eMag azine
03/12/2022 15:00
Tinh thần cấp ủy - "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển

03/12/2022 15:00

TTTĐ - Năm 2022 là một quãng đường đáng kinh ngạc đối với nền kinh tế của Hà Nội. Từ chỗ "đi từng bước chắc chắn" trong phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực ngoài sức tưởng tượng.

phát triển

Hà Nội đã có một năm nỗ lực vượt khó, với những thành quả đáng ghi nhận. Từ chỗ "đi từng bước chắc chắn" trong phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực ngoài sức tưởng tượng. Tính tới tháng 11/2022, thành phố đạt và vượt tất cả 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá cao, đạt 8,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng 8%). Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 774,1 nghìn tỷ đồng; GRDP/người đạt 142,3 triệu đồng.

Những thống kê nói trên sẽ không có gì là quá tự hào nếu như không đặt quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của Hà Nội năm 2022 trong một bối cảnh đầy khó khăn thách thức bởi những hệ lụy từ đại dịch COVID-19 dai dẳng đeo bám suốt hơn 2 năm trước đó và Hà Nội, trái tim của cả nước, mang trên vai những trọng trách nặng nề.

Nhìn nhận lại cả một quá trình đầy khó khăn và thách thức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, tiền đề quan trọng để đạt được những kết quả tích cực đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền sâu sát, phù hợp với thực tiễn, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở, từ trong Đảng, chính quyền tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Sốc lại tinh thần, ý chí, nghị lực

Dịch bệnh COVID-19 đã để lại những hệ lụy không nhỏ trên các mặt đời sống mà tác hại tiêu cực nhất là làm sụt giảm tinh thần, ý chí của các đơn vị, Sở, ngành và người dân, doanh nghiệp. Sốc lại tinh thần của cả hệ thống cùng với một kế hoạch bài bản là yêu cầu, đòi hỏi bứt thiết đặt ra đối với các cấp ủy, chính quyền thành phố ngay từ đầu năm 2022.

Lên dây cót chiến đấu trong toàn hệ thống

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương coi chống dịch như chống giặc, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Hà Nội không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Năm 2021, GRDP của Hà Nội chỉ đạt 2,92% - thấp hơn kế hoạch năm (7,5%) và thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 (4,18%).

Mức tăng trưởng không cao nhưng khá chắc chắn nhờ mở cửa dần từng bước, vừa mở vừa đánh giá thận trọng. Thời điểm đó, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố tập trung chuyển trạng thái từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển

Ông nêu rõ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Thành phố cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch COVID-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Mục tiêu, kế hoạch đã được đặt ra nhưng để thực hiện được rõ ràng cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài sự quyết tâm của thành phố, phải làm thế nào để lên giây cót tinh thần cho các cấp, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp. Làm thế nào để tất cả cùng vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.

Trong các cuộc họp liên tục của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đặc biệt lưu ý yêu cầu siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật công vụ trên các lĩnh vực, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển.

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng từ khu vực cầu Am đến cầu La Khê (quận Hà Đông)
Các đồng chí lãnh đạo Thành phố kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng từ khu vực cầu Am đến cầu La Khê (quận Hà Đông)

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nhớ lại, đầu tháng 3/2022 Hà Nội lên tới đỉnh dịch COVID-19, tuy nhiên, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các giải pháp, kế hoạch đã được giao cho Sở, ngành theo tinh thần rõ người, rõ trách nhiệm; Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Thành phố rất quan tâm đến các ngành nghề, những ngành nào ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì tập trung phát triển, những ngành bị ảnh hưởng nhiều như thương mại, dịch vụ, du lịch thì có giải pháp thích ứng kịp thời.

Sự cộng hưởng tích cực từ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế cùng sự sát sao của lãnh đạo thành phố đã giúp doanh nghiệp dần hứng khởi, trở lại thị trường sau hai năm “sóng gió”.

