mà yêu cái nghề này từ lúc nào không hay!”.

Bà Sáu cho biết, chú bà là người ít nói, nhưng lại luôn là người kề cận hướng dẫn bà từ lúc bà mới vào nghề, cho đến khi trở thành người thợ lành nghề và dùng nghề đó hoàn thành ước mong “nuôi nấng con cái thành tài”.

Đến giờ, bà Sáu vẫn luôn nhắn nhủ cho các con về nguồn gốc của từng chiếc bánh, về mong muốn của mẹ. Dù các con bà luôn có những đam mê, công việc khác nhau nhưng cứ hễ khi có thời gian cạnh bà, là đều sẽ quây quần phụ mẹ gói từng chiếc bánh. “Các con của tôi thì giờ đứa nào cũng biết gói bánh, tôi hay đùa là nên ngồi gói bánh cùng mẹ để cùng mẹ kiếm tiền cho các con đi học, kiếm tiền nuôi cả gia đình mình đó chứ!”, bà Sáu chia sẻ.

Con cái của bà Sáu cứ dần trưởng thành bởi chính đôi tay làm bánh quần quật ngày đêm của mẹ.

Hương vị của sự tận tâm

Lò bánh nhà bà Lê Thị Sáu vốn đỏ lửa quanh năm, nhưng cứ đến những ngày đầu tháng Chạp, không khí rộn ràng mới thật sự ngập tràn khu bếp. Vào thời điểm này trong năm, mỗi ngày, nhà bà gói trên dưới 1.500 chiếc bánh các loại. Càng dịp cận Tết, khối lượng bánh gói càng lớn, có khi phải làm xuyên trưa, ngày chỉ ngủ 2 - 3 tiếng mới kịp mẻ bánh.

Không phải ngẫu nhiên mà ba loại bánh nhà bà Sáu được nhiều người mê mẩn và tin dùng, bí quyết chính nằm ở sự tỉ mỉ, từ chính cái “tâm” của bà. Bà Sáu kể lại, từ ngày xưa, bà đã luôn khó tính trong mọi khâu làm bánh.

Bánh gio
Bánh gio, bánh ú tro hay bánh nẳng là một loại bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi.

Với bánh gio - loại bánh được làm từ các nguyên liệu đồng quê, giản dị, mộc mạc nhưng ăn một lần là nhớ mãi. Với bà Sáu, bí quyết làm nên tấm bánh gio ngon là ở khâu chọn nguyên liệu kỹ, nước làm bánh, cách ngâm gạo và thời điểm gói bánh, luộc bánh. “Trái xoan tôi chọn lọc là phải đúng mùa vụ, có màu hung hung vàng, chỉ lấy cuống và quả dính liền, không được có lá. Nước ngâm lọc ra từ tro xoan phải trong vắt, tuyệt nhiên không có chút hóa chất nào. Vì vậy mà thời gian luộc lên tới 3 tiếng. Bánh chín cắt ăn sẽ rất mát thanh”.

Bà Sáu kể thêm: “Quá trình làm nước cầu kỳ và phức tạp lắm. Làm vôi mới hay vôi cũ tỉ lệ cũng phải khác nếu không nồng quá thì không ai ăn. Làm bánh này còn khó ở chỗ khi ngâm, chỉ ngâm vào nồi nhựa còn nếu ngâm bằng nồi inox thì bánh sẽ hỏng. Khi luộc bánh, nếu luộc bằng nước máy sẽ bị đen bánh và không dùng được do trong nước máy có sắt, phải dùng giếng khơi được lọc bể luộc thì bánh mới ngon! Chưa kể, nếu dùng Xoong chây mỡ, muối dưa, cà… luộc cũng sẽ hỏng và không chín được bánh. Làm bánh gio dễ, nhưng mà lại thành khó vì những tiểu tiết cầu kỳ trong từng công đoạn!”

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương

Bởi vì biết khâu làm nước rất quan trọng, nếu không khéo thì thùng nọ bánh ngon, thùng kia bánh dở, nên bà Sáu xây hẳn 1 bể nước 500l để ngâm, và mỗi năm nhà bà phải dùng đến khoảng 4 bể thì mới đủ vừa bán.

Với bánh chưng - món ăn không thể thiếu trong dịp lễ tết của các gia đình Việt. Gia đình nhà bà Sáu cũng có cách làm bánh riêng. Trong đó, bà Sáu chỉ sử dụng đúng loại gạo là nếp cái hoa vàng thay vì các loại gạo nếp khác để bánh dẻo, mềm, dền và thơm hơn. Loại gạo này chỉ có 1 vụ trong năm là từ tháng 6 đến tháng 10 mới được gặt. Bà thường sẽ phải đặt trước để đủ gạo gói bánh trong năm. Lá dong gói bánh phải là lá dong rừng có màu xanh đậm, bánh chín ra lò sẽ rất thơm. Thịt phải là thịt mỡ thăn, lẫn một ít nạc và tùy theo nhu cầu của thực khách.

