Tag

Vạch trần thủ đoạn “ép” mực ngậm hóa chất lên bàn tiệc ở Hà Nội

Phóng sự 04/12/2017 08:00
aa
TTTĐ- Khu bày bán bẩn thỉu, nhếch nhác; khu phân loại sơ chế lênh láng hóa chất; khu trữ hàng ngổn ngang sộc mùi tanh hôi lộng óc.. .Đó là những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến tại khu thủy hải sản ở chợ đầu mối Long Biên. Có ai ngờ, từ những những con mực đen kịt, bốc mùi hôi thối, chỉ bằng vài thao tác đơn giản, chúng đã trở nên trắng muốt, tươi mềm, và ung dung xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng...

Vạch trần thủ đoạn “ép” mực ngậm hóa chất lên bàn tiệc ở Hà Nội


Bài 1: Trắng đêm mục sở thị quy trình tẩm ướp, hô biến mực bẩn thành mực tươi ngon đầu bảng

Vạch trần thủ đoạn “ép” mực ngậm hóa chất lên bàn tiệc ở Hà Nội


Quy trình hãi hùng

Theo nguồn tin từ một người quen – cô gái đến từ một vùng biển đánh bắt thủy hải sản nổi tiếng ở phía Bắc nước ta, cảnh báo: “Anh rể tôi làm lái xe tải chở mực ra chợ Long Biên, Hà Nội. Tận mắt chứng kiến chủ hàng mực yêu cầu đổ mực vào bồn hóa chất để ngâm. Ăn vào lại rước bệnh vào thân, chết lúc nào không biết. Từ bấy đến giờ, anh rể và cả gia đình tôi không bao giờ dám ăn mực mà chưa biết rõ nguồn gốc”. Cố gắng kết nối với người anh rể trong câu chuyện trên, tôi trong vai một lái buôn đổ mực lên vùng cao tìm đến khu vực chợ Long Biên.

Chợ đầu mối Long Biên là khu chợ “không ngủ”, kể cả Tết nhất hay các ngày lễ. Hàng ngày, khoảng 10 giờ đêm xe tải bắt đầu chở hoa quả, cá mú, tôm mực đổ về chợ. Cao điểm là 12 giờ đêm, hàng trăm xe tải, xe kéo tay ầm ầm tiến vào chợ khiến khu vực này thường ùn tắc. Sau khi đỗ đúng vị trí, các chủ xe đứng giao dịch cho đến sáng.

Thông thường, xe chở thủy hải sản, chủ yếu là tôm, mực về sát giờ cao điểm vì khâu bảo quản mực rất cấp thiết. Thế nhưng, riêng với mực, các chủ hàng có bí quyết bảo quản “tuyệt mật” nên xe mực có thể về vào ban ngày mà không ảnh hưởng gì tới chất lượng! Trí tò mò thôi thúc, nhiều đêm liên tục, chúng tôi lân la, tiếp cận các xe chở mực với hi vọng lật được tấm màn nhung bí ẩn phía sau.

Một ngày Hà Nội lạnh buốt. 22 giờ, tôi có mặt ở chợ Long Biên, và bắt đầu tìm kiếm anh T. – một người làm thuê ở cửa hàng mực. Gặp anh, khi anh đang phân loại mực cùng với vài người phụ nữ khác. Nhờ có “người quen giới thiệu”, hứa hẹn “bắt mối làm ăn lâu dài”, nên họ tin tưởng cho tôi đứng hàn huyên. Nhân lúc đó, tôi đã bật máy quay bí mật và quan sát nhiều công đoạn của quy trình phân loại, ngâm tẩm mực bằng hóa chất trước khi xuất bán bằng xe tải hoặc phân phối cho hệ thống nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Ban đầu, mực được xe tải chở về đóng hộp, xếp sẵn trong khu vực của gian hàng. Tại gian hàng, chủ là một phụ nữ trẻ, tầm 30 tuổi, làm việc cùng với các nhân viên rất lặng lẽ và chuyên nghiệp. Họ lấy dao cắt lớp băng dính trên nắp hộp xốp, lật nghiêng thùng xốp nặng chừng 50-60kg, bên trong chứa mực đã ngâm đá và nước. Cửa hàng nào cẩn thận thì đổ mực ra sàn lót vải bạt mỏng màu xanh, còn có nhiều hàng đổ thẳng mực xuống nền xi măng bẩn thỉu. Những nhân công thạo việc bắt đầu phân loại mực ra các khay nhựa để thuận tiện cho việc định giá bán.

Anh T. ngoài việc giúp các chị đổ thùng mực, còn đi chặt đá lạnh từ những cây đá lớn dài chừng 1m ra và chuẩn bị các thùng để ngâm mực. Sau khi phân loại mực xong, những thùng mực này không bán ngay trong đêm nay mà lại tiếp tục được ngâm để bán vào những ngày hôm sau.