Quý I/2022, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét khi các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều dấu hiệu tích cực như: Tăng trưởng 5,83% (cả nước ở mức 5,03%) đúng với khung kịch bản tăng trưởng của thành phố. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thị trường du lịch có dấu hiệu ấm lên với nhiều hoạt động được tái khởi động trở lại. Khách du lịch đến Hà Nội (có lưu trú) trong tháng 3 đạt 111.000 lượt, tăng 2,78% so với tháng 2 và tăng 22% so với cùng kỳ... An sinh xã hội được bảo đảm. Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 50 nghìn lao động, tăng 29,2%; Hỗ trợ hơn 2,31 triệu đối tượng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo nghị quyết của Chính phủ với kinh phí hơn 2.353 tỷ đồng.

Để tăng tốc phát triển kinh tế, Hà Nội yêu cầu tất cả cấp, ngành, đơn vị tranh thủ tốt nhất điều kiện thuận lợi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tập trung đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; Tăng tốc phát triển trong quý II, III để bảo đảm mục tiêu về đích trong quý IV.

Thành phố cũng quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; Thực hiện miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ người lao động...; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường lưu thông kết nối cung cầu hàng hóa, kích cầu du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển

Kết quả, kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện. TP đã hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2022, trong đó, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Thành phố Hà Nội hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao tăng 6,8% so với dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch. Sản xuất, kinh doanh phục hồi; Các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục lại; Thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển.

Tạo kỳ tích từ những chỉ đạo quyết liệt

Kết quả thành phố đạt được không chỉ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mà đặc biệt còn hoàn thành những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, xây dựng cơ sở định hướng chiến lược, lâu dài cho Thủ đô phát triển như: Báo cáo, đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Ban hành nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; Quyết định đầu tư mạnh vào 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Nhìn vào danh sách các nhiệm vụ phải triển khai trong năm 2022 mới thấy rằng, nếu công tác lãnh đạo, chỉ đạo không đổi mới, không quyết liệt thì khó hoàn thành. Như Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhận định, tiền đề quan trọng để đạt được những kết quả tích cực đó là thành phố đã chủ động thực hiện, cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nổi bật là thực hiện nhuần nhuyễn nhiệm vụ thích ứng an toàn, thiết lập trạng thái bình thường mới, mở cửa hoàn toàn để phục hồi, phát triển kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền sâu sát, phù hợp với thực tiễn, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở, từ trong Đảng, chính quyền tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định

Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, năm 2022 là năm rất khó khăn nhưng sự điều hành của cấp ủy là quyết liệt hơn hẳn. Trong bối cảnh chính trị và dịch bệnh những tháng đầu năm, tinh thần làm việc của các Sở, ngành đều uể oải, “xuống dốc”. Tuy nhiên, bước sang quý II và đặc biệt là sau hàng loạt các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường trực, Thường vụ Thành ủy, tinh thần làm việc đã có những chuyển biến rõ rệt.

“Ngay trước Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 8, chúng ta bàn rất nhiều về GRDP và phải quyết tâm lắm mới dám đặt chỉ tiêu là 7,5%. Thậm chí, sau khi đặt ra con số này cũng còn không ít hoài nghi. Tuy nhiên tới thời điểm này, GRDP của thành phố là 8,8%. Điều đó là kỳ tích, cho thấy sự chỉ đạo từ trên xuống dưới rất sát”, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nhìn nhận.

Trong sự quyết liệt triển khai các giải pháp để phục hồi kinh tế, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tập trung, có đổi mới, trọng tâm trọng điểm của Thường trực Thành ủy, UBND TP chính là mấu chốt quan trọng nhất.

Nhìn nhận lại những kết quả của địa phương trong 1 năm đầy khó khăn vừa qua, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, tinh thần ấy có được là từ cách thức chỉ đạo, lãnh đạo của thành phố trong các nhiệm vụ lớn tới các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Chính điều đó đã tạo sự lan tỏa tới các quận, huyện. Sự gương mẫu, nêu gương, quyết liệt từ những người đứng đầu các cấp ủy đã lan tỏa, “kéo” cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc giải quyết những khó khăn ở địa phương.

