Học kì 1 năm học 2021 - 2022 sắp kết thúc, trong khi sinh viên vẫn chưa được tới trường. Vấn đề gian lận thi cử trong kì thi online càng nóng bỏng, cần có những giải pháp phù hợp.

“Bắt buộc” phải thích ứng với hoàn cảnh, nhiều trường đại học đã thay đổi linh hoạt hình thức kiểm tra đánh giá chất lượng dạy và học cuối kì: Từ thi tập trung theo hình thức truyền thống sang hình thức thi trực tuyến trực tiếp (thi online) hay trực tuyến gián tiếp (bài tập lớn, báo cáo).

Theo số liệu từ ProctorU - công ty cung cấp dịch vụ theo dõi người dự thi và kiểm tra ID, tỷ lệ sinh viên gian lận chỉ dưới 1% trong số 340.000 bài thi từ tháng 1-3/2020. Khi áp dụng hình thức thi trực tuyến có giám thị theo dõi từ xa, tỷ lệ sinh viên gian lận đã tăng trên 8% trong 1,3 triệu bài thi từ tháng 4-6/2020.

Có thể nói, dù là thi với hình thức nào, nhà trường đều phải đối diện với nguy cơ gian lận thi cử tăng cao và khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Sinh viên trở thành những “dân chuyên” công nghệ với đủ “ngón nghề hack điểm” trong thi cử.

“Gian lận “đa nền tảng” là có thật khi sinh viên hoàn toàn có thể trao đổi bài qua Facebook, chat Zalo, call messenger... hay truy cập tài liệu trên máy tính, thiết bị, tinh vi hơn là nhờ thi hộ, dùng các nền tảng công nghệ cao khác để có thể kết nối và điều khiển 2 máy tính xa nhau”, bạn Nguyễn Dương Việt Anh - sinh viên Đại học Ngoại thương cho biết.

Thi online thường có đặc thù riêng, do đó, các sinh viên nắm bắt được lỗ hổng sẽ rất dễ “lách luật”. Chia sẻ thêm về một số mánh khóe của các “chuyên gia” trong làng gian lận, bạn Nguyễn Phương Thảo - sinh viên năm 3 ngành Dinh dưỡng của Đại học Y Hà Nội cho biết: “Sinh viên thi trên web có thể sẽ mở thêm một tab bên cạnh để vừa đọc đề thi, vừa tra mạng tìm đáp án; Hoặc do đặc thù không cần bật mic, các bạn có thể nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ ở một góc khuất nào đó không dính vào khung hình.

Ngoài ra, sinh viên có thể gọi trực tiếp cho nhau hoặc sinh viên thi ca trước có thể chụp đề gửi cho sinh viên thi ca sau biết nội dung đề và cấu trúc ra đề”.

Theo nhiều chuyên gia, Covid-19 là cú hích lớn trong đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Khi dịch bệnh kéo dài, việc chuyển sang các hình thức dạy, học và thi trực tuyến gần như là một điều bắt buộc đối với tất cả các cơ sở đào tạo.

Thực tế vẫn có trường đại học kiên trì với hình thức thi offline. Trong học kỳ gần nhất, Đại học Y Hà Nội chỉ tổ chức online với một môn học duy nhất. "Thời gian qua, trường mình đã lùi lịch thi của sinh viên của các khóa trước sang đợt kiểm tra của năm sau để đánh giá năng lực của sinh viên công bằng hơn", Nguyễn Phương Thảo, sinh viên năm 3, ngành Dinh dưỡng cho biết.

Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở một số ít trường đặc thù. Bởi việc trì hoãn thi quá lâu có thể gây lãng quên kiến thức, phát sinh thời gian ôn tập nhiều lần cho sinh viên. Bạn Nông Thị Hà, Phó Bí thư Chi đoàn Truyền thông đại chúng K39A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Rất đáng quan ngại vì việc ứ đọng lịch kiểm tra có thể sẽ tạo áp lực cho đội ngũ giảng viên khi trở lại giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tại giảng đường”.

Là chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, PGS. TS Trần Đăng Hưng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Sư Phạm Hà Nội phân tích: "Để triển khai việc dạy học và thi trực tuyến hiệu quả, trường đại học cần đào tạo, tập huấn cho giáo viên, học sinh các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản để sử dụng thành thạo các công cụ. Bên cạnh đó, nhà trường phải xây dựng quy trình dạy học trực tuyến một cách chặt chẽ, đảm bảo tính thông suốt và bảo mật tối đa cho cả người dạy và người học".

