Thứ ba 19/03/2024 09:51 Hotline: 0929242424 Email: [email protected] congan.hanoi.gov.vn

Những “dũng sĩ xanh” trên “đất thép”

Phóng sự -
In bài viết

TTTĐ - Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) mấy chục năm gần đây nổi tiếng với nghề cơ kim khí, đến mức dân trong vùng gọi xã ấy là “đất thép”. Đáng tiếc, trong đợt bùng phát thứ 4, virus SARS-CoV-2 đã xuyên thủng phòng tuyến “đất thép”, khiến cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn, vất vả. Trong cơn bĩ cực ấy, những thanh niên xã Phùng Xá đã tập hợp lại, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ bà con suốt hơn một tháng vừa qua.

Thạch Thất: Mặt trận nào cũng có bóng áo xanh... Khi người dân cùng “bám chốt”

Những dũng sĩ của làng thép

Từ sáng sớm 29/8, bà M (trú tại xóm Sâu, thôn Vĩnh Lộc 2, xã Phùng Xá, Thạch Thất) cứ đi đi lại lại trong sân, mặt mày căng thẳng, ra chiều sốt ruột. Hàng chục ngày qua, bà M mất việc phụ giúp trong xưởng đột dập, chút tích lũy ít ỏi đã dần khô cạn. Xung quanh khu vực xóm Sâu, chỗ nào cũng treo biển “vùng đỏ”, báo hiệu các ca F0 xuất hiện khắp nơi và nguy cơ luôn luôn cũng hiện hữu. Vì thế, bà M chẳng dám đi đâu.

Những chiếc xe ba gác chở tình nguyện viên thôn Vĩnh Lộc 2 mang thực phẩm đến cho người dân
Những chiếc xe ba gác chở tình nguyện viên thôn Vĩnh Lộc 2 mang thực phẩm đến cho người dân

Chờ đến khoảng 9 giờ, nghe tiếng xe ba gác lạch cạch từ xa xa, gương mặt bà M bừng lên rạng rỡ. Cứu cánh của bà đã đến rồi! Trên chiếc xe hàng ngày chuyên chở sắt thép, lênh khênh mấy người mặc quần áo bảo hộ màu xanh, khẩu trang và tấm chắn che kín mặt nhưng bà M vẫn nhanh chóng nhận ra họ. Kia là anh Nguyễn Đình Đông, đảng viên, vốn là Trưởng Công an xã Phùng Xá; Còn kia là anh Thành, rồi chị Loan, chị Vân... đều là người làng, người nước cả. Trước kia, bà M cũng không thân thiết với họ lắm, gặp nhau ngoài đường chỉ gật đầu chào. Bây giờ, họ là những người mang đến hy vọng cho bà. Cụ thể hơn, họ mang đến thực phẩm để bà M chống chọi với những ngày tháng khó khăn này.

"Hành động từ cái tâm sẽ chạm đến trái tim của mọi người. Chỉ cần quê hương Phùng Xá vượt qua dịch bệnh, đó sẽ là phần thưởng lớn nhất đối với anh em chúng tôi" - anh Nguyễn Đình Đông cho hay

Nhanh nhẹn, khẩn trương, mấy người trên chiếc xe ba gác chuyển đến tay bà M đủ thứ, từ gạo, thịt, rau và thêm cả gói lạc rang. Họ động viên bà cố gắng thêm vài ngày, chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm qua. Chẳng để bà kịp cảm ơn, họ nhảy lên xe ba gác. Xe lắc lư đưa mấy người áo xanh đến nhà bên cạnh, tiếp tục tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, giống như công việc mà họ đã thực hiện suốt hơn một tháng vừa qua.