Quận Tây Hồ thu ngân sách nhà nước đạt hơn 3.619 tỷ đồng

Năm 2022, quận Tây Hồ được thành phố giao thu ngân sách 2.500 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 10/2022, quận đã thu được khoảng 3.700 tỷ đồng; 17 trong số 21 chỉ tiêu của năm 2022 đã đạt và vượt; Giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt 70%, nằm trong tốp đầu của TP; Thu ngân sách đạt 4.200 tỷ đồng, đạt 165% TP giao.

Để ra được những con số "đẹp" như vậy, cả hệ thống chính trị của quận đã cùng vào cuộc, nhất là vai trò cầm trịch với nhiều đổi mới của cán bộ chủ chốt. Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, hằng tuần Thường trực Quận ủy đều yêu cầu Ban quản lý dự án quận báo cáo tình hình tiến độ các dự án, có gì vướng mắc để tháo gỡ ngay. Nhiều cuộc họp kéo dài từ chiều đến tối muộn để bàn bạc, thảo luận, tìm ra các giải pháp tháo gỡ.

Rõ ràng, khi yêu cầu, trách nhiệm được nâng lên, các cấp ủy đã chủ động chọn việc khó, việc còn vướng mắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Những con số tăng trưởng tăng lên, trong khi nhiều vấn đề dân sinh bức xúc giảm xuống là minh chứng không thể sinh động hơn cho hiệu quả từ cách làm này.

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển
Siết chặt kỷ cương, tăng cường sáng tạo

Xuyên suốt trong thực hiện các nhiệm vụ của năm 2022, chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển” được các cấp ủy, chính quyền từ TP tới cơ sở hết sức coi trọng, coi đây như “sợi chỉ đỏ” để khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch.

Trong gian khó, nhiều ý tưởng lóe sáng, phút chốc trở thành những ngọn đuốc soi đường trong hành trình phục hồi nền kinh tế Thủ đô

Coi du lịch làm động lực phục hồi kinh tế

Là quận trung tâm của thành phố phát triển chủ lực ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch nên khi dịch COVID-19 bùng phát, quận Hoàn Kiếm đã gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, vui chơi giải trí... suy giảm mạnh.

Vì thế, ngay khi thành phố bắt đầu mở cửa (tháng 3/2022), UBND quận Hoàn Kiếm ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch. Trong đó, nêu rõ định hướng phát triển, thị trường tập trung khai thác, lộ trình và các phương án triển khai. Kế hoạch cũng phân công cụ thể trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị trong triển khai phát triển du lịch.

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển

Quận đã lựa chọn ngay một số điểm du lịch phù hợp trên địa bàn để thực hiện thí điểm du lịch an toàn với dịch như: Mở cửa phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, tuyến phố "Văn hóa ẩm thực Việt Nam" tại Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông… Từ đó, dần mở rộng ra các địa điểm khác, nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động của các sự kiện văn hóa, thể thao, hội chợ, triển lãm, vui chơi giải trí...

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Đăng Định chia sẻ, quận đã thực hiện rất sát chỉ đạo của thành phố, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thương mại dịch vụ. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn, việc trông chờ vào nguồn thu từ khách nước ngoài là không khả thi.

“Vì vậy, ngay khi du lịch vừa được mở cửa, trực tiếp Thường trực Quận ủy đã tổ chức gặp 373 doanh nghiệp, 400 chủ khách sạn trên địa bàn trong 4 buổi để bàn, định hướng quảng bá du lịch nội địa. Trong đó chỉ đạo, toàn bộ cơ cấu ngành hàng, các sản phẩm dịch vụ là tập trung cho du lịch nội địa.