Theo quan sát, quy trình ngâm mực được thực hiện rất bài bản: Hàng chục thùng xốp được xếp cạnh nhau. Mỗi tầng thường là 5 thùng xốp. Anh T. cho lần lượt cho mỗi thùng 1/2kg muối hạt to và bắt đầu xả nước, khi nước đầy khoảng 2/3 thùng, thì dừng lại.

Sau đó, anh T. cầm can nhựa chừng 5 lít từ bể nước lên, lần lượt rót thứ nước có mùi hôi nồng vào thùng mực. Anh T. bảo đó là oxy công nghiệp. Vừa đổ oxy, vừa khuấy đều dung dịch trong thùng trước anh lèn chặt đá vào thùng xốp. Bước cuối, anh chỉ việc xếp mực vào mỗi thùng theo phân loại to – nhỏ trước đó. Anh T. lưu ý, xếp mực phải cho râu mực quắp xuống, đuôi mực chổng lên thì lúc này phần đầu mực sẽ được tươi nhất, râu không bị rụng. Kỹ năng này rất quan trọng. Loại mực to xếp thùng riêng, mực nhỏ xếp riêng. Thùng nào xong sẽ được đóng nắp và đánh dấu.

Hết lượt 5 thùng, anh lại xếp chồng hai, và quy trình ngâm cũng y như vậy.

Anh T. cho biết thêm: "Ngâm chỉ đơn giản vậy thôi, có điều mua oxy khó đấy. Người lạ không mua được đâu. Anh còn không biết chỗ mua, chỉ có chủ họ mua về rồi người làm thuê như anh cứ thế thao tác thôi".

Lúc này đã 11 giờ khuya, bà chủ nhắc nhân viên đóng mực để đưa lên đầu mối đi các tỉnh Sơn La, Lào Cai... Những cửa hàng kế bên cũng bắt đầu rậm rịch thùng và sọt chứa mực. Những nam thanh niên lăn những thùng phuy nhựa mầu xanh khoảng 120-150 lít, tay cầm những thanh gỗ dài, đảo liên hồi dung dịch trong thùng và bắt đầu quá trình ngâm tẩm mực giống như anh T. vừa làm.

Bán mực hóa chất lên vùng núi... vì ở đó bà con dễ bị lừa hơn!

Có một điều ngạc nhiên nữa, có rất nhiều mực Trung Quốc đã được bán ở chợ đầu mối Long Biên mà các nhân viên và chủ cửa hàng gọi với tên là mực trắng. Đây chính là loại mực mà các chủ cửa hàng xuất lên Sơn La, Lào Cai (và các tỉnh miền núi). Theo chân nhân công ra khu hộp xốp phía đối diện với cửa hàng, thấy những thùng xốp trắng được xếp chồng lên nhau thành từng cột. Có cột chồng 3 thùng, cột chồng 5 thùng.

Chị nhanh nhẹ mở nắp thùng xốp thấp nhất, bắt đầu bốc những con mực trắng tinh, to và cứng ngắc ném xuống rổ nhựa. Có những con bắn ra ngoài nền xi măng vẫn cứng đơ. Tôi buột miệng: "Mực Trung Quốc à ?" - "Đúng đấy, người ta cứ gọi thế, mực trắng, mực Tàu, cũng là nó" - chị đáp.

Chị được chủ cửa hàng yêu cầu xếp hai thùng, mỗi thùng độ 30-40kg mực. Sau khi ngâm đóng thùng như anh T. đã làm, gồm muối, nước, oxy và đá, chị cho mực vào và đóng nắp. Đợi xe sau khi về chợ Long Biên đổ hàng sẽ ngược lên các tỉnh vùng cao. Theo tiểu thương nhiều năm buôn mực bẩn, thì ở đó bà con dễ bị... lừa hơn, họ ở núi cao, không có biển nên rất thích ăn hải sản.

Phần ngâm mực cơ bản đã xong, xấp xỉ 12 giờ đêm, sẵn sàng cho "giờ vàng" cao điểm bán buôn kéo dài đến 3 giờ sáng. Bàn ghế và các khay nhựa đựng mực đã bắt đầu được xếp ngay ngắn, chứa các loại mực cho khách buôn lựa chọn.

Khu bán mực có khoảng gần 20 cửa hàng, phân làm hai dãy. Tôi quan sát thấy có rất nhiều mực trắng được bán trong các cửa hàng, thậm chí có đại lý bán toàn "mực trắng". Mực này giá chỉ 70-120 nghìn/kg. Trong khi cùng loại kích thước đó, mực ta bán 160-200 nghìn/kg.

Khoảng 1 giờ sáng, khách buôn đã đi chật lối, người bán, kẻ mua ồn ào tấp nập cho đến 5 sáng. Nhân viên cửa hàng dọn dẹp nữa đến 7-8 giờ sáng. Khoảng 9-10 giờ trưa lại có một nhóm khác thay ca, và bắt đầu quy trình ngâm ướp mực mới.