Theo PGS. TS Trần Đăng Hưng, một yếu tố khác quan trọng không kém là các cơ sở đào tạo cần làm chủ cơ sở hạ tầng, mạng Internet, các phần mềm. Tại các quốc gia lớn trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ vào thi trực tuyến đã được áp dụng từ những làn sóng dịch đầu tiên.

Bạn Lê Khánh Huyền - du học sinh ngành Quan hệ Quốc tế và Khoa học chính trị, đại học Eötvös Loránd, Hungary, cho biết: “Nhà trường có hai phương thức thi đặc biệt. Thứ nhất là thi trên nền tảng số và gọi video trong lúc thi. Với phương thức này thì thầy cô cũng không biết được là mình đang làm gì ở máy. Thứ hai là cần sử dụng đồng thời camera máy tính, camera quay được bàn phím laptop và chia sẻ màn hình. Theo quy định, trong thời gian thi thì cả hai tay mình không được rời khỏi bàn phím”.

Tại Việt Nam, quy chế thi trực tuyến yêu cầu đặt thêm một camera có kết nối với hệ thống thi trực tuyến đã được tính đến. Tuy nhiên, phương án này vẫn bộc lộ những hạn chế vì vùng nhìn thấy của thiết bị hẹp, nhiều sinh viên không có điều kiện kinh tế để đầu tư thiết bị; Số lượng cán bộ giám sát không đủ bao quát toàn bộ thí sinh dự thi. Đó là chưa kể đến các vấn đề đường truyền kém, nhận diện người thi hộ...

Ghi nhận tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS. TS Trần Thanh Giang, Trưởng ban Quản lý đào tạo cho biết, trước khi triển khai thi trực tuyến, nhà trường đã tổ chức thí điểm nhiều đợt thi thử để tạo cơ sở đánh giá quy trình tổ chức, các điều kiện cần thiết và điều chỉnh ngày càng chặt chẽ hơn những lỗ hổng trong quản lý thi trực tuyến.

Nhằm khắc phục những hạn chế của kỳ thi online, các cơ sở đào tạo đã nghĩ ra nhiều cách “vượt khó”. Bạn Trần Lê Hiệp, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Các môn mang tính thực hành và vận dụng cao hoặc điều kiện thiết bị của sinh viên không cho phép thì các giảng viên sẽ tiến hành vấn đáp sinh viên”.

Tại Đại học Ngoại thương, nhiều môn thi tự luận yêu cầu sinh viên quét (scan) bài làm đã viết tay và đính kèm ảnh chụp thẻ sinh viên trên nền tảng Microsoft Teams. Với một số môn, nhà trường tổ chức thi trên các nền tảng chuyên biệt có khả năng phát hiện hành vi mở, chuyển sang các trang khác như Test Portal.

Một cách kiểm tra trực tuyến phổ biến khác trong đại dịch là làm tiểu luận. Thường áp dụng cho các môn học đại cương, có dung lượng lý thuyết lớn, hình thức này ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm quy chế thi trực tuyến bằng đạo văn.

Bạn Lê Khánh Huyền cho biết, tại đại học Eötvös Loránd, Hungary, giảng viên sử dụng nhiều phần mềm chuyên dụng để kiểm tra đạo văn như Turnitin. Nếu phát hiện vi phạm, sinh viên sẽ bị đánh trượt hoặc gửi mail nhắc nhở, sinh viên không giải thích. Thậm chí, các nội dung trích dẫn không ghi nguồn cũng có thể xử lý tương tự vì đạo ý tưởng.

Theo PGS. TS Trần Thanh Giang, Việt Nam đã có một số phần mềm để kiểm tra sao chép tài liệu song chưa nhiều. Việc phát hiện phần nhiều dựa trên kinh nghiệm của giảng viên. Đối với hình thức kiểm tra trực tuyến, có thể nói hiện tại chưa có giải pháp tuyệt đối cho vấn đề gian lận.

“Tuy nhiên, điều này cũng không quá lo ngại, nếu các cơ sở giáo dục triển khai các quy trình kiểm tra một cách chặt chẽ; Thay đổi phương pháp và hình thức đánh giá để phù hợp với học và thi trực tuyến. Một trong những cách làm là tăng cường thi trắc nghiệm và thi theo hình thức đề mở, đồng thời tăng cường giáo dục người học về ý thức liêm chính trong thi cử”, PGS. TS Trần Đăng Hưng nhận định.

Nội dung: Nhóm PV

Thiết kế: Lý Thu Hằng, Thái Quân