Nhờ đó, năm 2022, tổng doanh thu thương mại - dịch vụ của Hoàn Kiếm vẫn tăng 2,9% so với năm trước, ăn uống tăng 93%, du lịch tăng 313% - toàn bộ là nguồn thu từ khách nội địa.

Cũng chọn du lịch làm động lực phục hồi kinh tế, thị xã Sơn Tây đã nhanh chóng trở thành điểm sáng ở phía Tây TP Hà Nội. Bắt đầu với việc khai trương tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây vào đúng dịp 30/4, thị xã đã đẩy mạnh các hoạt động thu hút du khách; Đồng thời, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, du lịch gia đình.

Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, với mục tiêu tạo chuỗi kết nối hoàn chỉnh và xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch, thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây
Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, với mục tiêu tạo chuỗi kết nối hoàn chỉnh và xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch, thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho hay, qua khảo sát một số địa điểm du lịch trên địa bàn phần lớn du khách đi theo gia đình hay nhóm nhỏ bằng phương tiện cá nhân, rất phù hợp với công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bởi vậy, sau 2 năm đóng cửa bởi dịch, khi thị trường du lịch hoạt động trở lại, địa phương đã định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng.

Với mục tiêu tạo chuỗi kết nối hoàn chỉnh và xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch, thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây và nhiều hoạt động văn hóa tại không gian tuyến phố đi bộ; Phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, kết nối tour, tuyến nhằm phát triển du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tâm linh, ẩm thực… của Sơn Tây và các địa phương; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại di tích thành cổ nhằm giáo dục truyền thống, ý thức bảo tồn di sản, khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa trong thế hệ trẻ...

Bầu không khí của phát triển du lịch đã đem đến luồng gió mới đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, tinh thần của Nhân dân địa phương. Số liệu của thị xã Sơn Tây cho thấy, tuyến phố đi bộ Sơn Tây (hoạt động từ ngày 30/4 đến nay) đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong đời sống và kinh tế của địa phương. Lượng khách đến tuyến phố đi bộ ước đạt trên 20 vạn lượt (trung bình mỗi tối thu hút khoảng trên 1 vạn lượt khách. Cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt khách).

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển
Tối 30/4/2022, đúng vào kỳ nghỉ lễ, không gian phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây mở cửa đón du khách. Đây là không gian đi bộ thứ tư của TP Hà Nội

Thị xã Sơn Tây vốn tĩnh mịch và lắng đọng, nay còn khoác lên mình tấm áo mới năng động, màu sắc, tươi vui. Bà Nguyễn Khánh Hoa (Tổng Giám đốc khách sạn Glory Resort Sơn Tây) cho hay: "Những hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, đặc biệt là sự ra mắt phố đi bộ Sơn Tây có tác động tích cực đến hoạt động của đơn vị. Lượng khách đặt phòng tại Glory tăng lên tương đối lớn vào các dịp cuối tuần, hoặc các ngày nghỉ lễ - trùng với thời điểm diễn ra các chương trình văn hóa, nghệ thuật của thị xã Sơn Tây. Tôi cho rằng, hiệu quả như thế một phần do chất lượng phục vụ ngày càng nâng cao của Glory; Phần khác là nhờ sự quảng bá hình ảnh của Sơn Tây tới du khách".

Đổi mới phương thức lãnh đạo làm động lực phát triển

Năm 2022, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội chính thức thông qua. Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đặc biệt sau “cơn bạo bệnh” do dịch COVID-19, dự án được kỳ vọng như “liều thuốc bổ” mang lại luồng sinh khí mới giúp Hà Nội tăng tốc trên nhiều lĩnh vực: Giao thông, đô thị, du lịch, nông nghiệp...