“Tôi sẽ luôn ngâm gạo và đỗ vào nước muối trắng chứ không chỉ đơn thuần là trộn muối vào gạo, có như vậy thì bánh rất đều và không bị mặn nhạt khác nhau. Khi gói bánh, tôi sẽ không dùng khuôn mà gói bằng tay để bánh được chặt hơn, ngon hơn. Khi luộc bánh, nước cứ sôi một lần là phải thay nước mới để bánh được trắng”, bà Sáu cho hay.

Với bánh tẻ - có nơi gọi là bánh lá hoặc bánh răng bừa vì trông chúng có hình dáng giống cái răng bừa, bà Sáu đặc biệt chú trọng vào khâu làm nguyên liệu: “Làm bánh tẻ thì sẽ lâu công hơn một chút. Tôi sẽ sử dụng mộc nhĩ của Việt Nam, đắt gấp rưỡi mộc nhĩ Trung Quốc để khi ngâm không bị nhớt, bánh sẽ giòn mềm. Thịt được sử dụng là thịt nạc vai, nạc lẫn với mỡ theo tỉ lệ 7/3. Loại bột được gói là bột làm bún, không xay, tôi ráo bột sống và bột gói sẽ dẻo đến khi hết xoong. Hành cũng phải dùng hành ta, đắt gấp 3 lần các loại hành khác, và công bóc cũng lâu hơn nhưng lại cực kỳ thơm và ít nước. Tôi chỉ dùng đặc mỡ lợn và không dùng dầu rán, như vậy bánh mới thơm ngon”.

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương
Bà Sáu bắt đầu chuyển đổi từ hệ thống củi sang nồi hơi, luộc bằng điện được 5 năm

Ngày càng có nhiều người yêu thích các loại bánh nhà bà Sáu. Vốn chuyên bán buôn, nhận thấy số lượng bánh ngày càng nhiều lên, vào các tháng cao điểm như dịp Tết, từ ngày 18 âm lịch đến cận Tết, nhà bà Sáu thường bán được từ 7 - 8 tạ gạo, có năm được 1 tấn. Thấy vậy, bà Sáu bắt đầu chuyển đổi từ hệ thống củi sang nồi hơi, luộc bằng điện được 5 năm. Hiện nhà bà có 4 nồi, 2 nồi lớn, 1 nổi vừa và 1 nồi bé. “Nói dễ hiểu thì nồi to nhất luộc vừa 60 cái bánh chưng dài, nồi vừa luộc được 40 cái, nồi bé luộc được 20 cái”, bà Sáu chia sẻ.

Trong một số thời điểm giá nước, nguyên liệu chênh lệch, nhiều nhà làm bánh xung quanh tăng giá, bà Sáu tuyệt nhiên chưa từng nghĩ đến việc thay đổi giá bán, bởi bà quan điểm: “Mọi người đã quen với mức giá cũ rồi, mà tôi thấy mình vẫn cáng đáng được mức giá cũ, thì tôi sẽ khéo léo gói thế nào cho vừa vẹn đôi bên, tôi ít lãi đi, mà khách vẫn được hưởng giá tốt. Lãi ít hay nhiều không quan trọng, có lãi là vui rồi!”

Bà Sáu kể rằng cũng có lần mẻ bánh bị ngoài ý muốn do nhiều yếu tố, dù cho nguyên nhân nào, được sự góp ý từ khách hàng, bà sẽ luôn nhận lỗi về mình, sẵn sàng đổi đợt bánh mới cho khách hoặc hoàn tiền. “Có một buổi bánh tẻ mà chị gái của chồng đặt, em dâu cho mượn tủ đựng bánh nhưng tủ hỏng tôi lại không được thông tin, thế là mẻ bánh đó bị chua, và tôi cũng bị mất lòng với gia đình chị gái chồng. Ngẫm lại thì dù nguyên nhân nào, cũng đều do tôi chưa cẩn thận, và tôi sẽ đều rút kinh nghiệm để bánh nhà mình ngon hơn, tốt hơn trong các đợt sau nữa!”, bà Sáu nhớ lại kỷ niệm làm bánh trước đây.

Khi gìn giữ nghề làm bánh cổ truyền là đam mê

Nghĩ lại về khoảng thời gian trước, bà Sáu cảm thấy rất đặc biệt. Lúc mới làm nghề, bà chưa biết gói, gói chưa đẹp và chậm, vậy mà giờ đây, có những ngày gói bánh từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nhà 3 người, 2 người gói 1 người buộc và gói xong được 1,6 tạ gạo, tương đương với hơn 300 cái bánh, và bà gói được 150 cái bánh vuông.

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương

Tay thoăn thoắt, miệng hàn huyên, bà Sáu hồi tưởng: “Làm cái nghề này là luôn phải theo mong muốn và thời gian của khách. Thường thì chiều 29 nhà tôi đã bán sạch và không còn bánh nhưng vẫn có người hỏi mua. Các con bảo mẹ ơi thôi nghỉ đi nhưng tôi nhất quyết không nghỉ được và lại tiếp tục gói bánh”.

