Thứ ba 19/03/2024 17:30 Hotline: 0929242424 Email: [email protected] congan.hanoi.gov.vn

Người phụ nữ hơn một thập kỷ dành trọn yêu thương cho trẻ em khuyết tật

Phóng sự -
In bài viết

TTTĐ - Không tiếng trống trường rộn rã, cũng không có khuôn viên khang trang nhưng lớp học của cô Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bình dị, chan chứa tình yêu thương. Những đứa trẻ kém may mắn, khiếm khuyết, không thể hòa nhập với cộng đồng tề tựu về đây học tập theo phương pháp đặc biệt của cô Hòa. Từng là đứa trẻ rụt rè nép sau lưng mẹ ngày nào, giờ đây, nhiều em tự tin hơn, có thể đọc, viết và giao tiếp một cách bình thường.

Nghị lực của cô học trò khuyết tật Tuổi trẻ Chương Mỹ triển khai Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2021 Cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ vượt khó” về trẻ em khuyết tật

Làm được việc gì có ích cho đời thì hãy cố gắng

Năm 1992, cô Lê Thị Hòa tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây) và được phân công dạy học tại trường Tiểu học Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Sau một thời gian, cô chuyển công tác về trường Tiểu học Đông Sơn và làm Tổng phụ trách Đội từ đó cho tới nay.

Người phụ nữ hơn một thập kỷ dành trọn yêu thương cho trẻ em khuyết tật
Cô giáo Lê Thị Hòa ân cần chỉ dạy, uốn nắn từng nét chữ cho các em khuyết tật

Cô Hòa sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cả 2 bố mẹ đều là trẻ mồ côi và không biết chữ. Vì vậy, cô giáo Hòa luôn tâm niệm rằng, nếu làm được việc gì đó tốt có ích cho đời thì sẽ cố gắng làm.

Sau khi lấy chồng, thấy nhiều trẻ nhỏ trong xóm không đi học, hỏi ra mới biết các em đều bị khuyết tật trí tuệ. Nhìn thấy thương, cô Hòa rủ các em sang nhà chơi, ban đầu chỉ hướng dẫn các em tập hát, viết chữ, vẽ tranh trong căn bếp rộng chừng 10m2. Thời gian đầu có 23 cháu theo học, cứ lúc nào rảnh lại đến nhà để cô dạy. Các cháu cũng chưa được đi học bao giờ.

Sau đó, do học sinh tìm đến ngày một đông, nhà chật, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, năm 2007, cô Hòa đề nghị mượn nhà khách của chùa Hương Lan để dạy học.

Lớp đầu tiên được khai giảng vào ngày 14/9/2007 với 16 học sinh khuyết tật, 28 học sinh học yếu của trường Tiểu học Đông Sơn. Cô Hòa vừa làm nhiệm vụ chuyên môn tại trường Tiểu học Đông Sơn, vừa là cô giáo dạy trẻ em khuyết tật vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Việc dạy và học của cô, trò ở lớp học tình thương những ngày đầu gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất chật chội, đồ dùng dạy học thiếu thốn, việc giảng dạy cho các em nhỏ khuyết tật gặp nhiều trở ngại. Đa số học sinh ở lớp học tình thương đều bị khuyết tật bẩm sinh, tự kỷ, nhiều em phải ngồi xe lăn. Có em tính tình thất thường, bướng bỉnh. Khó khăn tiếp nối khó khăn, tưởng chừng như không thể duy trì được nhưng với sự động viên, giúp đỡ của đồng nghiệp, cô Hòa từng bước vượt qua và duy trì lớp học đến tận bây giờ.

Cô giáo Lê Thị Hòa với hành trình 12 năm “gieo chữ” nơi cửa Phật
Hành trình 12 năm “gieo chữ”cho những học sinh khuyết tật của cô khiến nhiều người nể phục

Mỗi trang giáo án là một trang cuộc đời học sinh

Không chỉ dừng lại ở việc dạy các em biết đọc, biết viết, điều đặc biệt ở cô Hòa sự thấu hiểu và đồng cảm với những học trò khuyết tật của mình. Chính vì lẽ đó, 12 năm miệt mài dạy trẻ khuyết tật là 12 năm cô không theo bất kỳ một trang giáo án soạn mẫu nào. Bởi lẽ học sinh ở lớp học tình thương em nào cũng mang khiếm khuyết. Em thì không nói được, em thì bị khiếm thính, em thiểu năng trí tuệ, tật nguyền... Vì thế, trong mỗi tiết học, cô Hòa phải cố gắng phân tách từng đối tượng và khả năng tiếp thu rồi chia thành nhóm nhỏ, từ đó truyền đạt kiến thức theo nhiều cách khác nhau giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ. Một buổi học có khi áp dụng linh hoạt nhiều giáo án khác nhau.

Dù vậy, bấy nhiêu năm cô Hòa chưa bao giờ nản chí và chưa từng dao động muốn bỏ cuộc. Thậm chí khó khăn chỉ khiến cô càng quyết tâm hơn. Nhiều trường hợp học sinh bỏ ngang, cô Hòa lại dành thời gian đến từng gia đình để vận động, động viên phụ huynh cho các em đến lớp.

Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vậy, hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, cô Hòa lại dành thời gian vào mạng tra cứu thông tin, đọc báo và thậm chí phải khăn gói lên tận các trung tâm dạy học dành cho người khuyết tật để học hỏi thêm kinh nghiệm của những đồng nghiệp đi trước. Từ đó, cô tự chắt lọc kiến thức và rút ra những phương pháp phù hợp nhất đối với học sinh của mình.

Theo cô Hòa, để hiểu và nhớ một đoạn thơ, một bài hát, cả cô và trò có thể phải mất tới vài ba tháng, thậm chí nửa năm. Ngược lại, quyết tâm của cô chưa bao giờ nguội tắt, hành trình với trẻ em khuyết tật chưa bao giờ gián đoạn.

Tình thương, sự tận tụy của cô giờ đây đã bắt đầu ra trái ngọt. Từ lớp học bình dị này, nhiều em có thể tốt nghiệp, hòa nhập với cộng đồng như em Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân (ở xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ). Trong số, 58 em theo học thì có khoảng 30 em biết chữ, biết hát. Một số em cũng đã tìm được việc làm, nuôi sống được bản thân mình và luôn nhớ đến công lao của cô và gọi với cái tên vô cùng giản dị nhưng chứa đựng đầy tình thương yêu “mẹ Hòa”. Người “mẹ” đã không ngại gian khó, uốn nắn từng nét chữ, tiếp thêm nghị lực sống để các em thêm vững bước và thành công như ngày hôm nay.

Thấu hiểu được những thiệt thòi của những em nhỏ khuyết tật, cô Hòa còn thường xuyên cùng đồng nghiệp tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh tham quan di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ... từ đó khơi gợi lòng biết ơn, lòng trắc ẩn trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.

Từ những trang giáo án không soạn mẫu của cô giáo Hòa, lớp học tình thương Hương Lan và những ước nguyện: “Em muốn làm công nhân”, “Em muốn làm cô giáo”… đã được nuôi dưỡng để nhiều trẻ em thiệt thòi có cơ hội biết đọc, biết viết và từ đó có cơ hội cống hiến những giá trị riêng biệt cho cuộc đời.

Ánh Dương
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Những chuyện cảm động ở điểm cấp căn cước công dân

Những chuyện cảm động ở điểm cấp căn cước công dân

TTTĐ - Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, cán bộ, chiến sĩ Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các chiến dịch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp… theo lộ trình đề ra. Đón Tết Giáp Thìn năm nay, người dân, doanh nghiệp có thêm niềm vui khi các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Thăng trầm làng đúc đồng trăm tuổi

Thăng trầm làng đúc đồng trăm tuổi

TTTĐ - Nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ thế kỷ thứ XVIII, do hai nghệ nhân sau khi học nghề ở phủ Thừa Thiên đã đem về truyền dạy tại Phú Lâm, rồi chuyển tới làng An Hội (Gò Vấp). Một thời vàng son đã qua, giờ đây chỉ còn lại 4 hộ vẫn tiếp nối truyền thống, bền bỉ giữ lửa trao truyền cho con cháu.
Thực trạng chốn "ăn chơi" bậc nhất TP Hồ Chí Minh

Thực trạng chốn "ăn chơi" bậc nhất TP Hồ Chí Minh

TTTĐ - Tuy được mệnh danh là chốn ăn chơi bậc nhất "Sài thành" nhưng thực tế nhiều mô hình nhà hàng, bar, pub lounge, karaoke… tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh lại đang ẩn khuất nhiều vấn đề và bất cập. Thậm chí, nhiều địa điểm đã nhận quyết định xử phạt nhưng có vẻ như “muỗi đốt inox”.
Tin khác
[Xem thêm]
Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong

Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong

TTTĐ - Khi người dân chuyển về khu tái định cư đã phát hiện nhiều bất cập khiến các hộ dân “đi không được, ở cũng không xong”. Thậm chí, có hộ dân phải “bỏ của chạy lấy người”...
Bài 3: Thủ đô tiên phong

Bài 3: Thủ đô tiên phong

TTTĐ - Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” được cho là "liều thuốc" hữu hiệu.
Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính”

Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính”

TTTĐ - Chỉ thị 24 - cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám nhận việc khó - là cách chữa trị đầu tiên tung ra giữa lúc cả xã hội đang cần một biện pháp hữu hiệu để điều trị căn bệnh trầm kha.
Xử lý nghiêm khi phát hiện trồng và sử dụng cây thuốc phiện

Xử lý nghiêm khi phát hiện trồng và sử dụng cây thuốc phiện

TTTĐ - Tình hình trồng trái phép cây có chứa chất ma túy có diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi “lách luật”. Nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ lan rộng. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi trồng cây thuốc phiện, cây có chứa chất ma túy trái phép trên địa bàn.