Với huyện Mê Linh, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ giúp địa phương hoàn thiện thêm tiêu chí quận giai đoạn 2025 - 2030 và lên thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030. Dự án đi qua địa phận huyện có tổng chiều dài khoảng 11,2km, tổng diện tích đất thu hồi 134,2ha; Dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng là 3.056,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Mê Linh chia sẻ với người dân xã Kim Hoa về tầm quan trọng của dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô
Lãnh đạo huyện Mê Linh chia sẻ với người dân xã Kim Hoa về tầm quan trọng của dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô

Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ dự án, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ tiếp công dân chuyên trách thực hiện dự án; Đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết để chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ; Chủ động đi trước TP rà soát các nhiệm vụ thực hiện dự án trên địa bàn huyện; Thường xuyên giao ban định kỳ hàng tuần để kiểm điểm tiến độ thực hiện.

Đặc biệt, huyện đã phát động phong trào thi đua "Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4", nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn 5 xã Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm và Kim Hoa tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án trong thời gian sớm nhất.

Đường trục Khu đô thị mới Mê Linh đoạn xen kẹp qua Hà Nội
Đường trục Khu đô thị mới Mê Linh đoạn xen kẹp qua Hà Nội

Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, các phòng, ban chuyên môn của huyện và các xã có tuyến đường đi qua đã chủ động triển khai nhiệm vụ thực hiện dự án, trong đó quyết liệt triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất thực hiện dự án. Sau thời gian tích cực vận động, tuyên truyền, hầu hết Nhân dân đã đồng thuận và nhận thức vai trò quan trọng, thiết yếu của tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Đồng thời, người dân nhất trí với việc di chuyển mồ mả, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Trong đó, xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) là xã đầu tiên tổ chức di dời 18 ngôi mộ về nghĩa trang thôn Kim Tiền trong sự đồng thuận cao của người dân.

Không chỉ ở Mê Linh, ở 6 quận, huyện khác có dự án đi qua, ban chỉ đạo đều do Bí thư quận ủy, Bí thư huyện ủy làm trưởng ban để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tại cấp xã, các ban chỉ đạo cũng đã được thành lập. Các địa phương còn bố trí các tổ công tác làm nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, tiến hành đồng bộ khâu của công tác giải phóng mặt bằng.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, không những thành lập ban chỉ đạo ở cấp huyện, cấp xã, Thường Tín còn thành lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ cụ thể, như: Kiểm đếm tài sản, hoa màu ở cơ sở. Huyện xác định rằng, dự án chậm triển khai 1 tuần, 1 tháng… sẽ kéo theo nhiều chi phí phát sinh và hiệu quả đầu tư bị ảnh hưởng nên việc triển khai ở cơ sở cần rất khẩn trương trên cơ sở đúng các quy định của pháp luật.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm việc với các địa phương về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm việc với các địa phương về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Tại huyện Thanh Oai, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, đến nay, huyện đã hoàn thành việc bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 trên bản đồ và ngoài thực địa. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện cũng đã tổ chức hội nghị triển khai, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc và đề xuất để sớm đề ra các phương án tháo gỡ.

Không chỉ với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, trong năm qua, nhiều cấp ủy cũng đã thực hiện mạnh mẽ đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng sâu sát cơ sở, tập trung vào những việc khó, việc mới. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai cho biết, huyện xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy một cách chi tiết, phân công rõ người, rõ việc. Thường trực Huyện ủy thực hiện giao ban hằng tuần và đột xuất để đánh giá những nhiệm vụ đã đề ra, với các đồng chí trong Ban Thường vụ khi hỏi về một vấn đề, vụ việc cụ thể được giao phụ trách phải báo cáo tình hình ngay.

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển
Bứt phá từ những hạt nhân cơ sở

Xuyên suốt một năm nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vai trò cấp ủy cùng hiệu quả trong sự công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được khẳng định và nhìn nhận rõ nét. Và cũng không thể thiếu những “hạt nhân” tại cơ sở luôn tiên phong, nỗ lực đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế - xã hội địa phương.