Tôi thấy một xe tải chở mực chừng 7 tấn, gắn biển số 74... - Quảng Trị. Hỏi ra mới biết, mực cũng có thể được đưa từ Quảng Bình, Quảng Trị và nhiều tỉnh phía Nam ra.

Nhân công bắt đầu bê những khay mực trắng lốp, đóng tuyết cứng chắc, đổ ra nền xi măng bẩn thỉu để phân loại và bắt đầu quy trình ngâm ướp.

Lúc này tôi về phòng trọ, vẫn trong vai người buôn, với mong muốn gặp riêng anh T. để nhờ anh hướng dẫn kỹ thêm về quy trình ngâm ướp mực. Trong căn phòng trọ tầng 3 ở ngay sát chợ, anh T. đang ở tạm cùng với 2 người tài xế xe tải, anh T. nháy mắt với tôi, ý là anh sẽ nói chuyện kỹ hơn ở nơi khác, ở đây nói về hóa chất ngâm tẩm mực không tiện. Hai người tài xế bày cách cho tôi đưa hàng lên vùng cao, các anh cũng hay chạy tuyến lên trên đấy, nếu tiện đường cứ gửi xe anh cho yên tâm. Khi nói về việc buôn bán mực, một anh khuyên tôi: "Đừng lấy mực nhà T. mà mất khách. Mực họ xấu lắm, lại ngâm tẩm nhiều hóa chất độc hại, như thế thì làm ăn sẽ thất đức".

(còn nữa)




Tin liên quan

Đọc thêm

Thâm nhập những cánh rừng vùng biên đang ngày đêm "rỉ máu" Phóng sự

Thâm nhập những cánh rừng vùng biên đang ngày đêm "rỉ máu"

TTTĐ - Quá trình thâm nhập, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng vùng biên giới tại hai xã Ia Púch và Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, đang ngày đêm "rỉ máu"
Bài cuối: Niềm vui trên khu tái định cư do doanh nghiệp xây dựng Phóng sự

Bài cuối: Niềm vui trên khu tái định cư do doanh nghiệp xây dựng

TTTĐ - Bên cạnh những khu tái định cư còn nhiều bất cập, thì Khu tái định cư Thủy điện Đăk Mi 1, do Công ty Cổ phần Quang Đức Kon Tum làm chủ đầu tư đang đem lại niềm vui, cuộc sống ấm no cho 37 hộ dân thôn Kon Năng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum).
Về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên Phóng sự

Về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên

TTTĐ - Chiều 9/12, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, đoàn công tác của báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới dự lễ cầu siêu, dâng hương tri ân những anh hùng hi sinh trên các mặt trận của tỉnh Hà Giang.
Bài 3: Người dân được hỗ trợ tiền, xã “giữ” làm tái định cư? Phóng sự

Bài 3: Người dân được hỗ trợ tiền, xã “giữ” làm tái định cư?

TTTĐ - Loạt bài phản ánh của báo Tuổi trẻ Thủ đô cho thấy nhiều bất cập tại các khu tái định cư thuộc dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đang cần được tháo gỡ.
Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong Phóng sự

Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong

TTTĐ - Khi người dân chuyển về khu tái định cư đã phát hiện nhiều bất cập khiến các hộ dân “đi không được, ở cũng không xong”. Thậm chí, có hộ dân phải “bỏ của chạy lấy người”...
Bài 1: Người dân chưa thể "an cư" tại khu tái định cư Phóng sự

Bài 1: Người dân chưa thể "an cư" tại khu tái định cư

TTTĐ – Câu chuyện đầu tư khu tái định cư cho người dân vùng thiên tai, khó khăn tại huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) không được tính toán thấu đáo, dẫn đến dự án rơi vào cảnh hoang phế, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Bài 5: Để “thuốc” phát huy tác dụng Phóng sự

Bài 5: Để “thuốc” phát huy tác dụng

TTTĐ - Liên quan đến việc triển khai Chỉ thị 24/CT-TU của Thành uỷ Hà Nội, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi...
Bài 4: “Khâu khó, việc mới” - khẳng định “chất” người đứng đầu Phóng sự

Bài 4: “Khâu khó, việc mới” - khẳng định “chất” người đứng đầu

TTTĐ - Chỉ thị 24 được Ban Thường vụ, Thường trực Quận ủy xác định là “luồng gió” mới trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ.
Bài 3: Thủ đô tiên phong Phóng sự

Bài 3: Thủ đô tiên phong

TTTĐ - Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” được cho là "liều thuốc" hữu hiệu.
Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính” Phóng sự

Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính”

TTTĐ - Chỉ thị 24 - cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám nhận việc khó - là cách chữa trị đầu tiên tung ra giữa lúc cả xã hội đang cần một biện pháp hữu hiệu để điều trị căn bệnh trầm kha.
Xem thêm