Thành viên của đội thiện nguyện thôn Vĩnh Lộc 2 chính là người dân trong thôn
Thành viên của đội thiện nguyện thôn Vĩnh Lộc 2 chính là người dân trong thôn

Đội thiện nguyện thôn Vĩnh Lộc 2 được thành lập từ khi thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17 về giãn cách xã hội nhằm đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Hoạt động của họ hoàn toàn tự nguyện, thành viên là chính là người dân trong thôn Vĩnh Lộc 2, đội trưởng là anh Nguyễn Đình Đông. Bắt đầu từ việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng nặng do dịch bệnh và cách ly y tế, hiện nay, đội thiện nguyện thôn Vĩnh Lộc 2 mở rộng cung cấp thực phẩm đến vài chục hộ gia đình, bao gồm người già neo đơn, những người mất thu nhập, “địa chỉ đỏ” cách ly y tế. Bên cạnh những hoạt động an sinh xã hội tích cực từ chính quyền xã Phùng Xá, sự hỗ trợ của đội thiện nguyện đã trở thành niềm an ủi cả về vật chất và tinh thần đối với người dân. Ai đó đã gọi vui rằng họ chính là những dũng sĩ của làng thép.

Hỗ trợ tích cực cho chính quyền trong phòng chống dịch

Tương truyền, ngày xưa, trong thời gian đi xứ Trung Quốc, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), đã học tập được kỹ thuật sản xuất cày bừa của người Trung Quốc. Sau khi về nước, cụ đã truyền dạy lại nghề này cho dân làng Vĩnh Lộc, Phùng Xá. Từ đó, Phùng Xá được biết đến với nghề cơ kim khí sản xuất cày, bừa, cuốc, xẻng nhưng quy mô vẫn dừng lại ở hộ gia đình, nhỏ lẻ. Kể từ thời điểm năm 2006, khi Cụm công nghiệp Cơ kim khí Phùng Xá ra đời, giải quyết được vấn đề quan trọng là mặt bằng để làm xưởng sản xuất, Phùng Xá đã “lột xác” với sự ra đời của hàng trăm doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ.

Sự hỗ trợ của đội thiện nguyện đã giúp người dân bớt khó khăn trong dịch bệnh
Sự hỗ trợ của đội thiện nguyện đã giúp người dân bớt khó khăn trong dịch bệnh

Bình thường, cuộc sống của người dân Phùng Xá rất phồn thịnh, tuy nhiên, đại dịch Covid -19 càn quét đã biến vùng đất này trở thành tiêu điều. Ông Phùng Ngọc Nam (Chủ tịch UBND xã Phùng Xá) buồn bã cung cấp thông tin, trên địa bàn toàn xã thời gian qua ghi nhận 62 ca F0, còn số lượng F1 phải tính đến hàng trăm. Nhiều khu vực trong xã bị phong tỏa như ngõ Xóm tại xóm Chợ Mới, thôn Bùng, (gồm 4 hộ, 14 nhân khẩu), ngõ Xóm tại xóm Trại Quýt, thôn Bùng (gồm 2 hộ với 10 nhân khẩu) và ngõ Xóm tại xóm Trại Quýt, thôn Bùng (gồm 7 hộ với 29 nhân khẩu).

Các cơ sở sản xuất đóng cửa, những gia đình khá giả chưa đến mức vất vả song những người lao động chân tay, phụ trợ trong xưởng kim khí nhanh chóng rơi vào cảnh túng quẫn. Chính lúc gian nan như vậy, phát huy lực nội tại là yếu tố vô cùng quan trọng. Sự ra đời và hoạt động của những đội thiện nguyện tại thôn Vĩnh Lộc, thôn Bùng khiến công tác an sinh xã hội của địa phương càng thêm hiệu quả.

Ông Phùng Ngọc Nam bày tỏ: “Làng Bùng, An Trang, Vĩnh Lộc đều có đội thiện nguyện. Những đội thiện nguyện này giúp chính quyền rất nhiều, hầu hết việc phát quà hỗ trợ đến tận gia đình phải nhờ đến các đội thiện nguyện. UBND xã tạo điều kiện cho các đội hoạt động, đồng thời cũng đảm bảo tính minh bạch bằng cách lập danh sách thành viên tham gia thiện nguyện trong từng đợt giãn cách xã hội. Hơn nữa, các đội còn huy động kinh phí riêng của từng thôn, tổ chức một lán xưởng, sau đó chia nhỏ từng suất, rau, đậu phụ, lạc rang, thịt cá... tất cả các loại để mang tới cho người dân. Phải nói là đội chu đáo; Hoạt động của đội rất ý nghĩa, được địa phương và Nhân dân ghi nhận”.