Bí thư xã kéo loa

Với những ai đã về xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) tham quan mô hình “du lịch - sinh thái - làng nghề”, hẳn đều không khỏi ấn tượng với hình ảnh, Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Hải Đăng tay kéo loa, tay cầm míc, cần mẫn giới thiệu từng mô hình nhà vườn tới du khách.

Ông Nguyễn Hải Đăng, chủ tịch HĐND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín
Ông Nguyễn Hải Đăng, chủ tịch HĐND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín

Từ hơn 10 năm trước, khi mới nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, ông Đăng là nhân tố chính đóng góp vào thay đổi bộ mặt địa phương này. Thời điểm đó, xã có truyền thống nghề sản xuất hoa màu và cây cảnh, tuy nhiên, các mô hình còn nhỏ lẻ, làm thủ công, chưa được ứng dụng công nghệ nên năng suất, chất lượng chưa cao. Các sản phẩm sản xuất chưa có đầu ra vì chưa tạo được chuỗi liên kết trong vùng du lịch từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sau khi được được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao năm 2019, để tạo đột phá mới, xã đã tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và đã được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh.

Ông Đăng nhớ lại, lúc bấy giờ, xã Hồng Vân tiến hành trên 100 cuộc họp với Nhân dân nhằm phổ biến chủ trương xây dựng du lịch cộng đồng. Không quản nắng mưa, ông đã đi từng ngõ, gõ từng nhà nhằm tuyên truyền về lợi ích của làm du lịch dựa trên tài nguyên sẵn có của quê hương, đó là hoa cây cảnh và trầm tích văn hoá. Thậm chí, ông không ngại mang loa kéo đi dọc các con đường làng, khiến cho bà con nghe rõ, hiểu thấu chủ trương, cũng như lợi ích của du lịch cộng đồng bên vững.

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển

Sự kiên trì của ông Đăng đã giúp người dân đã thay đổi nhận thức chuyển sang làm du lịch. Hiện trên địa bàn xã có hơn 20 mô du lịch nông nghiệp. Du khách tới đây được tham quan, trải nghiệm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa; Tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo dược, khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc… Từ khi phát triển theo định hướng là xây dựng xã du lịch sinh thái làng nghề, bộ mặt làng quê xã Hồng Vân đã có nhiều thay đổi. Quá trình phát triển đã tạo công ăn việc làm, giá trị kinh tế từ du lịch cũng cao.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong cả nước, trong hơn 2 năm dịch bệnh, xã Hồng Vân phải đối mặt với thử thách lớn khi du lịch gần như kiệt quệ bởi dịch COVID-19. Du khách không tìm tới xã Hồng Vân, khiến nguồn thu của người dân eo hẹp. Hệ quả là không ít cở sở du lịch đóng cửa, hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Thêm một lần nữa, ông Đăng đã cùng với Đảng uỷ xã Hồng Vân thực hiện nhiều biện pháp kịp thời hỗ trợ bà con phục hồi hoạt động du lịch.

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển

“Trong giai đoạn dịch, nhiệm vụ lớn nhất của chúng tôi là giữ cho người dân an toàn. Sau khi đỉnh dịch đi qua, du lịch phục hồi, Đảng uỷ xã và các chi bộ đã xây dựng các chương trình, xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế xanh, bền vững. Người dân một lần nữa bắt tay tái khởi động các mô hình du lịch trong không khí tưng bừng, phấn khởi chưa từng có”, ông Đăng chia sẻ.

Theo thống kê chưa đầy đủ của xã Hồng Vân, kinh phí người dân dành cho tái thiết du lịch tăng khoảng 10 lần so với năm 2021. Từ đầu năm tới nay, trên dưới 5 vạn du khách đã tìm đến trải nghiệm các danh thắng và di tích tại xã Hồng Vân. Các địa điểm như đảo Hoa Tiên, bãi Nàng Tiên, công viên các hoàng tử và đặc biệt là chợ đêm Hồng Vân đã và đang trở thành điểm hẹn đối với du khách gần xa.