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương

Bà yêu nghề làm bánh cổ truyền đến nỗi dù đã qua chừng ấy năm, nhưng mỗi khi hoàn thiện một chiếc bánh đẹp đẽ, thơm ngon, bà đều có cảm giác hạnh phúc và tự hào như lần đầu.

Chị Phạm Thu Phương, con gái đầu của bà Sáu tâm sự: “Mẹ tôi sao mà mê cái nghề này thế không biết, có những ngày tôi thấy mẹ dậy từ 2 giờ sáng chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh đến tận 11 giờ đêm. Tôi còn từng lên kế hoạch cho mẹ sắm Tết, hẹn lịch họ hết rồi nhưng mẹ tôi mải mê gói bánh và không đi làm đẹp luôn. Có đợt, tôi bảo mẹ ơi thôi đừng làm nữa, 29 Tết rồi, nhưng đêm có khách gọi, mẹ tôi như quên sạch mọi thứ, bật dậy chuẩn bị và chỉ nghĩ đến làm bánh thôi”.

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương

Trên khoảng sân rộng rãi, gia đình bà Sáu cùng những người thợ, mỗi người một việc, hối hả nhưng lại kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn. Mỗi công đoạn như xếp lá, cân đo thịt lợn, đồ đỗ, xát gạo, chắt nước, gói bánh, buộc bánh, luộc bánh đều được cả gia đình thực hiện nhanh gọn như một việc làm đã quá quen thuộc.

Bà Sáu, ở độ tuổi ngoài 50, vẫn ngày đêm làm bánh với niềm đam mê đến quên ăn quên nghỉ. Bà luôn nở nụ cười và nói: “Làm nhiều cũng mỏi, nhưng giờ vẫn đang ở độ tuổi cố gắng, mỏi thì mỏi nhưng mai ngủ lại hết”.

Thỉnh thoảng, bà Sáu ngơi tay bóp vai đấm lưng để đỡ mỏi nhưng mệt thì mệt, với bà khi thấy nhiều người yêu thích bánh nhà mình, nhiều người đặt hàng hơn là bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.

Ngắm nhìn từng chiếc bánh đã hoàn thiện, bà Sáu cảm thấy vô cùng vui vẻ và hãnh diện với nghề làm bánh truyền thống. Trong từng bánh đều có đôi bàn tay tỉ mẩn của người làm nghề, cần mẫn chọn từng nguyên liệu, gói thủ công từng chiếc bánh. Trong đó còn có cả chất xám, sự cân đo đong đếm để tạo nên hương vị trọn vẹn mà chỉ bánh nhà bà Sáu mới có. Hơn cả, đó là tình cảm, là tâm tư của một người yêu nghề. Chiếc bánh đầy đặn, ngon lành cứ vậy mà để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng thực khách.

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương
Các loại bánh của bà Sáu luôn được khách hàng đánh giá cao và quay trở lại mua tiếp

Khi làm bánh, bà Sáu luôn tâm niệm là chỉ tập trung tâm huyết và công sức vào sản phẩm của nhà mình, phải liên tục học hỏi để các sản phẩm bánh làm ra có chất lượng bánh cao hơn nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của bánh nhà mình. “Tôi không thích so sánh hay phán xét bánh nhà khác, mỗi gia đình đều có khách hàng riêng. Nếu họ ăn bánh hợp, thì họ sẽ ở lại. Tôi chỉ quan tâm làm thế nào để bánh đến tay khách hàng là chiếc bánh ngon nhất”, bà Sáu cười nói.

Người mẹ Việt miệt mài giữ trọn hương vị quê hương

Qua chừng ấy năm, bà Sáu đã trở thành một người phụ nữ dày dạn kinh nghiệm trong nghề. Bà Sáu bộc bạch, khi mà chọn nghiệp làm bánh cổ truyền, bà cũng mong sau này con cái, cháu chắt có thể có ai đó tiếp nối tay nghề của mình, nhưng gia đình bà cũng chưa từng bắt ép ai, mà chỉ luôn chờ đợi.

“Có lần tôi nói đùa là giờ các con không học gói thì mua của ai ăn bây giờ, chúng nó đáp lại là con mua bánh của mẹ. Đấy tụi nhỏ bây giờ hay mua bánh ngoài hết rồi chứ đâu có biết làm bánh đâu. Vì vậy, tôi vẫn cứ dạy cho các con, các cháu, để mấy đứa biết từng chiếc bánh được làm ra như thế nào, cẩn thận ra sao. Biết đâu lại có đứa thấm tình yêu nghề và nối nghề, tu nghiệp thì sao”, bà Sáu luôn mong là có thể truyền lại cho con cháu hiểu việc gìn giữ những giá trị văn hóa cổ truyền như vậy, để các con tự hào và chính bản thân cũng tự hào vì mình là một phần trong đó.

Hà Thu - Phạm Mạnh

Phạm Mạnh