Mỗi sự giúp đỡ, dù nhỏ bé, đều có ý nghĩa to lớn
Mỗi sự giúp đỡ, dù nhỏ bé, đều có ý nghĩa to lớn

Được sự động viên của chính quyền, anh Đông, anh Thành... có thêm động lực để tiếp tục công việc thiện nguyện. Việc làm của họ không xuất phát từ mưu cầu hư vinh mà họ mong sẽ mang những giá trị thực chất đến người dân thôn quê đang vất vả chống chọi với dịch bệnh.

Quan trọng không kém, họ dự định tiếp tục công việc với tấm lòng trong sáng như lúc ban đầu, để không ai có thể gợn lên chút chộn rộn nào xung quanh công việc thiện nguyện mà họ đang tiến hành. Nói như anh Nguyễn Đình Đông có lẽ rất đúng: “Chúng tôi bảo nhau không động chạm gì đến những quà cáp, tiền bạc mà các “mạnh thường quân” ủng hộ đội thiện nguyện, dù chỉ là một chai nước. Hành động từ cái tâm sẽ chạm đến trái tim của mọi người. Chỉ cần quê hương Phùng Xá vượt qua dịch bệnh, đó sẽ là phần thưởng lớn nhất đối với anh em chúng tôi”.

Vũ Cường
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Những chuyện cảm động ở điểm cấp căn cước công dân

Những chuyện cảm động ở điểm cấp căn cước công dân

TTTĐ - Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, cán bộ, chiến sĩ Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các chiến dịch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp… theo lộ trình đề ra. Đón Tết Giáp Thìn năm nay, người dân, doanh nghiệp có thêm niềm vui khi các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Thăng trầm làng đúc đồng trăm tuổi

Thăng trầm làng đúc đồng trăm tuổi

TTTĐ - Nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ thế kỷ thứ XVIII, do hai nghệ nhân sau khi học nghề ở phủ Thừa Thiên đã đem về truyền dạy tại Phú Lâm, rồi chuyển tới làng An Hội (Gò Vấp). Một thời vàng son đã qua, giờ đây chỉ còn lại 4 hộ vẫn tiếp nối truyền thống, bền bỉ giữ lửa trao truyền cho con cháu.
Thực trạng chốn "ăn chơi" bậc nhất TP Hồ Chí Minh

Thực trạng chốn "ăn chơi" bậc nhất TP Hồ Chí Minh

TTTĐ - Tuy được mệnh danh là chốn ăn chơi bậc nhất "Sài thành" nhưng thực tế nhiều mô hình nhà hàng, bar, pub lounge, karaoke… tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh lại đang ẩn khuất nhiều vấn đề và bất cập. Thậm chí, nhiều địa điểm đã nhận quyết định xử phạt nhưng có vẻ như “muỗi đốt inox”.
Tin khác
[Xem thêm]
Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong

Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong

TTTĐ - Khi người dân chuyển về khu tái định cư đã phát hiện nhiều bất cập khiến các hộ dân “đi không được, ở cũng không xong”. Thậm chí, có hộ dân phải “bỏ của chạy lấy người”...
Bài 3: Thủ đô tiên phong

Bài 3: Thủ đô tiên phong

TTTĐ - Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” được cho là "liều thuốc" hữu hiệu.
Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính”

Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính”

TTTĐ - Chỉ thị 24 - cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám nhận việc khó - là cách chữa trị đầu tiên tung ra giữa lúc cả xã hội đang cần một biện pháp hữu hiệu để điều trị căn bệnh trầm kha.
Xử lý nghiêm khi phát hiện trồng và sử dụng cây thuốc phiện

Xử lý nghiêm khi phát hiện trồng và sử dụng cây thuốc phiện

TTTĐ - Tình hình trồng trái phép cây có chứa chất ma túy có diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi “lách luật”. Nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ lan rộng. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi trồng cây thuốc phiện, cây có chứa chất ma túy trái phép trên địa bàn.