Tiên phong phát triển các mô hình

Là một trong những địa phương cách xa trung tâm Thủ đô Hà Nội nhất, song những năm qua, xã Ba Vì đã, đang nỗ lực để phát huy tốt nhất vai trò, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và thành phố.

Xác định mỗi đảng viên phải là một tuyên truyền viên trong phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào vùng dân tộc, với mục tiêu trước tiên là xây dựng khối đại đoàn kết, giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội tại địa phương, trong những năm qua, các đảng viên xã Ba Vì đã tích cực vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.

Nghề trồng dược liệu vừa bảo vệ rừng, vừa tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nghề trồng dược liệu vừa bảo vệ rừng, vừa tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đảng viên tại xã Ba Vì còn gương mẫu đi đầu, tiên phong trong phát triển kinh tế địa phương. Anh Triệu Sinh Viễn, sinh năm 1993, ở thôn Yên Sơn là một trong những đảng viên trẻ tiêu biểu trong phong trào ấy.

Phát huy truyền thống của gia đình, những năm qua, anh Viễn đẩy mạnh phát triển nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ cây thuốc Nam. Không chỉ dừng ở bán lá thuốc, anh còn đã nghiên cứu, phối trộn nhiều loại nguyên liệu để nấu cao, tạo thành những sản phẩm thuốc Nam tiện lợi hơn cho người tiêu dùng. Song song với đó, anh chủ động tiếp cận với các kênh thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thuốc Nam của gia đình. Qua đó, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Bên cạnh nghề làm thuốc Nam, nhiều đảng viên xã Ba Vì còn phát triển ngành nghề trồng trọt, với nhóm cây trồng chủ yếu là chè xanh, dong giềng, cây bương, cây tre…; Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Sau khi đi bộ đội về, anh Dương Kim Liêm, ở thôn Hợp Nhất chọn theo học nghề cơ khí, với dự định xuất khẩu lao động. Được sự động viên của gia đình, anh quyết định ở nhà mở xưởng cơ khí, đồng thời phát triển thêm nghề chăn nuôi lợn.

Trên diện tích hơn 1ha, hiện anh Liêm đang phát triển đàn lợn hàng trăm con cho doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ năng động phát triển kinh tế, gia đình anh Dương Kim Liêm hiện đã có “của ăn, của để”. Bản thân anh trở thành tấm gương điển hình để quần chúng Nhân dân noi theo.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Ba Vì có nhiều lợi thế phát triển về du lịch – dịch vụ, nông - lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Ba Vì có nhiều lợi thế phát triển về du lịch – dịch vụ, nông - lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng

Những tấm gương năng động trong phát triển kinh tế như anh Liêm, anh Viễn đang xuất hiện ngày một nhiều tại xã Ba Vì. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của xã Ba Vì tiếp tục chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người dân liên tục tăng qua các năm. Toàn xã hiện chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 1,8% tổng số hộ toàn xã (theo chuẩn nghèo đa chiều mới).

Đầu năm 2022 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ba Vì vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới do UBND TP Hà Nội trao tặng. Trong thành quả đó có sự tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các đảng viên người dân tộc.

Đưa tinh thần đổi mới thành dòng chảy xuyên suốt

Những chuyển biến trên nhiều lĩnh vực của thành phố Hà Nội trong năm qua là minh chứng rõ nét, sinh động nhất của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Thành quả ấy cũng cho thấy, khi ý chí, tinh thần của cấp ủy được nêu cao sẽ như một “mạch máu” căng tràn “chảy” tới từng cấp ngành, địa phương, tạo nên một “cơ thể sống” mạnh khỏe, minh mẫn nhất.

Với “sức khỏe” và “tinh thần” đã và đang hồi phục, Hà Nội tự tin tạo dựng những thành công mới như các mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.

Bài viết: Tú Linh - Vũ Cường

Tinh thần cấp ủy khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển

Phạm Mạnh